• Zalo

Cuộc thi tuyển 'chưa có tiền lệ' ở Bộ GTVT: ĐBQH nói gì?

Thời sựThứ Hai, 17/02/2014 03:49:00 +07:00Google News

"Nếu chỉ công khai một nửa, tới phần “chấm thi” lại không công khai thì người ta sẽ nói đấy là màn kịch, lúc ấy sẽ gây ra những luồng dư luận không tốt".

- Thưa ông, mới đây Bộ GTVT đã thông báo về việc thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ. Đây là việc chưa từng có tiền lệ, ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi đồng tình cao với cách làm này của Bộ GTVT, vì đây là một bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước.

Năng suất lao động của người Việt Nam đang ở tình trạng báo động rất cao, thua kém nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Ngay các ĐBQH cũng đã từng đặt ra câu hỏi: Tại sao năng suất lao động của người Việt Nam so với các quốc gia khác lại thấp như vậy?

Suy cho cùng, năng suất lao động yếu kém phản ánh phương pháp quản lý ở nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp rất bất ổn, cuối cùng chúng ta phải xem lại bài toán đào tạo và sử dụng cán bộ.
Người dân hoàn toàn có lý khi họ nói rằng chẳng biết vì sao ông A, bà B lại nghiễm nhiên được đề bạt vào những cương vị lãnh đạo, có khi hết cả nhiệm kỳ cũng chẳng làm được việc gì thực sự đáng để người dân nhớ tới mình. Tôi nghĩ đấy là điều hết sức đáng tiếc!

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo - đoàn Vĩnh Phúc.

Trước đây khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã để lại những dấu ấn rất rõ nét, đó là việc đi thị sát rồi trảm tướng, hay cấm cán bộ chơi golf để tập trung thời gian làm việc. Và gần đây nhất, Bộ trưởng Thăng tiếp tục kêu gọi cán bộ trong ngành sử dụng vé máy bay giá rẻ để tiết kiệm ngân sách… đó đều là những việc làm rất cụ thể, rất cần thiết mà chắc chắn nhân dân sẽ ủng hộ.

Một thí dụ khác tôi xin nêu ra là gần đây là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an Hà Nội đã có quyết định xử lý cách chức cán bộ cấp dưới khi kiểm tra thấy có những điều bất ổn ở địa bàn.

Tôi rất ủng hộ những vị tư lệnh ngành, những vị đứng đầu các cơ quan tổ chức quyết đoán, dám làm và chịu trách nhiệm, như vậy thì các ngành mới phát triển được và đồng thời đẩy lùi sự trì trệ trong đời sống xã hội.

- Vậy theo ông, tiêu chuẩn đánh giá một cán bộ sẽ thế nào?

Tôi cho rằng tài năng và đức độ là hai điều kiện bắt buộc, điều này cũng đã được Bác Hồ căn dặn từ nhiều năm trước đây.

Khi đưa ra các tiêu chí cụ thể, chúng ta có căn cứ để đánh giá liệu con người ấy có xứng đáng giữ chức vụ không, có phù hợp với vị trí lãnh đạo ấy không. Còn trước kia thì phổ biến là “đến hẹn lại lên”, nhiều người bảo là “sống lâu lên lão làng”. Một thời gian chúng ta bị vướng vào những điều ấy nên dẫn tới sự trì trệ.

Bây giờ chúng ta đang cố gắng để đổi mới để chọn ra những cán bộ cho dù trẻ tuổi nhưng có năng lực tốt, và như vậy họ mới dám đưa ra những quyết định thiệt về phần cá nhân mình nhưng có lợi với nhân dân.

Nhân nói tới chuyện này, tôi cũng xin nhắc lại một điểm rất quan trọng là vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng rất rõ là sẽ cách chức những lãnh đạo của đơn vị để xảy ra tham nhũng. Như vậy chúng ta đang ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn với lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức… điều đó là rất cần thiết để tránh tình trạng “hòa cả làng”, hay đổ lỗi cho tập thể.

- Lần thi tuyển Tổng cục trưởng này, Bộ GTVT yêu cầu các ứng viên phải viết đề án kế hoạch hoạt động, như vậy có nghĩa là sẽ có một sự so sánh rất khắt khe, và người được chọn hẳn phải là người rất xứng đáng. Nhưng có ý kiến cho rằng, để việc thi tuyển này không bị hình thức thì thành phần ban giám khảo như thế nào cũng rất quan trọng, và cần phải minh bạch ngay từ đầu. Ông có nghĩ vậy không?

Tôi tin rằng Bộ GTVT đã công bố việc thi tuyển vị trí Tổng cục trưởng thì cũng có nghĩa là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chuẩn bị tất cả để công khai, minh bạch.

Xưa nay, chúng ta không có công khai trong việc tuyển chọn những vị trí lãnh đạo cấp cao của ngành, do đó nếu lần này Bộ GTVT tổ chức thành công thì tôi tin rằng nó sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho các ngành khác, đồng thời cũng chính là một thí dụ điển hình để chấn chỉnh tình trạng thi tuyển công chức đầu vào kém chất lượng như hiện nay.

Bản thân người được lựa chọn cũng rất tự hào vì mọi thứ minh bạch và nhân dân sẽ có điều kiện giám sát vị lãnh đạo này từ chính đề án quản lý công việc ở Tổng cục đường bộ.

Giao thông vẫn luôn là vấn đề nan giải tại Việt Nam.

Còn với thành phần ban giám khảo, tôi nghĩ cũng cần phải công khai minh bạch từ đầu. Chúng ta đã công khai thi tuyển thì chẳng có lý do gì phải giấu ban giám khảo gồm những ai.

Tiếp đó, khi đã chấm đề án rồi thì chất lượng các đề án thế nào, điểm số cho bằng nào cũng cần công khai, thậm chí có thể để ứng viên trực tiếp trả lời những câu hỏi mà ban giám khảo đề ra. Bởi vì đề án viết ra là một chuyện, nhưng chúng ta cũng biết rằng nhiều đề án chỉ nằm trên giấy, có khi cả chục năm sau cũng không triển khai được, như vậy thì đề án ấy không phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Nếu chỉ công khai một nửa, tới phần “chấm thi” lại không công khai thì người ta sẽ nói đấy là màn kịch, lúc ấy sẽ gây ra những luồng dư luận không tốt.

Tôi nghĩ rằng một vị lãnh đạo giỏi không chỉ quản lý được mục tiêu đề ra mà còn phải lường trước được những khó khăn và chuẩn bị được các giải pháp tốt nhất để giải quyết những khó khăn ấy, còn nếu bảo là có bằng này tiền, bằng kia tiền thôi rồi tiêu sao cho các công trình hiệu quả thì chưa phải.

Chúng ta thấy ở nhiều quốc gia khi các ứng cử viên muốn vào được vị trí này hay vị trí khác họ còn tranh luận trực tiếp đấy thôi và từ đó thì người dân sẽ biết ai thực sự có phẩm chất, đủ năng lực giữ vị trí lãnh đạo.

- Ông có cho rằng tiến tới chúng ta cũng nên tổ chức những cuộc ứng cử vào những vị trí lãnh đạo cấp cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở cương vị Tổng cục trưởng?

Đáng lẽ việc này chúng ta phải làm được từ lâu rồi, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chúng ta chưa làm được, và tôi hy vọng là sau việc Bộ GTVT tuyển chọn cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ thì sẽ còn nhiều chức danh quan trọng khác được đưa ra thi tuyển công khai.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận
vtcnews.vn