Đúng 8h30 sáng 23/2, việc cưỡng chế các nhà nổi trên Hồ Tây đã được UBND, Công an quận Tây Hồ phối hợp với UBND, Công an phường Thụy Khuê tiến hành. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường và hạn chế cơ quan báo đài đến tác nghiệp.
Lo phá sản
Trước đó, UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, di dời toàn bộ phương tiện thủy kinh doanh sai phép trên Hồ Tây. Các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2-10 đường Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2.
Sáng ngày 22/2, các doanh nghiệp đang kinh doanh nhà nổi trên Hồ Tây đã có cuộc gặp với trao đổi thông tin với một số báo chí. Nhiều doanh nghiệp lo gặp khó khăn, thậm chí phá sản sau khi nhà nổi, du thuyền bị tháo dỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty Potomac cho biết công ty được thành phố cho phép hoạt động 30 năm nên đã đầu tư số tiền lớn vào đóng du thuyền với đầy đủ đăng ký, đăng kiểm. Hiện công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động, hàng năm đóng đầy đủ các loại thuế, phí.
Sau khi bị rút giấy phép, công ty nỗ lực xin lại giấy phép nhưng không thành công. “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn xin cấp phép với Sở GTVT Thành phố Hà Nội song đều bị họ từ chối”, ông Vượng nói.
Ông Đỗ Việt Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai chia sẻ: “Thành phố muốn chúng tôi lên khu vực Đầm 7. Nhưng UBND quận Tây Hồ nhất định không cho địa chỉ cụ thể. Đến việc đóng một cái cọc để buộc cái bến nổi cũng không cho. Bao nhiêu tài sản của chúng tôi để đấy, chẳng nhẽ không đóng cọc để mặc cho chúng trôi nổi như thế”.
Về thiệt hại, các doanh nghiệp kinh doanh nhà nổi Hồ Tây cho biết họ chưa thống kê cụ thể, phải chờ đợi các thủ tục và các phương án giải quyết. Tuy nhiên, để kinh doanh nhà nổi trên hồ, các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn. Chỉ riêng chiếc du thuyền đang hoạt động, các doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất 10 tỷ đồng. Việc đóng cọc trụ và đường dẫn ra hồ đã "ngốn" khoảng 2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp sẽ kiện
Trước đây, các doanh nghiệp kinh doanh nhà nổi, du thuyền được cấp phép hoạt động. Các nhà nổi Hồ Tây ban đầu được “neo đậu” tại khu vực dọc đường Thanh Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội), đến khoảng cuối năm 2008, các doanh nghiệp đồng thuận chuyển về kinh doanh tập trung tại đường Nguyễn Đình Thi. Cuối năm 2008 là thời điểm giấy phép của các doanh nghiệp này bị thu hồi.
Trong buổi làm việc diễn ra sáng 22/2, nhiều doanh nghiệp thừa nhận từ năm 2009 đến nay họ chưa được Sở GTVT TP Hà Nội cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trở lại, mặc dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn chấp hành mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước như đóng thuế, chi phí thuê mặt bằng, chi phí đăng kiểm, phí sử dụng mặt nước, vệ sinh môi trường; …
Dù hoạt động trong tình trạng chưa có giấy phép nhưng các vẫn muốn được bồi thường, thậm chí đi kiện.
“Thành phố cần định giá và bồi thường cho các doanh nghiệp chứ như thế này chúng tôi chắc chắn không thoát khỏi tình trạng phá sản bởi đến thời điểm này, chúng tôi đã đầu tư vào đây gần 100 tỷ đồng, giờ chỉ mong thành phố hỗ trợ 40- 50%”, ông Đỗ Việt Anh nói.
Bà Lê Thị Thu Phương – Giám đốc CTCP Dịch vụ Hồ Tây, đề nghị với các phương tiện nổi của các doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ giấy tờ, thành phố cần bồi thường để bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Bao nhiêu tài sản của chúng tôi đổ vào đây, trong đó có tiền cổ đông đóng góp, tiền vay ngân hàng, giờ mà không được hỗ trợ gì, bảo ngừng là ngừng thì doanh nghiệp hết sức khó khăn” – bà Phương nói.
Ông Phương Đăng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, chủ sở hữu của nhà hàng nổi Eureka, cho hay bản thân ông đã đầu tư vài chục tỷ đồng để kinh doanh tại hồ Tây nhiều năm nay.
Ông Thắng cho rằng việc Hà Nội chấm dứt hoạt động các du thuyền theo Thông báo số 38/TB-UBND ngày 7/2 của UBND TP Hà Nội thông báo kết luận của chủ tịch Hà Nội về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp này là “tước bỏ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Theo ông Thắng, nếu tiến hành cưỡng chế, các doanh nghiệp chỉ còn nước đưa du thuyền lên bờ bán sắt vụn mà thôi.
“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của thành phố, đồng ý lên bờ. Tuy nhiên, đề nghị thành phố có sự hỗ trợ về tài sản, hỗ trợ về việc mất cơ hội kinh doanh tại hồ Tây, hỗ trợ cho người lao động mất việc làm… Việc thành phố đơn phương cưỡng chế như vậy sẽ khiến doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản” - ông Thắng nói.
Video: Cưỡng chế nhà nổi, du thuyền Hồ Tây
Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện cho Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây, thì khẳng định doanh nghiệp của ông hoạt động đúng pháp luật, không có vi phạm.
“Chúng tôi hoàn thành đúng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với Nhà nước, không vi phạm pháp luật, tại sao lại ‘bức tử’ doanh nghiệp như vậy”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nói cương quyết: "Nếu bị cưỡng chế, chúng tôi buộc phải kiện ra tòa kinh tế hoặc tòa hành chính".
Bình luận