• Zalo

Cựu binh Chiến tranh biên giới và nỗi buồn 'gia cảnh điên khùng'

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 24/02/2017 07:30:00 +07:00Google News

Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, lam lũ ấy, một tay cáng đáng cả “gia cảnh điên khùng”, gồm chồng và 2 người em chồng.

Trong những ngày đất nước hướng về biên giới phía Bắc, tưởng niệm các anh linh liệt sĩ hy sinh vì cuộc vệ quốc vĩ đại, thì tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Phạm Văn Bần, Trưởng công an xã Thái Dương (Thái Thụy, Thái Bình). Anh bảo: "Thấy nhà báo viết nhiều về Chiến tranh biên giới, nhắc đến nhiều cựu chiến binh 1979 có hoàn cảnh rất khó khăn, tôi mạo muội gọi điện cho anh, nhờ anh một việc. Ở xã tôi, có một cựu chiến binh Chiến tranh biên giới, cứ thi thoảng lại hoang tưởng. Kính nhờ nhà báo về đây xem xét, có giúp được gì cho anh ấy không".

Tôi về xã Thái Dương, tìm gặp trưởng công an Phạm Văn Bần. Anh lôi ra mấy tờ giấy A4, nét chữ nguệch ngoạc. Anh bảo, đó là đơn tố cáo của ông Phạm Xuân Văn, người làng Trần Phú. Đọc mấy lá đơn, thì chữa nghĩa, câu cú lộn xộn, khó hiểu. Nhưng đại để nội dung kiện người nọ, người kia ở làng cạnh đã làm bùa ngải hại ông, khiến ông bệnh tật, điên dở.

Hóa ra, người cựu chiến binh ấy bị hoang tưởng. Cứ thi thoảng ông lại tưởng tượng ra người nọ, người kia ám hại, nên ông làm đơn kiện, yêu cầu công an bắt. Đi đâu, ông cũng nói nhỏ vào tai mọi người, kể về cái nguyên do khiến ông thi thoảng phát bệnh. Có lẽ, di chứng của thời kỳ sống và chiến đấu ở Campuchia, nơi tà thuật phổ biến, rồi sau này ở Lào Cai, tiếp xúc với với đồng bào miền núi, nên ông bị chuyện này ám ảnh.

Theo chân trưởng công an, tôi tìm đến làng Trần Phú. Từ đường họ Phạm nằm giữa làng, hướng ra cánh đồng. Cạnh ngôi từ đường nhỏ, là một gian lồi, nơi có mấy số phận điên khùng trú ngụ.

Căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, cửa rả xộc xệch, chằng đụp. Vật dụng trong nhà là một chiếc giường cũ kỹ, chăn màn cáu bẩn, cùng chiếc bàn và 2 chiếc ghế cũ mọt vênh váo. Hai người đàn ông với khuôn mặt ngô nghê ngồi thu lu trên giường. Một người luôn miệng nói linh tinh, một người hỏi gì cũng im lặng.

IMG_5397

Ba anh em ông Văn, lần lượt từ trái qua phải: Anh Vinh, ông Văn, anh Vương 

Trưởng công an Phạm Văn Bần chạy đi một lúc, thì thấy một người đàn ông rắn rỏi, nhìn mặt mũi không đến nỗi lội từ cánh đồng phía trước mặt về nhà. Hóa ra, là ông Phạm Xuân Văn. Gặp trưởng công an và tôi, ông Văn kéo tôi ra góc sân thì thầm to nhỏ về chuyện bị... bỏ bùa. Bà Đỗ Thị Na dựa chiếc xe đạp không phanh trong sân, rồi mắng chồng: “Lại bắt đầu kể chuyện luyên thuyên rồi đấy. Mọi người đừng tin lời ông ấy, mà tội cho người ta. Ông ấy điên khùng lại cứ đổ lỗi linh tinh cho người khác”. Bà Na hay chuyện. Khuôn mặt toát lên sự vất vả, lam lũ. Bà là tấm gương về nghị lực, về lòng bao dung cho cả làng, cả xã học tập. Một mình bà, bao năm nay cáng đáng cả nhà chồng, rặt là người thần kinh, hoang tưởng.

