Trong một lần tham dự bế mạc giải đấu, ông Shanrit Wongprasert - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tổ chức sự kiện của Liên đoàn Bóng chuyền Châu Á (AVC) - thấy rất bất ngờ trước quy mô cũng như chất lượng chuyên môn của giải đấu. Ông Shanrit cho biết: "Nếu tính toán thời điểm thi đấu phù hợp hơn, Liên đoàn Bóng chuyền châu Á sẽ hỗ trợ để giải đấu trở thành giải vô địch các CLB nữ châu Á với sự tham gia của các CLB bóng chuyền mạnh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, ...".
Tổ chức vào dịp đầu năm nên giải VTV9 Bình Điền còn được xem như là một "cơn mưa đầu mùa" làm mát dịu những nỗi cơ cực của người nông dân suốt đời lam lũ trước khi họ đón nhận những cơn mưa thật sự để thuận lợi cho nghề nông. Cuộc chơi này quả thật đã lay động được tấm lòng của nhiều đối tượng, từ người hâm mộ bóng chuyền cho đên các tầng lớp khác, nhất là bà con nông dân – những người lâu nay vẫn sử dụng sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.
Bên cạnh sân chơi giải trí tinh thần phục vụ người hâm mộ, giải đấu còn là một dịp cọ xát hữu ích cho các đội bóng chuyền hàng đầu Việt Nam với các đội bóng nước ngoài có trình độ nhằm mang đến một giải đấu chất lượng và mãn nhãn, tạo nên sân chơi xứng đáng cho các đội bóng Việt Nam học hỏi về kỹ chiến thuật cũng như phong cách thi đấu.
Qua 10 mùa giải, Cúp VTV9 Bình Điền đã trở thành một thương hiệu uy tín cho các đội bóng trong nước và nước ngoài được cọ xát và phát triển chuyên môn qua những trận đấu cạnh tranh quyết liệt và kịch tính. Từ sân chơi này, rất nhiều đội bóng sau một lần tham dự đã đánh tiếng muốn quay trở lại giải đấu. Và cũng từ bệ phóng này, nhiều gương mặt triển vọng như Xu Ruoya hay Zhang Changning sớm trở thành trụ cột của CLB hay ĐTQG.
Không nói quá, VTV9 Bình Điền cup là giải bóng chuyền số 1 Việt Nam, nơi giải đấu được mở ra không nhằm mục đích lấy giải để khuếch trương thương hiệu.
Cuộc chiến của những ngôi sao
Năm ngoái, libero Lin Li (sinh năm 1992) cùng với phụ công Xu Yunlin (cao 1m95) đã giúp đội tuyển nữ Trung Quốc giành được tấm HCV Olympic 2016. Lin Li sau đó được bầu là libero số 1 thế giới. Trong đội hình của CLB Phúc Kiến dự Cúp VTV9 Bình Điền lần thứ 11 này, Lin Li và Xu Yunlin cũng xuất hiện.
Được triệu tập cùng ĐTQG Trung Quốc từ năm 2015, năm 2016 Lin Li đã giành được suất đánh chính và nhanh chóng thâu tóm 2 danh hiệu libero xuất sắc nhất tại FIVB World Grand Prix 2016 và Olympic Games 2016.
Ngoài Phúc Kiến, thì tại Cúp VTV9 Bình Điền 2017 còn có sự góp mặt của nhà vô địch giải bóng chuyền các CLB nữ châu Á 2015 là Bangkok Glass. Đại diện đến từ Thái Lan với sự góp mặt của nhiều VĐV từng khoác áo ĐTQG như Pornpun, Jutarat, Rasamee… và đặc biệt là phụ công hàng đầu Pleumjit Thinkaow.
Pleumjit Thinkaow thường được người hâm mộ bóng chuyền trên thế giới biết tới với tên gọi khác là Nhong. Cô có một anh trai và được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là công chức tại Chaiyo, Ang Thong cách thủ đô Bangkok 100km về phía bắc.
Pleumjit Thinkaow được tập trung ở đội tuyển trẻ Thái Lan lần đầu tuyên vào năm 2000. Một năm sau đó, cô chính thức được lên chơi cho đội tuyển quốc gia Thái Lan tại SEA Games 21 trên đất Malaysia và giành được HCV. Pleumjit chơi cho một CLB bóng chuyền chuyên nghiệp đầu tiên là Hồng Hà Vân Nam, Trung Quốc khi cô tròn 20 tuổi.
Hiện tại, Pleumjit đang giữ vai trò đội trưởng của ĐTQG Thái Lan và cô được coi là một trong bộ sáu huyền thoại của bóng chuyền xứ chùa Vàng.
Sau 12 năm, CLB Vân Nam Trung Quốc mới quay trở lại để tham dự một giải đấu quốc tế ở Việt Nam và lần này là giải bóng chuyền quốc tế VTV Bình Điền. Thực tế, sau thời kỳ đỉnh cao của mình là những năm tham dự VTV Cup 2004, đội bóng chuyền nữ Vân Nam đã chính thức xuống hạng và phải đến năm 2015 đội bóng này mới có được cơ hội trở lại sân chơi China League.
Năm ngoái Vân Nam đứng thứ 11 tại giải VĐQG Trung Quốc trong đó đóng góp đáng kể cho thành tích này phải kể đến vai trò của libero Zhang Xian – cựu tuyển thủ quốc gia Trung Quốc - năm nay đã 32 tuổi. Với những khán giả hâm mộ bóng chuyền thế giới hẳn không xa lạ với Zhang Xian, cô từng nhiều năm khoác áo đội tuyển Trung Quốc và 3 lần giành danh hiệu libero xuất sắc nhất ở giải bóng chuyền FIVB World Grand Prix. Năm 2012 cô cùng tuyển nữ Trung Quốc lọt vào tứ kết Olympic London (Anh).
Tuy nhiên, với khán giả Việt Nam, ngoài những ngôi sao đẳng cấp quốc tế người ta vẫn trông chờ vào màn thể hiện của phụ công số 1 Việt Nam – Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Cô gái vàng của bóng chuyền nữ Việt Nam, người từng có vinh dự bước lên bục cao nhất của sân chơi châu Á cùng danh hiệu phụ công xuất sắc nhất.
Bình luận