Chương trình áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ - Trung dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9. Đòn áp thuế 200 tỷ USD của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả 60 tỷ USD lên hàng hóa Mỹ khiến cơ hội đàm phán thương mại nhen nhóm giữa hai bên có khả năng bị hủy bỏ.
Theo các chuyên gia, vòng thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên hàng Trung Quốc về bản chất là đánh thuế lên người Mỹ, những người sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc. Dù vậy, giá cả tăng không phải là vấn đề quá lớn và thậm chí sẽ giúp Mỹ lấy lại một số công việc khổng lồ đã bị mất đi do xu hướng nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.
Một số nhà kinh tế đã nhận định cuộc sống không có hàng hóa “Made in China” dường như là một thử thách khó khăn với người tiêu dùng Mỹ ở thời điểm hiện tại. Bởi vào năm 2005, khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ mới chỉ bằng một nửa ngày nay, một nhà báo Mỹ và gia đình đã thử sống một năm mà không mua bất cứ thứ gì sản xuất từ Trung Quốc. Kết quả, cô đã không thể mua một số mặt hàng và kết luận hàng hóa Trung Quốc bao phủ cuộc sống của họ với những đồ chơi, vật dụng và giày dép giá rẻ tràn lan khắp mọi nơi.
Sau 12 năm, sự phụ thuộc này có thể sẽ còn lớn mạnh hơn rất nhiều, cho thấy trước những gì sẽ xảy ra với người tiêu dùng Mỹ khi Tổng thống Trump đánh thuế 10% lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa và đe dọa tăng lên 25% trừ khi Trung Quốc hạ thấp hàng rào thương mại đầu tư Mỹ trước tháng 1/2019.
Quan điểm cho rằng nhập khẩu hàng Trung Quốc làm giảm áp lực lên giá cả tiêu dùng Mỹ từng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ủng hộ.
Tuy nhiên, trong một bài báo năm 2017, Liang Bai từ Đại học Edinburgh và Sebastian Stumpner từ đại học Montreal tính toán rằng mức lạm phát của Mỹ giai đoạn 2004-2012 giảm trung bình 0,29% một năm nhờ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Dù vậy, kể cả khi không còn điều này, con số 0,29% cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn cho một người tiêu dùng bình thường, theo Bloomberg.
Trong một bài phân tích xuất bản vào tháng 7/2018, Sarah House và Ariana Vaisey đến từ Wells Fargo Securities ước tính 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu mà ông Trump đang nhắm đến sẽ chiếm khoảng 1,68% chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Theo ước tính này, nếu tất cả những đòn thuế trừng phạt Tổng thống Mỹ đe dọa thành hiện thực, lạm phát cũng chỉ tăng tối đa lên khoảng 0,5%.
Video: Doanh nghiệp Việt Nam nhận đơn hàng tăng đột biến từ Mỹ trong căng thẳng thương mại
Tất nhiên người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy giá tăng đáng kể khi mua một số sản phẩm nhất định. Máy giặt, một trong những mặt hàng bị ông Trump áp thuế và hạn ngạch hồi tháng 1/2018 là một ví dụ. Việc Mỹ áp thuế đã khiến giá mặt hàng này tăng đáng kể khoảng 18,5% từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên thị trường Mỹ cạnh tranh không cho phép sự tăng giá này về lâu dài, giá máy giặt sau đó giảm 2,6% giữa tháng 6 và tháng 8. Nhìn chung, theo Cục thống kê Lao động Mỹ, mức giá lại xấp xỉ với mức năm 2015 và phần lớn người tiêu dùng không thực sự nhận ra sự khác biệt.
Nói cách khác, cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động đối với Trung Quốc sẽ không khiến cuộc sống của người tiêu dùng Mỹ trở nên khổ sở, dù khiến lạm phát tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, những hạn chế nhập hàng từ Trung Quốc còn có thể tạo ra việc làm. Các nhà nghiên cứu từng chỉ ra rằng nhập khẩu hàng Trung Quốc giá rẻ khiến việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ suy giảm. Về lý thuyết, hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc có thể đảo ngược điều này.
Tổng thống Trump đã làm rõ quan điểm của ông trong cuộc chiến thương mại. Theo Bloomberg, dù cách tiếp cận của ông có thể khác với những phương pháp chính thống, nhưng không hẳn là thảm họa cho người tiêu dùng Mỹ. Trải nghiệm không mua hàng "Made in China” đối với người Mỹ có lẽ cũng không phải là quá khó khăn trong vòng 1-2 năm tới.
Bình luận