Một buổi chiều cuối năm 2021, PV VTC News trở lại xã Mão Điền (huyện Thuận Thành). Nửa năm sau đại dịch, người dân vùng đất Kinh Bắc đã quen với cuộc sống bình thường mới. Các ngõ xóm nhộn nhịp trở lại. Không ai nghĩ nơi đây từng là tâm dịch lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của hai bé gái trong bài viết "Bố là bệnh nhân COVID-19 vừa qua đời, hai con nhỏ tự chăm nhau trong khu cách ly", nằm trong con ngõ nhỏ, tường rêu cũ kĩ. Những giọt nắng hanh vàng ươm đang hong khô cả trăm chiếc mũ ông Công, ông Táo phơi trên nền gạch cũ của khoảng sân trước nhà. Góa phụ trẻ ngồi ở góc bếp, tay thoăn thoắt "gõ mũ".
‘Tôi đã trả xong nợ nần’
Đầu tháng 5/2021, Bắc Ninh xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Trước đó tròn 1 năm, chồng chị Dung, anh Nguyễn Hữu Hùng (BN3055) là lao động chính trong gia đình bị tai nạn giao thông với tỷ lệ thương tật 90%.
Sau nhiều tháng chữa trị ở Bệnh viện Việt Đức, anh Hùng được đưa sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) tiếp tục điều trị. Không may, anh bị lây COVID-19 từ đây.
"Vừa từ bệnh viện về nhà được gần chục hôm thì bệnh tình của chồng tôi tái phát. Tôi đang tính hôm sau thuê xe đưa chồng ra Hà Nội mổ lần nữa thì tối hôm đó xã thông báo yêu cầu những người từng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khai báo y tế và cách ly.
Xe cứu thương đến, tôi với chồng đi ô tô đằng trước, 3 đứa con đạp xe theo sau. Tôi chỉ kịp mang theo 2 bộ quần áo, còn các con tự sắp xếp, tự chuẩn bị đồ để sang ông bà ngoại. Không ngờ rằng, chuyến xe định mệnh đó là giây phút cuối cùng gia đình 5 người được đoàn tụ. Chồng tôi đi và chẳng thể trở về...", chị Dung nghẹn ngào nói.
Ngày hôm sau, cả chị Dung và chồng đều có kết quả dương tính SARS-CoV-2 rồi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 3 đứa trẻ Nguyễn Hữu Duy (SN 2009), Nguyễn Thị Tuyết (SN 2012), Nguyễn Xuân Mai (SN 2016) là F1 đi cách ly tại Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân.
Dù được cấp cứu và điều trị tích cực, nhưng chiều 16/5/2021 anh Hùng không qua khỏi, với chẩn đoán tử vong do viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não, suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2.
"16h40, bác sĩ gọi điện báo chồng tôi mất rồi. Tôi rụng rời chân tay, rơi cả điện thoại xuống đất.
Bác sĩ nói bắt buộc phải có một người nhận tro cốt. Tôi nhờ hết người này người kia nhưng không được vì làng đang là tâm dịch. May mắn người cậu nhờ vợ chồng người quen ra nhận hộ và gửi Đài hóa thân Hoàn Vũ", chị Dung nhớ lại.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì chị Dung nghe tin con trai lớn, bé Duy cũng có kết quả dương tính SARS-CoV-2, chuyển tới Bệnh viện Dã chiến huyện Gia Bình điều trị. Hai chị em Tuyết và Mai tự chăm nhau trong khu cách ly.
"Thương con nhưng tôi cũng là F0, đang điều trị ở Hà Nội chẳng thể làm gì được. 4 mẹ con ở 3 nơi khác nhau. Nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi không biết sẽ phải làm gì nuôi con khi bản thân mắc COVID, làng đang là ổ dịch, tiền nợ để chạy chữa cho chồng và sửa lại bếp trước đó đã lên tới gần 200 triệu đồng. Tôi từng vay tiền một số người nhưng đều bị từ chối. Họ sợ chồng tôi mất rồi, tôi không có việc làm ổn định thì làm sao trả được nợ...", chị Dung kể.
Tình cờ, hoàn cảnh thương tâm của gia đình chị Dung được phóng viên Báo Điện tử VTC News biết đến. Sau khi bài viết được đăng tải, trên 2.000 độc giả đã ủng hộ số tiền hơn 700 triệu đồng, chia sẻ khó khăn, mất mát với mẹ con chị Dung.
