Chiếc xe tăng nổi tiếng nhất trong Thế chiến II –T-34 huyền thoại đang trải qua những ngày kỷ niệm: 80 năm về trước, T-34 đượс đón nhận vào biên chế của Hồng quân. Trong những năm tháng phục vụ của mình, chiếc xe tăng chiến thắng này đã lập lên biết bao chiến công kỳ tích. Là một chiếc xe tăng nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn có rất nhiều chi tiết thú vị mà không phải ai cũng biết về T-34.
“Chiếc bánh rán”
T-34 không chỉ là chiếc xe tăng phổ biến nhất trong Thế chiến II, mà còn là loại xe tăng thường xuyên được nâng cấp nhất. Trong những năm chiến tranh, T-34 nhận được rất nhiều cải tiến và sửa đổi. Những biệt danh nổi tiếng nhất của T-34 nguyên mẫu từng có là: “đai ốc”, "khuôn đúc” và hài hước nhất là “chuột Mickey”. Thực tế là trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, T-34 được chế tạo cùng lúc bởi một số nhà máy. Và mỗi nhà máy lại có công nghệ riêng của mình để sản xuất thân xe và tháp pháo.
Theo đó, một tháp pháo với các mặt vát, trông giống như một chiếc bánh rán, đã được làm tại nhà máy Kharkov trước chiến tranh. Tháp pháo “khuôn đúc” được tạo ra từ các khuôn bằng đất nung đặc biệt tại nhà máy Uralmash. Tòa tháp đa diện vừa công nghệ vừa tối giản nhất, dưới dạng một chiếc đai ốc, lại được chế tạo tại các nhà máy xe tăng Chelyabinsk và Omsk.
Trong khi đó, chính người Đức đã gọi T-34 là “chuột Mickey”, bởi khi hai cửa hầm trên tháp mở ra, trông chúng giống như đôi tai của nhân vật hoạt hình Disney. Tuy nhiên, không hề có chút mỉa mai nào trong cách gọi đó – chính tháp pháo của “chuột Mickey” đã lầm lũi xuyên thủng bất kỳ chiếc xe tăng hạng trung nào của quân đội phát xít Đức mà nó gặp. Ngay cả những chiếc Tiger và Panther “mặt dày” cũng có thể bị “đục lỗ” khi ở khoảng cách gần.
Bị gọi là “bóng ma”
Trong cuộc tấn công vào Liên Xô, người Đức không hề hay biết gì về chiếc xe tăng mới của Hồng quân. Mọi chuyện hóa ra là bí mật: T-34 được phát triển theo đúng trình tự sáng kiến, và ban đầu nó không nhận được sự quan tâm của giới lãnh đạo quân đội. Do đó, người Đức, những người biết mọi thứ về các đơn vị bọc thép của Hồng quân, lại không biết gì về T-34. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, họ đã nhận ra sai lầm cay đắng.
Đó là câu chuyện xảy ra vào ngày 24-25/6 gần thị trấn Radzekhov ở Baltic. Xe tăng Đức lần đầu tiên chạm trán với những biệt đội T-34 và ngay lập tức phải chịu một thất bại khủng khiếp – hóa ra đạn pháo của quân Đức là hoàn toàn vô hại trước lớp giáp dày của T-34. Đây là cách một người lính lái tăng của Đức nhớ lại trận chiến đó:
“Chúng tôi bắn về phía những chiếc xe tăng Nga hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Nhưng những chiếc xe tăng của họ vẫn tiếp tục lăn bánh, như thể không có chuyện gì xảy ra. Vậy ưu thế về sức mạnh chúng tôi nằm ở chỗ nào? Người ta hứa rằng chúng tôi chỉ cần khai hỏa về phía kẻ thù thôi mà...”
Bằng cách đó, T-34 của Liên Xô nhanh chóng được người Đức đặt cho biệt danh đáng sợ là “bóng ma”, và quân đội phát xít Đức thậm chí còn ra lệnh: “Đừng có đánh trực diện với T-34!”. Trước đạn pháo của những chiếc xe tăng Đức đầu tiên, T-34 là bất khả xâm phạm – các loạt đạn hoàn toàn vô hại. Trong những ngày đầu, chỉ có pháo tầm xa hoặc pháo phòng không Flak-88, mà sau này được dùng để lắp vào tháp pháo của chiếc Tiger, mới có thể phá hủy chiếc xe tăng Liên Xô này.
Nhược điểm của “chiến binh bất khả chiến bại”
T-34 từ những ngày đầu tiên đã trở thành đối tượng mà kẻ thù muốn mô phỏng theo. Vẻ đẹp, nét thanh lịch trong thiết kế, và quan trọng nhất là tính thực tế của độ vát lớp giáp đã trở thành nguồn cảm hứng cho các kỹ sư Đức. Nhưng trong suốt một thời gian dài, T-34 không hề nhận được câu trả lời tương xứng.
Chỉ đến năm 1943, người Đức mới tung ra Panther. Ngay cả góc nhìn của một người không phải là chuyên gia cũng đủ hiểu – “con mèo” của phát xít lấy ý tưởng chính từ T-34: phần thân với lớp giáp có độ nghiêng và những đường bao nhẵn nhụi của tháp pháo.
Nếu thiết kế bên ngoài của T-34 là một điều đáng ghen tị, thì bên trong chiếc xe tăng lại chưa thực sự hoàn hảo. Do sự chật hẹp bên trong khoang chiến đấu, người chỉ huy thường phải kiêm luôn nhiệm vụ của xạ thủ, không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình chiến đấu.
Thông gió kém cũng là một vấn đề lớn khác với T-34. Sau khi đạn pháo được bắn, một chiếc quạt gió yếu không thể hút hết được khí thuốc súng, buộc đội tăng phải chiến đấu với cái nắp luôn mở. Nhưng kể cả như thế cũng không phải lúc nào cũng hiệu quả - có nhiều trường hợp người nạp đạn bất tỉnh do hít phải quá nhiều khí thuốc súng.
Liên lạc vô tuyến cũng rất tệ và tiếng ồn quá lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao tiếp trong đội tăng. Do đó, những người lính tăng T-34 buộc phải phát triển ra “ngôn ngữ chiến đấu” riêng: người chỉ huy đặt chân lên vai người lái xe. Đây là cách các cựu binh xe tăng Liên Xô nhớ lại về hoàn cảnh này:
“Khi người chỉ huy sẽ ấn chân vào vai trái có nghĩa là quay sang trái, và vai phải có nghĩa là sang phải, còn ấn lên cả hai vai có nghĩa là dừng lại. Các động tác, cử chỉ khác cũng giúp ích nhiều khi bắn: giơ nắm đấm ám chỉ nạp đạn – tức là đạn xuyên giáp, còn nếu giơ các ngón tay – tức là đạn nổ”.
Một lần nọ sau chiến tranh, người Mỹ đã thực hiện ước mơ của mình: họ được ngồi thử trên chiếc xe tăng chiến thắng. Nhưng sự hồ hởi của lính tăng Mỹ, những người quen với sự thoải mái trên những chiếc Sherman, Stuart và Pers Breath, nhanh chóng nhường chỗ cho sự thất vọng. “Chỉ có người Nga mới có thể giành chiến thắng bằng chiếc xe tăng này” - trong thâm tâm họ khi đó nghĩ.
Tuy nhiên, từ những nhược điểm đó mới làm xuất hiện những người lính tăng Liên Xô vô song nhất.
Bình luận