• Zalo

Cuộc tấn công đáp trả của Iran nhắm vào Israel chỉ mang tính biểu tượng?

Tư liệuThứ Hai, 15/04/2024 22:54:35 +07:00Google News

Cuộc không kích vào Israel của Iran có thể chỉ mang tính biểu tượng, bởi cả hai đều muốn tránh một cuộc chiến tranh tổng lực.

Cuộc tấn công Israel hôm 13/4 của Tehran được xem là hành động đáp trả cho cuộc tấn công vào khu Đại sứ quán Iran tại Syria khiến 7 quan chức nước này thiệt mạng. Tuy nhiên, hành động đáp trả này có thể chỉ mang tính biểu tượng, bởi cả Israel và Iran đều muốn tránh một cuộc chiến tranh tổng lực.

Một cuộc tấn công mang tính biểu tượng

Cam kết đáp trả của Iran đã trở thành hiện thực hôm 13/4 khi hàng loạt máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Tehran thắp sáng trời đêm ở Israel. Hơn 300 UAV và tên lửa vượt qua không phận của các nước láng giềng của Iran, bao gồm Jordan và Iraq – nơi Mỹ đang đặt căn cứ quân sự – trước khi xâm nhập vào lãnh thổ Israel để tấn công trả đũa.

Các đồng minh của Israel đã hỗ trợ nước này bắn hạ phần lớn số vũ khí và giảm thiểu thương vong đến mức tối đa, nhưng không thể ngăn chặn phát súng mở màn cho cuộc leo thang xung đột tại “chảo lửa” Trung Đông vốn đã được dự đoán từ lâu.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, cuộc tấn công của Iran chỉ là một phát đạn cảnh cáo, bởi nước này không có ý định phát động chiến tranh với Israel.

Iran đã thông báo về cuộc trả đũa trước khi chính thức tấn công để Israel kịp thời chuẩn bị. Ngoài một số ít địa điểm trên sa mạc Negev chịu thiệt hại khiến một người bị thương, nhìn chung, hệ thống phòng không Iron Dome huyền thoại của Israel đã không làm thế giới thất vọng và hệ thống hầm trú ẩn kiên cố đã bảo vệ người dân khỏi những thương vong đáng tiếc.

Bầu trời Israel vào đêm xảy ra cuộc tập kích của Iran (13/4). Ảnh: CNN.

Bầu trời Israel vào đêm xảy ra cuộc tập kích của Iran (13/4). Ảnh: CNN.

Dù không gây thiệt hại lớn nhưng đây là một cuộc tấn công mang tính biểu tượng tương xứng với những gì đã xảy ra tại thủ đô Syria hôm 1/4. Giới chức Iran buộc phải tấn công đáp trả để tái khẳng định vị thế trong khu vực và đập tan luận điệu coi nước này chỉ là “một con hổ giấy”.

Thay vì có xuất phát điểm từ một trong những quốc gia láng giềng nơi Iran và các đồng minh phi nhà nước có mặt, cuộc tấn công được trực tiếp phát động từ lãnh thổ Iran vào lãnh thổ Israel. Đồng thời cũng không cần thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Lebanon, Yemen hay Iraq, Tehran đã dõng dạc đưa ra tuyên bố sức mạnh trước toàn thế giới bằng màn không kích trong đêm 13/4.

Iran cố gắng tránh một cuộc chiến tranh tổng lực

Việc Iran chỉ đáp trả mang tính biểu tượng là có nguyên do. Nền kinh tế của nước này vẫn đang oằn mình chống đỡ sức nặng từ các lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến tỷ lệ lạm phát liên tục vượt mức 40% trong 4 năm qua.

Người dân Iran không hài lòng vì chính sách của chính phủ đã lựa chọn di cư sang những nước tiên tiến hơn, khiến Tehran ngày càng thiếu hụt lực lượng lao động. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trong giai đoạn 2018 - 2022, đã có khoảng 1,5 triệu người Iran rời bỏ đất nước, tương đương 2% dân số và con số này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.

Tình hình nội bộ bất ổn khiến Iran không thể tiến hành thêm bất kỳ cuộc chiến nào. Không chỉ thông báo cho Mỹ và các đồng minh trước 72 giờ trước khi phát động động tấn công, Iran còn tính toán mức độ thiệt hại nằm trong khả năng chống đỡ của Israel để không đẩy hành động trả đũa đi xa.

