Ngày 18/5, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 17 bị cáo trong vụ án gây thất thoát tài sản Nhà nước, thiếu trách nhiệm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và đơn vị thành viên là Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Ventraco).
Khai báo trước tòa, ông Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch VEAM nhiều lần bác bỏ cáo buộc của VKS khi quy kết ông phải chịu trách nhiệm trong 3 sai phạm, gây thất thoát hơn 140 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Ngọc Hà cho biết, VEAM cổ phần hóa từ năm 2017, vốn Nhà nước nắm giữ 88,47% do Bộ Công Thương đại diện. Ở doanh nghiệp có 2 hoạt động chính là đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động đầu tư, thẩm quyền thuộc về HĐTV. Pháp luật đã tách bạch thẩm quyền của HĐTV và Tổng Giám đốc.
Liên quan đến việc bảo lãnh trái luật cho Vetranco gây thiệt hại hơn 75 tỷ đồng, bị cáo Hà cho rằng, việc bảo lãnh thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc và không cần báo cáo HĐTV. Bản thân HĐTV không biết việc này.
“Cho đến ngày 11/9/2013, lần đầu tiên tôi được nghe về việc bảo lãnh và lập tức yêu cầu báo cáo. Ngày 17/9, tôi làm văn bản yêu cầu ngăn chặn ngay các phát sinh… Tôi cũng báo cáo là tôi không đủ điều kiện để biết việc này vì nghiệp vụ này không phát sinh trên báo cáo tài chính.
Người được phân công theo dõi cũng không biết vì không ai báo cáo. Sát sườn nhất như HĐQT của Vetranco cũng không biết. Cáo trạng nói tôi buộc phải biết là không phù hợp vì đây là thẩm quyền của Tổng Giám đốc”, bị cáo Trần Ngọc Hà khẳng định và cho biết thêm theo quy định, tổng giám đốc được bảo lãnh trong hạn mức khoảng hơn 460 tỷ đồng.
Khai trước tòa, bị cáo Trần Ngọc Hà còn cho rằng, chỉ nhận trách nhiệm hành chính. “HĐTV có trách nhiệm với kế hoạch tổng thể, lên kế hoạch, bảo toàn và phát triển vốn. Từng sự việc, lĩnh vực, có nơi lãi, nơi lỗ, ở cấp nào làm thì phải chịu trách nhiệm”, bị cáo khai.
Trước bục khai báo, bị cáo Hà cũng phủ nhận cáo buộc về đầu tư sản xuất 2 sản phẩm là máy kéo bốn bánh hạng trung và xe ô tô tay lái bên phải không đúng quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước 66 tỷ đồng. Bị cáo khẳng định đã thực hiện đúng và không có sai phạm.
Cựu HĐTV VEAM cho biết, hàng năm, HĐTV ban hành kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, xuất khẩu sản phẩm và thể hiện ở các con số. Tổng giám đốc phải chủ động thực hiện.
Trong 30 năm hoạt động, HĐTV chưa ban hành nghị quyết nào quyết định phải sản xuất sản phẩm cụ thể nào. Hàng năm, tổng công ty phát triển hàng trăm sản phẩm mới dạng linh kiện, hàng chục sản phẩm mới dạng sản phẩm. Chính vì không thuộc thẩm quyền thành viên nên cáo buộc như cơ quan tố tụng cáo buộc mang tính áp đặt.
“Tôi là con người năng động, đam mê công việc, thấy có lợi thì làm. Kể cả thế hệ tiếp theo không làm những việc như thế thì nhà máy không tồn tại”, bị cáo Hà khai.
Bình luận