Bán hàng đa cấp ăn khoai lang, để tiền mua giày, áo vest, nhân viên ngân hàng mất việc hàng loạt, dưa vàng hình bản đồ cho Tết nguyên đán... là những thông tin thị trường được quan tâm nhất tuần qua.
Phía dưới cái mác một người thành đạt, bên ngoài diện vest, đi giày đen, thu nhập lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, nhưng cuộc sống của những nhân viên bán hàng đa cấp lại hoàn toàn ngược lại. Họ chỉ cầm hơi bằng xôi, bánh khoai, ở trọ không trả tiền để có được mã ngoài "dụ" khách.
Hàng hóa được bán trong những công ty đa cấp này chủ yếu là thực phẩm chức năng, với công dụng được tán dương là có thể hỗ trợ đủ loại bệnh, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Một số sản phẩm thậm chí đạt tới 2 giải Nobel vì những công dụng không tưởng do chính các nhân viên đa cấp này giới thiệu.
Người tham gia chỉ cần mua sản phẩm với giá 20 triệu đồng, sau đó giới thiệu cho 10 người khác tham gia đường dây, đến khi làm đầu mối cho hàng ngàn người khác thì chỉ cần mỗi người mua sản phẩm 1 triệu đồng, đầu mối sẽ được hưởng hoa hồng khổng lồ.
Để những người mới tin và đi vào con đường bán hàng đa cấp, các công ty đều nêu hàng loạt tấm gương "người thật việc thật" để chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho những người đến sau.
Mức thu nhập của những tấm gương này đều lên tới hàng chục ngàn USD mỗi tháng, được du lịch đến châu Âu do công ty thưởng, mua được biệt thự và siêu xe đắt tiền. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số này có thu nhập là do lừa đảo người thân, bạn bè, thậm chí bán sạch tài sản để tham gia vào những đường dây này.
Hàng ngàn nhân viên ngân hàng tại các đơn vị lớn như ACB, Eximbank, Vietinbank, BIDV và SHB buộc phải nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do không hoàn thành được chỉ tiêu doanh số không tưởng, thuyên chuyển không đúng chuyên môn khiến người lao động chán tự bỏ việc, hay đưa người từ hội sở về chi nhánh.
Theo ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch ngân hàng Eximbank, bộ máy nhân sự cồng kềnh đã làm giảm hiệu suất kinh doanh khiến ngân hàng này buộc phải mạnh tay cắt giảm nhân sự với kế hoạch lên tới hàng ngàn người.
Ông Nguyễn Thanh Toại - phó tổng giám đốc ACB - cho biết số 700 nhân viên ra đi trong quý III thuộc ba nhóm. Nhóm 1 là những nhân viên thấy thu nhập quá thấp do kết quả kinh doanh không như ý, tìm được cơ hội tốt hơn, thu nhập cao hơn nên đã tự xin nghỉ.
Số khác là nhân viên thử việc, ngân hàng tuyển để chuẩn bị cho việc mở chi nhánh, phòng giao dịch nhưng do không được phép mở thêm nên buộc phải cho nghỉ. Số còn lại không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên tự xin nghỉ.
Trong khi đó, với nhiều người lao động, chỉ tiêu, yêu cầu công việc quá cao trong bối cảnh khó khăn như hiện nay chắc chắn là không đạt, bị cắt lương kinh doanh và chỉ còn nhận lương cứng 3 triệu đồng/tháng.
“Mức này không thể nào xoay xở đủ tiền nhà, tiền điện, nước, tiền gửi con nên tôi tự rút lui để kiếm cơ hội khác”.
Dưa vàng hình bản đồ Việt Nam
Ngoài giống dưa vàng được nắn thành hình xe hơi, dưa có chữ lộc bằng thư pháp nổi, nhà vườn của ông Trần Thanh Liêm (TP.Cần Thơ) còn sản xuất thành công dưa hấu hình trái tim có bản đồ Việt Nam nổi rõ 2 quần đảo. Giá của mỗi cặp dưa có trọng lượng từ 4-4,5kg này lên tới 8 triệu đồng.
Phấn khởi với sản phẩm mới, ông Liêm chia sẻ: Điều đặc biệt với ông là ngày 2/1/2014 tới, quận Bình Thủy, nơi ông sinh ra sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập quận.
Ruộng dưa nhà ông đang dành riêng một mảnh đặc biệt để ông tạo hình dưa hấu có bản đồ Việt Nam tặng lãnh đạo quận, "báo công" sản phẩm đặc biệt này do nông dân của mình tạo nên.
Kinh doanh rắn độc thua lỗ nặng
Từ nghề truyền thống mang lại hiệu quả cao, nuôi rắn giờ đây lại trở thành món nợ với nhiều người dân tại làng nghề Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc khó có lãi, trong khi nợ ngân hàng chồng chất.
Mấy năm trước, giá rắn thành phẩm lên tới 1,2 triệu đồng/kg, rẻ cũng một triệu hoặc khoảng 300.000 đồng mỗi con. Tuy nhiên, từ khi thị trường chính của rắn thành phẩm là Trung Quốc đã chủ động được nguồn cung thì giá rắn giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với trước đây.
Mức giá đầu ra thấp hơn quá nửa so với thời kỳ đỉnh điểm, trong khi chi phí đầu tư đến khi mỗi con rắn xuất chuồng vẫn tốn đến 550.000 – 600.000 đồng. Do đó, với mỗi con rắn, người nuôi lỗ từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng.
Dù đây là nghề nguy hiểm, không ít người chịu cảnh "sinh nghề tử nghiệp" nhưng vì không chủ động được đầu ra, nên người dân chỉ có thể ngồi chờ giá lên. Ngoài công việc này, họ cũng không còn nghề nào khác để mưu sinh, chưa kể khoản nợ ngân hàng vẫn đè nặng ngày ngày.
Ông Quang, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, dù muốn rút tại cây ATM của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombannk) 5 triệu đồng nhưng ông phải thực hiện tới 8 lần, mất thêm phí giao dịch 5.500 đồng mà vẫn chưa xong.
Dù được nhân viên tiếp xúc và giải thích nhưng ông không hài lòng và đã gửi đơn kiện lên TAND quận 1 (nơi VCB đặt trụ sở) để kiện đòi 5.500 đồng. Vị này đã nộp án phí tạm ứng 200.000 đồng, tòa đã tiến hành hòa giải vào cuối tháng 9 những bất thành.
Ông Quang còn bổ sung yêu cầu khởi kiện đòi lại 50% phí dịch vụ SMS đăng ký báo số dư tài khoản qua di động mà mỗi tháng VCB đã thu của ông 8.800 đồng suốt từ năm 2010. Từ đó, ông yêu cầu VCB phải trả lại cho ông 158.400 đồng.
Trong khi đó, VCB lý giải rằng không thể chỉ nạp vào ATM một loại mệnh giá 500.000 đồng để đảm bảo luôn chi cho khách đủ 5 triệu đồng/giao dịch, như thế là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, khe cửa trả tiền ở máy ATM chỉ cho phép đưa ra tối đa 35 tờ/lần. Do đó, nếu trong máy không còn loại mệnh giá 500.000 đồng thì khách chỉ được rút tối đa 3,5 triệu đồng (mệnh giá 100.000 đồng) và 1.750.000 đồng (mệnh giá 50.000 đồng).
Ông Quang đã đồng ý giao dịch nên máy mới thực hiện, do đó ông Quang cho rằng ngân hàng sai là không có cơ sở, chẳng qua ông chỉ hiểu nhầm dịch vụ của VCB.
Theo Tri thức
Bình luận