Cuộc tấn công mang tính biểu tượng này gợi nhớ đến phản ứng của Tehran trước cái chết của Tướng Qassem Soleimani hồi tháng 1/2020. Tehran cũng đưa ra cảnh báo khoảng 10 giờ trước khi dội mưa tên lửa vào các cứ điểm quân sự của Mỹ ở Iraq, bao gồm cả căn cứ không quân Al-Asad.

Ngoại trừ những miệng hố loang lổ trên mặt đất, cuộc tấn công không gây ra bất kỳ thương vong nào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hành động trả đũa, lực lượng Iran đã vô tình bắn rơi một máy bay thương mại cất cánh từ sân bay Tehran khiến hơn 100 hành khách thiệt mạng, làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế. Trong thời điểm đó, Mỹ đã không lựa chọn đáp trả để đổi lấy hòa bình khu vực.

Sau 4 năm, Iran đang lặp lại kế hoạch tấn công tương tự với hi vọng Mỹ một lần nữa không trở thành đối thủ của Iran. Tehran cũng đã cân nhắc tới khả năng bị tấn công trả đũa và chuẩn bị sẵn những lực lượng ủy nhiệm tại nhiều mặt trận để tiếp tục cầm chân Israel.

Trong tương lai, Tehran có thể không ngần ngại sử dụng biên giới phía bắc của Israel - khu vực đang xảy ra cuộc giao tranh căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, làm bệ phóng để châm ngòi cho một cuộc chiến ủy quyền.

Khả năng này có thể sẽ xảy ra sau khi lực lượng Hezbollah lên tiếng ủng hộ Tehran vì cuộc tấn công “chưa từng có” vào Israel và coi đây là “quyết định dũng cảm và sáng suốt” để đáp trả vụ tấn công ở thủ đô Syria. Trước đó, Hezbollah cũng đã bắn khoảng 40 quả tên lửa từ lãnh thổ Lebanon về phía vùng Thượng Galilee thuộc miền bắc Israel với tuyên bố sẽ sát cánh cùng Iran.

Israel phải kiềm chế trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Chiến sự ở Gaza và cuộc giao tranh ở biên giới phía bắc cũng đang tiêu tốn nhiều nhân lực, vật lực của Israel; Israel không thể và không muốn có thêm một chiến trường mới trong thời điểm hiện nay.

Trong thế bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế vì tình hình chiến sự leo thang, Israel buộc phải dựa vào Mỹ để tiếp tục các cuộc chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử tháng 11 đang đến gần, để có nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden sẽ không để nước Mỹ lún sâu vào “chảo lửa” ở phía bên kia địa cầu.

Tổng thống Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất đi lá phiếu của cộng đồng Arab – những lá phiếu đã tạo ra bước ngoặt cho ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2020, do vấn đề Gaza. Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden trong cộng đồng người gốc Arab đã giảm từ 59% vào năm 2020 xuống còn 17% năm 2023.

Rạng sáng 14/4, ngay sau khi tin tức về cuộc tấn công của Iran lan đến Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc điện đàm khẩn cấp với người đứng đầu chính phủ Israel. Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Israel nhằm đáp trả Iran và cũng không ủng hộ việc đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

"Các bạn đã có một chiến thắng. Hãy chấp nhận chiến thắng đó", Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Netanyahu, nhắc đến “chiến thắng” của Israel khi đã ngăn chặn thành công cuộc tập kích của Iran. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không có viện trợ quân sự cho Israel nếu nước này tiến hành kế hoạch đáp trả.

Hơn nữa, nếu vượt quá giới hạn, kế hoạch trả đũa của Israel có thể đẩy Iran đến bước đường cùng. Hiện chương trình làm giàu uranium của Tehran đang khiến Mỹ và phương Tây lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.

Iran đã tuyên bố làm giàu urani đến độ tinh khiết 60%, thấp hơn mức 90% cần để sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng lại cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% mà nước này đã cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 (JCPOA).

Theo Cố vấn chính sách đối ngoại của Mỹ Trita Parsi, “nếu Israel đẩy sự việc đi quá xa, giới chức Tehran có lẽ sẽ phải dùng đến vũ khí hạt nhân”.

Israel đang phải cân nhắc về các kế hoạch tấn công Tehran khi không có sự hậu thuẫn của Mỹ. Hiện nội các chiến tranh của Israel vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về biện pháp đáp trả với cuộc tập kích của Iran vào đêm 13/4.

Diệp Thảo(VOV.VN)

Link: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-tan-cong-dap-tra-cua-iran-nham-vao-israel-chi-mang-tinh-bieu-tuong-post1089251.vov

Bình luận
vtcnews.vn