Bà Đỗ Thị Na quê ở xã Thái Thuần, vốn là xã vùng trũng, nghèo nhất tỉnh Thái Bình. Nhà nghèo, cha mẹ gả cho anh bộ đội ở xã Thái Dương, mới xuất ngũ. Ông Văn sinh năm 1955. Năm 1974, khi mới 19 tuổi, xung phong vào miền Nam chiến đấu cùng hầu hết thanh niên trong xóm, trong xã. Giải phóng miền Nam, thì tham gia đánh Polpot. Cuộc chiến ở Campuchia đang khốc liệt, thì nhận lệnh cấp tốc ra Bắc tham gia Chiến tranh biên giới. Ông được điều vào Sư 727, làm nhiệm vụ mở đường, tải đạn lên Lào Cai. Tháng 6/1979, quân Trung Quốc rút hoàn toàn khỏi Lào Cai và các tỉnh biên giới, nhưng ông vẫn tiếp tục ở lại thời gian nữa, rồi mới về quê.

Hỏi chuyện đánh giặc thế nào, ông không nhớ được nhiều. Ký ức người cựu chiến binh này lộn xộn ngay từ khi mới xuất ngũ. Bà Na bảo, về làm dâu, những ngày đầu, thấy chồng nhớ nhớ, quên quên, nghĩ là di chứng chiến tranh, có thể một thời gian rồi sẽ hết, nhưng bệnh tình của ông mỗi ngày một nặng. Cứ có thuốc điều trị thì tỉnh táo, hết thuốc thì lại lúc nhớ, lúc quên, rồi hoang tưởng nghĩ ra đủ chuyện, nói năng không chuẩn xác. Mặc dù vậy, ông Văn vẫn chịu khó làm việc, tâm tính hiền lành, nghe lời vợ. Mấy năm nay, có tuổi, già yếu, lại ngơ ngẩn, nên mọi việc gia đình mình bà cáng đáng cả.

IMG_5390

 Một mình bà Na cáng đáng cả 3 người đàn ông

Từ ngày về nhà chồng, mình bà Na thân cò lặn lội, chăm sóc 5 người nhà chồng. Bố chồng là bộ đội chống Pháp, từng bị giặc bắt, tra tấn dã man, nên hay ốm yếu, trái gió trở giời là đổ bệnh. Mẹ chồng tuy già yếu, nhưng giúp bà một tay chăm bẵm mấy người em chồng tâm thần. Tuy nhiên, năm ngoái, bà đã về trời ở tuổi gần 90, “thừa kế” lại cho con dâu 3 người đàn ông u u mê mê.

Điều khá ngạc nhiên, là hai người em chồng tuy tâm thần nặng từ rất lâu rồi, nhưng khuôn mặt ngây dại ấy rất trẻ trung. Hai người em trai của ông Văn, là Phạm Văn Vương và Phạm Văn Vinh đều đã ngoài 50 tuổi, nhưng mặt ngô nghê nhìn như mới chỉ ngoài 40. Bao năm qua, có lẽ đủ ăn, đủ mặc, hai anh em sống cuộc đời hồn nhiên như hai đứa trẻ dưới bàn tay chăm sóc của chị dâu, nên chẳng chịu già.

Thời nhỏ, anh Vương cũng bình thường như anh trai mình, nhưng đến tuổi 20, thì đột nhiên lăn đùng ra đường giãy đành đạch. Sau vụ đó, thì anh bị tâm thần luôn, mất hết lý trí. Hàng ngày, anh đóng thùng đi chơi khắp làng và gặp ai cũng “chém gió” lung tung cả.

Hôm mùng 3 tết 2017, anh Vương ra UBND xã nhận quà hộ nghèo, nghe phong thanh một cán bộ bảo, ngày mùng 4 huyện sẽ cho tiền người bệnh. Chiều mùng 3, anh về nhà, khoe với cả nhà, cả làng là sắp được lãnh đạo huyện cho tiền. Hôm đó, ai mùng tuổi, cũng không thèm nhận, bảo sắp có nhiều tiền rồi, nên không lấy tiền mùng tuổi nữa.