"Lúc đầu tôi nghĩ chắc chỉ nhận được khoảng vài chục triệu đồng thôi vì còn nhiều hoàn cảnh khác cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Khi biết tin độc giả Báo VTC News ủng hộ số tiền lớn như vậy, tôi thực sự choáng váng, cả đêm không ngủ được. Đến bây giờ giờ thỉnh thoảng vẫn có người gọi điện hỏi thăm. Mới đây có người ở nước ngoài gửi tiền về tặng mẹ con tôi. Tôi vô cùng biết ơn, trân trọng tình cảm đó của các nhà hảo tâm", chị Dung xúc động nói.
Cả đời chị chưa bao giờ có trong tay số tiền lớn như thế, đến trong mơ cũng chưa dám nghĩ tới. Sau khi trả hết nợ nần, chị đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền còn lại.
"Tôi đã trả xong nợ nần, trong lòng nhẹ nhõm hơn, không còn phải lo nữa. Nếu không có số tiền ấy thì không biết đến bao giờ mẹ con tôi mới trả xong số nợ gần 200 triệu đồng", chị Dung vui mừng cho biết.
‘Sao mẹ không đón bố về?’
Người phụ nữ mất chồng vì đại dịch COVID-19 chia sẻ, suốt 1 năm trời chồng chạy chữa, chị Dung phải nghỉ làm để chăm anh ở bệnh viện. Thu nhập không có, lại thêm khoản nợ khổng lồ khiến cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn. May mắn được các độc giả ủng hộ, số tiền giúp chị yên tâm lo cho con cái sau này.
"Nhiều người hỏi tôi sao không sửa sang, mua sắm thêm đồ đạc trong nhà. Nhưng mẹ con tôi trước giờ nghèo khổ, quen cuộc sống giản dị, nên thời điểm này tôi hài lòng với những gì đang có. Hàng ngày tôi làm vàng mã thuê, kiếm được 100.000 đồng, hôm nào nhiều nhất cũng được 140.000 đồng, đủ tiền rau dưa cho 4 mẹ con. Số tiền các nhà hảo tâm tặng tôi gửi ngân hàng, hàng tháng lấy tiền lãi đóng học phí cho con", chị Dung cho biết.
Trước khi mất, lúc tỉnh táo, anh Hùng dặn vợ cố gắng mua cho các con thêm chiếc xe đạp để bọn trẻ đi học. Làm theo di nguyện của chồng, đầu năm học, chị Dung trích ra hơn 1 triệu đồng tiền lãi, mua cho con trai lớn chiếc xe đạp mới.
Chị Dung cho hay, gánh nặng về kinh tế đã được trút bỏ nhưng nỗi đau về tinh thần thì không thể xóa nhòa ngay được, nhất là hàng ngày, bé Mai con gái út vẫn hay nhắc đến bố.
"Con vẫn hỏi 'sao mẹ không đón bố về, để bố ở đó một mình bác sĩ chăm à? Khi nào hết COVID bố mới về à'? Lúc tro cốt anh Hùng chuẩn bị được đưa về nhà để mai táng, bé lại hỏi: Mẹ ơi, lần này mẹ đón bố về, mẹ có 'ghép' được bố vào không?”. Chị Dung ứa nước mắt nhìn về phía ban thờ chồng. Câu hỏi ngây thơ của con trẻ khiến lòng chị quặn thắt. Chị cũng chỉ ước có một phép màu, đưa người chồng gắn bó suốt 13 năm về với mẹ con chị.
Trước kia anh Hùng làm công nhân môi trường, thỉnh thoảng mang đồ chơi hỏng về cho các con. Trung thu năm nay, bé Mai ngơ ngác ngóng đồ chơi của bố như mọi năm, nhưng chờ đến khi nhà bên cạnh đã phá cỗ đêm trăng, bố vẫn chưa về.
Một cơn gió đông lùa vào, quyện mùi hương trầm trên ban thờ anh Hùng lan toả khắp nhà. Chị Dung cố nén tiếng thở dài. Vậy là một năm sắp qua đi, năm biến cố lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ khắc khổ. Trong tột cùng của sự bất hạnh, chia ly, rất may chị Dung và các con được hàng ngàn độc giả ở khắp nơi chia sẻ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Có lẽ, vong linh của anh Hùng nơi xa cũng được an ủi. Nơi ấy, anh không còn phải trăn trở, lo cho cuộc sống sau này của đàn con thơ.
Bình luận