• Zalo

Cưỡng chế Tiên Lãng: Tiến độ điều tra quá chậm

Thời sựThứ Ba, 18/09/2012 01:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Vụ cưỡng chế Tiên Lãng đã quá lâu nhưng việc điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi đó nhiều vụ cướp của, giết người lại được khám phá rất nhanh.

(VTC News) – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết,vụ cưỡng chế, phá nhà dân tại Tiên Lãng thời gian đã quá lâu nhưng việc điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi đó nhiều vụ cướp của, giết người lại được khám phá rất nhanh.

Sáng nay (18/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

Gần 70% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến năm 2011.

Theo đó, số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong đó đơn thư KNTC liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.

Số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003-2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó đơn thư liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.
Kết quả giải quyết KNTC đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%.

Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Theo Trưởng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, trong quản lý đất đai, nội dung KNTC đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%;

Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.

Cùng với đó, trên 70% số vụ việc đông người là khiếu nại, số còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo.

“Hầu hết các tỉnh, TP đều có xảy ra các vụ KNTC đông người, trong đó có một số vụ đông người nhiều lần kéo đến trụ sở tiếp công dân, các cơ quan ở trung ương với thái độ rất gay gắt. Các đoàn KNTC đông người ngày càng tăng về số lượng. Đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” – ông Giàu nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết thì tỷ lệ KNTC đúng và KNTC có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỷ lệ này rất cao. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ được đưa ra xét xử.

“Qua đó có thể thấy việc KNTC của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót” – ông Giàu nói.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương nêu ý kiến tại UBTVQH (Ảnh: D.C) 
Góp ý cho báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi: “Trong báo cáo nêu việc xử lý giải quyết KNTC cố gắng, tiến bộ mà sao đến 70% vẫn sai, theo tôi phần nguyên nhân và yêu cầu khắc phục và khuyết điểm phải đánh giá rất nặng. Đây là lĩnh vực rất bức xúc hiện nay (đất đai-PV), bức xúc vậy mà báo cáo bình bình như thế này?!”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, tình hình diễn biến về các quyết định hành chính trong các lĩnh vực đất đai ngày càng phức tạp, ngày càng gia tăng, trong đó, khiếu kiện đông người nhiều, tỷ lệ KNTC đúng và có đúng có sai gần 48%, có địa phương tới 70%, sai hơn 50%.

“Sai ở đây mà nghĩ nhân dân sai là không phải, nếu "ông tỉnh, huyện" giải quyết cho là mình thực hiện theo quy định của Chính phủ là đúng nhưng cũng có khi quy định của Chính phủ là chưa đúng, chưa phù hợp thực tế”.

Theo ông Khoa, cần làm rõ hơn về việc xử lý, giải quyết cái sai này. Ông Khoa ví dụ, vụ cưỡng chế, phá nhà dân tại Tiên Lãng thời gian đã quá lâu nhưng việc điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi đó nhiều vụ cướp của, giết người lại được khám phá rất nhanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cũng đề nghị cần chọn ra được những giải pháp giải quyết được những bức xúc tồn đọng đất đai hiện nay.

"Ta đang triển khai Nghị quyết TƯ4 với tinh thần quyết liệt, theo tôi, phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của cơ quan giải quyết những KNTC này"
Bà Nguyễn Thị Nương
“Ví dụ như vụ Văn Giang thì giải quyết thế nào nếu mình khẳng định là đúng? Không để tình trạng người ta KNTC suốt ngày suốt đêm và cho là chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng – làm được như vậy thì giá trị của giám sát mới hiệu quả và đúng như mong đợi của người dân”.

Đồng tình với ý kiến nhiều thành viên khác, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nhấn mạnh, kết luận trong báo cáo giám sát rất chung chung, chưa có giải pháp giải quyết những khó khăn hiện nay.

Với 15 kết luận đưa ra thì có những kết luận chủ yếu về chủ trương chính sách – trong khi ta cần tập trung vào phần giải quyết KNTC.

“Ta đang triển khai Nghị quyết TƯ4 với tinh thần quyết liệt, theo tôi, phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của cơ quan giải quyết những KNTC này” – bà Nương đề nghị.

Theo Trưởng ban công tác đại biểu, vai trò của người đứng đầu đã được quy định nhưng chưa mang được tính quyết liệt và chưa mang được trách nhiệm ràng buộc đối với các cơ quan giải quyết KNTC.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, báo cáo cũng cần phân loại cái sai, tìm ra địa chỉ sai, sai gì phải sửa và có yêu cầu rõ ràng phải rà soát, bổ sung, sửa chữa như thế nào…

Báo cáo giám sát tối cao về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai sẽ được hòan chỉnh và trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 tới để Quốc hội ra Nghị quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội các Bộ trưởng (Bộ TN&MT, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT và các thành viên Chính phủ liên quan) sẽ phải trả lời chất vấn về vấn đề này.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn