Nizam xứ Hyderabad giàu tới mức khi phát hiện ra lũ chuột cắn nát 3 triệu bảng Anh cất trong rương ở hầm chứa lâu đài, ông thậm chí còn không bận tâm.
Người ta nói rằng ông vua Ấn Độ này có nhiều đồ trang sức tới mức chỉ tính riêng ngọc trai đủ trải kín toàn bộ quảng trường Piccadilly Circus ở Anh. Trong phòng ngủ, ông có những túi giấy màu nâu đựng đầy ngọc lục bảo.
Bộ sưu tập đồ trang sức của Nizam xứ Hyderabad gồm viên kim cương Jacob nổi tiếng 185 cara, to bằng quả trứng đà điểu, trị giá tới 50 triệu bảng Anh. Đây là viên kim cương ông tìm thấy trong một chiếc tất cũ của cha và thích dùng nó làm cục chặn giấy.
Sự hoang phí, suy đồi, trác táng và bủn xỉn khét tiếng của Nizam xứ Hyderabad thứ 7, người lên cầm quyền năm 1911, thu hút sự chú ý thời gian gần đây, sau khi Tòa án Dân sự Tối cao Anh phán quyết rằng hai cháu trai của Nizam xứ Hyderabab có quyền thừa kế khoản gia tài 35 triệu bảng Anh mà ông cất trong ngân hàng Anh.
Vị Nizam (người cai trị) cao chưa đầy 1,6m này có tên là Mir Osman Ali Khan. Ông là một người lập dị hết sức, luôn sống trong nỗi sợ bị lật đổ. Dưới những tấm vải trong vườn lâu đài là từng hàng xe tải gỉ sét, bánh xịt và lún dưới đất. Mỗi chiếc xe tải chất đầy đá quý và vàng thỏi. Số xe tải này là để khi cần, ông có thể trốn thoát với một phần gia tài. Tuy nhiên, sau đó, ông mất hứng thú và để mặc đống xe tải gỉ sét.
Để bảo vệ bản thân, Nizam xứ Hyderabad có một đội quân tư nhân gồm 3.000 vệ sĩ Bắc Phi. Ông cũng thuê 38 người mà nhiệm vụ chỉ là phủi bụi đèn chùm trong cung điện và thuê thêm 28 người để lấy nước uống. Một số người nữa được thuê chỉ để nghiền hạt óc chó - loại hạt yêu thích của Nizam.
Không lâu sau khi trở thành người cai trị tuyệt đối 17 triệu dân Hyderabad, ông bắt đầu có lối sống xa hoa, thường xuyên đi quanh vương quốc trên chiếc Rolls-Royce, uống whisky được sản xuất từ nhà máy riêng, có hẳn ban nhạc jazz riêng để chơi bài hát ông yêu thích “Im Forever Blowing Bubbles”.
Có giai đoạn, khối gia tài của Nizam gồm vàng và bạc trị giá lên tới 100 triệu bảng Anh và trang sức trị giá 400 triệu bảng Anh. Tính theo thời gian hiện nay sẽ là 50 tỷ bảng Anh.
Nizam thậm chí đặt camera giấu kín trên trần nhà và tường các căn phòng dành cho khách, ông ta sưu tập bộ tranh ảnh khiêu dâm lớn nhất Ấn Độ. Trong cả đời, ông ta có 86 tình nhân và 100 con trai. Hằng đêm, ông ta đều bận rộn trong các khuê phòng. Khi Nizam tới Anh năm 1934 bằng đường biển, ông ta thuê riêng một con tàu và mang theo cả hậu cung gồm rất nhiều phụ nữ và đoàn tùy tùng 300 người.
Tuy nhiên, gia tài của Nizam bắt đầu chịu áp lực. Các cậu con trai cả của 4 bà vợ hợp pháp nợ hàng triệu bảng và con của 42 vợ lẽ thường tụ tập vào sinh nhật Nizam và đòi ông chu cấp. Nizam gửi 1 triệu bảng Anh, một số tiền khổng lồ những ngày đó, vào Ngân hàng Westminster ở London.
Ông ta sợ rằng tiền sẽ bị Chính phủ Ấn Độ mới chiếm đoạt sau khi người Anh rút khỏi năm 1947. Những khoản tiền này ở yên trong ngân hàng, tích tụ thêm tiền lãi và lên tới 35 triệu bảng Anh ngày nay. Số tiền này bị tranh chấp suốt hàng chục năm qua cho tới khi Tòa án Dân sự Tối cao trao quyền thừa kế cho các cháu trai Nizam.
Dưới thời cai trị của Nizam thứ 7, Hyderabad là bang đứng đầu Ấn Độ và Nizam là người đứng đầu trong số 560 hoàng tử Ấn Độ. Có một tục lệ là khách đến thăm Nizam đều phải để lại “danh thiếp” dưới dạng xu vàng, xu bạc. Tại 4 buổi tiệc hằng năm, ông tổ chức yến tiệc xa hoa cho hàng nghìn người và đích thân đi thu các đồng xu này.
Có lần, Nizam lệnh bỏ ngọc trai ra khỏi túi để giữ độ bóng. Đám người hầu mất tới 3 ngày để bày hết số ngọc trai ra ngoài. Có chuyên gia Hà Lan tới để định giá bộ sưu tập ngọc trai đã đòi phí 25.000 bảng vì cho rằng phải mất nhiều năm mới định giá được.
Nizam được người Anh yêu quý vì hào phóng đóng góp 25 triệu bảng cho hai cuộc chiến tranh thế giới. Khi Hoàng tử xứ Wales và về sau là Công tước xứ Windsor tới thăm Nizam năm 1922, Nizam muốn vị khách cảm thấy như ở nhà nên đã lắp một chậu nước tiểu trong phòng ngủ hoàng gia mà khi nắp chậu được nhấc lên, nó sẽ bật bài quốc ca. Khi Nữ hoàng Anh kết hôn với Hoàng tử Philip năm 1947, Nizam tặng bà một chuỗi vòng cổ kim cương.
Để đi lại trong vương quốc, Nizam dùng rất nhiều ô tô và voi. Năm 1913, hai năm sau khi đăng quang, ông đặt một chiếc Rolls-Royces Silver Ghost siêu sang, một trong 50 chiếc Rolls-Royces của Nizam. Ông cho sửa lại một chiếc để nâng ghế lên vì ông cảm thấy mình phải ngồi cao hơn thần dân. Khi ông chết năm 1976 ở tuổi 80, “hạm đội” Rolls-Royce mới lăn bánh 1.600km.
Về cuối đời, Nizam lại sống rất tằn tiện. Ông đi lại bằng chiếc xe Ford ọp ẹp. Ông lệnh cho người hầu mua chăn mới cho mình nhưng không được mua cái nào quá 25 rupee (tức 28 xu ngày nay). Người hầu về nhà tay không vì chăn mới giá 35 rupee. Nizam đành dùng chăn cũ. Có lần, Nizam phản ứng với người bán kem vì bán đắt. Ông cũng viết thư mời tiệc tối bằng mẩu giấy xé từ phần cuối thư cũ. Ông buộc mình phải sống với 1 bảng Anh/tuần và hút loại thuốc lá rẻ tiền nhất, thậm chí còn châm lại đầu mẩu thuốc lá bỏ đi.
Nizam đội một cái mũ rách suốt 40 năm, tự đan tất và thích mặc quần áo vá víu, mòn cả chỉ hàng tháng trời cho dù có cả một tủ quần áo dài gần kilomet chứa đầy lụa hảo hạng, gấm thêu kim tuyến... Ông ta ăn trên đĩa thiếc, hút thuốc lá cuốn tay và uống một viên thuốc phiện vào bữa ăn, ngủ ở hiên cùng với một con dê buộc dây.
Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh đáng ngưỡng mộ trong tính cách của Nizam. Dưới thời ông, đường bộ, đường sắt và hệ thống bưu chính được mở rộng. Ông mở trường đại học, bệnh viện và nhà máy và nói chung được thần dân ngưỡng mộ.
Đám ma của Nizam là một trong những đám ma lớn nhất ở Ấn Độ nhưng phần lớn của cải của ông bị cướp phá. Những gì còn lại được chuyển cho cháu trai Nizam, sau khi ông tước quyền thừa kế của cậu con trai tay chơi.
Nizam thứ 8 di cư tới Australia và trong nhiều năm điều hành nông trại chăn cừu. Giờ ông đã 84 tuổi và cùng em trai 80 tuổi hưởng thừa kế phần còn lại cuối cùng của gia tài ông nội - Nizam xứ Hyderabad.
Bình luận