(VTC News) - Báo Hong Kong, báo Anh đồng loạt đưa tin cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc bị điều tra đặc biệt, điều được cho là chưa từng xảy ra ở nước này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam, có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đang chịu sự điều tra đặc biệt liên quan đến những bê bối từng được đồn đoán nhiều trong thời gian qua.
Cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang |
Tổ công tác điều tra những vi phạm của ông Chu được đặt dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Công an Phó Chính Hoa - người cũng đang lãnh đạo lực lượng công an Bắc Kinh và cảnh sát vũ trang Bắc Kinh.
Theo nguồn tin của Bưu điện Hoa Nam, kết quả điều tra sẽ được báo cáo thẳng với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tờ Bưu điện Hoa Nam nói đây là "sự việc bất thường, chưa có tiền lệ" bởi với các quan chức đương nhiệm hoặc đã về hưu trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ chịu sự điều tra của Ủy ban Kiểm tra, giám sát kỷ luật Trung ương (CCDI).
CCDI sẽ xem xét vụ việc để quyết định bàn giao cho các cơ quan điều tra của chính phủ thực hiện tiếp hay không. Trước khi chuyển giao quan chức bị tố cáo tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, CCDI sẽ có quá trình gọi là "song quy", tức là biệt giam trong một thời hạn cố định để thẩm vấn.
Tuy nhiên, lần này ông Chu lại bị điều tra đặc biệt, điều được hãng tin BBC của Anh cho là chưa từng xảy ra với các quan chức từng công tác trong Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyết định những chính sách chiến lược của Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam, ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình, người đứng đầu CCDI là ông Vương Kỳ Sơn cũng muốn những cảnh sát có kinh nghiệm điều tra vụ việc liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang - người từng được truyền thông phương Tây gọi là "trùm an ninh" của Trung Quốc.
Một nguồn tin giấu tên nói với tờ Bưu điện Hoa Nam rằng ông Tập và ông Vương muốn cảnh sát trực tiếp tham gia vụ việc ngay từ đầu bởi nhiều quan chức CCDI bị cho là thiếu kinh nghiệm trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng.
Trước khi về hưu, ông Chu từng có thời gian làm Bộ trưởng Công an Trung Quốc từ năm 2007 - 2012. Báo chí chính thống Trung Quốc thời đó nói ông Chu là người có công lớn trong việc ổn định tình hình an ninh ở nước này.
Thất bại lớn nhất của ông Chu cho đến nay, theo hãng tin BBC là việc để nhà bất đồng chính kiến bị mù Trần Quang Thành trốn thoát khỏi nhà riêng, chạy vào lãnh sự quán Mỹ.
Những đồn đoán về việc ông Chu sẽ bị điều tra đã xuất hiện kể từ khi cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai mất hết chức vụ và bị cáo buộc nhiều tội danh hồi năm ngoái.
Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai được cho là có mối quan hệ mật thiết với nhau, việc Bạc lên nắm chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh cũng được cho là có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chu.
Cũng liên quan đến những cáo buộc tham nhũng dành cho Chu Vĩnh Khang, tỷ phú tỉnh Tứ Xuyên Ngô Binh, người được cho là có quan hệ thân cận với Chu bị bắt giữ hồi đầu tháng 8 vừa qua tại Bắc Kinh.
Trước đó, ông Quách Vĩnh Tường, cựu phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên cũng bị bắt hồi tháng 6 năm nay với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng" - cụm từ được tờ Telegraph của Anh nói là thường được dùng để chỉ những quan chức dính líu tham nhũng ở Trung Quốc.
Quyết định điều tra đặc biệt với Chu Vĩnh Khang được các lãnh đạo Trung Quốc thông qua từ hồi tháng 8 vừa qua tại khu nghỉ mát cao cấp Bắc Đới Hà.
Theo bình luận của Bưu điện Hoa Nam, kể từ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc năm 1976 tới nay, chưa có quan chức nào tại vị hoặc về hưu trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc bị điều tra các tội danh liên quan kinh tế.
Trước khi là Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Tờ Telegraph đưa tin, một số quan chức cấp cao của CNPC có quan hệ thân cận với ông Khang cũng đang bị "song quy".
Huyền Lê
Bình luận