IMG_5396

Gia cảnh người Cựu binh Chiến tranh biên giới Phạm Xuân Văn hết sức khó khăn

Mọi người chẳng thèm để ý người điên nói, ai ngờ, hôm sau anh Vương đi bộ xuống thị trấn Diêm Điền, cách nhà 12km để... lấy tiền. Nhưng, chẳng hiểu anh đi thế nào, lạc sang tận Phố Nối, thuộc tỉnh Hưng Yên, giáp với Hà Nội.

Chuyện anh Vương liên tục đi lạc, khiến người chị dâu vất vả bao phen. Cứ 1-2 năm anh lại đi lạc một chuyến. Và, cũng như những lần khác, bà Na vay nợ lung tung, được 4 triệu đồng, lên Đài truyền hình Thái Bình đăng tin tìm người lạc. Tấm ảnh chân dung thì bà đã phóng sẵn, để trong nhà, phòng cậu em chồng đi lạc, còn có cái để mà tìm kiếm. Cũng may, 15 ngày sau, thì công an xã đã gọi bà lên nhận em chồng. Lúc đó mới biết, anh Vương bị người ta đánh bị thương, rồi được mọi người đưa vào bệnh viện ở phố Nối. Bệnh viện này xem thấy thông báo tìm người lạc trên tivi, đã điện cho Công an huyện Thái Thụy, rồi trả anh Vương về đó.

Người em út của ông Văn, là Phạm Văn Vinh, sinh năm 1968, có tóc mái cắt bằng nhìn khá ngộ. Cả ngày anh chỉ ngồi thu lu ở góc giường, không nói không rằng. Khó ai có thể kéo được anh ra khỏi căn phòng tin hin tối om ấy, ngoài những lúc đi vệ sinh.

Cũng như hai anh trai, ngày nhỏ anh Vinh hoàn toàn bình thường. Khoảng năm 20 tuổi, anh lên Sơn La theo người trong họ để tìm miền đất mới. Lên đó, anh làm thuê ở nương sắn. Thế nhưng, đột nhiên điên khùng, nên người họ hàng trả về Thái Bình. Từ đó đến nay, đã 30 năm qua, anh chỉ thui thủi trong nhà. Nhiều người bảo ra sân cho tiền, anh đều lắc đầu bảo: “Có đầy tiền rồi, không cần nữa”. Theo lời bà Na, người em rể này nghĩ bị người dân tộc ở Sơn La chài, nên mới điên khùng, bệnh tật. Thế nên, từ khi về nhà, anh không ra khỏi nhà nữa, cũng chẳng dám đi đâu, vì sợ bị chài?!.

Anh Phạm Văn Bần, Trưởng Công an xã Thái Dương cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Na rất đáng thương. Nguồn thu duy nhất là mấy trăm ngàn tiền hỗ trợ người tâm thần của nhà nước cho hai anh em. Chồng chị Na thì không có chế độ gì cả, mà nay ốm mai đau, mỗi ngày bệnh hoang tưởng lại nặng thêm, mà không có điều kiện chạy chữa. Chị Na phải lăn lộn cấy hái, vất vả sớm hôm để nuôi 3 con người, mà nói thật ra, chẳng có máu mủ ruột rà. Chị Na đúng là người phụ nữ kiêng cường, là tấm gương sáng để mọi người học tập”.

Báo Điện tử VTC News kêu gọi Quý độc giả hỗ trợ, để cuộc sống gia đình người Cựu binh Chiến tranh biên giới và chị Na vơi bớt khó khăn.

Địa chỉ ủng hộ: Bà Đỗ Thị Na, thôn Trần Phú, Thái Dương, Thái Thụy, Thái Bình.

Hoặc tài khoản: Báo điện tử VTC News, số tài khoản 0021000248991 - ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội. (Nội dung: Ủng hộ bà Đỗ Thị Na).

Bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại tòa soạn báo điện tử VTC News: tầng 12A, tòa nhà 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Văn phòng Miền Nam: Lầu 1, Tòa nhà số 1/1 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TP HCM.

Video: Chiến tranh biên giới: Hồi ức sống dậy qua bức ảnh

Phong Bình
Bình luận
vtcnews.vn