Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, người gắn bó 20 năm với các cuộc thi hoa hậu chia sẻ kỷ niệm về những người đẹp giành danh hiệu cao quý, trong đó có Mai Phương.
Nhớ hôm Mai Phương đoạt danh hiệu Hoa khôi khu vực phía Bắc, tôi đã đưa Mai Phương và hai á khôi đi hoạt động từ thiện, thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi khuyết tật một cơ sở ở ngoại thành Hà Nội. Trên xe khi ấy tôi mới nhìn kỹ ba cô gái đẹp tiêu biểu cho xứ bắc.
Cả ba đều là học sinh phổ thông, đều học lớp 11, chớm bước vào tuổi 17. Nhìn kỹ những người đẹp không son phấn hóa trang, tôi sững người. Một vẻ đẹp mơn mởn, từ thân hình căng nở đến làn da trắng mịn màng, tất cả đều hồn nhiên, trong trắng và rực rỡ như sắc hoa mùa xuân.
Tâm hồn tôi rung động thực sự, một vẻ đẹp tinh khiết như khí trời ban mai và chợt tự hỏi: “Sao trên sân khấu, họ khác xa đời thường đến thế’’. Tôi liền bảo: “Da các bạn rất đẹp, lên sân khấu, tô son, trát phấn hàng lớp làm gì?”. Cả ba đều đáp lại bằng nụ cười rất hồn nhiên. Rồi năm đó Mai Phương đăng quang Hoa hậu.
Đó là cuộc thi Hoa hậu toàn quốc lần thứ 8 do báo Tiền Phong tổ chức năm 2002 cũng là cuộc thi hoa hậu đầu tiên được Nhà nước có quyết định chính thức gọi là Hoa hậu Việt Nam. Sau cuộc thi, chúng tôi chuẩn bị cho Mai Phương đi dự thi Hoa hậu Thế giới.
Ban tổ chức chuẩn bị cho chuyến đi của Mai Phương rất chu đáo. Người đẹp Thanh Chung, cán bộ của báo được cử đồng hành vì năm đó, cuộc thi Hoa hậu Thế giới dự định tổ chức ở một nước châu Phi. Các thí sinh dự thi đều phải bay đến London, thủ đô nước Anh để tập huấn một thời gian, sau đó mới đến nơi tổ chức chính thức. Theo quy định, người đi theo hoa hậu mỗi quốc gia, lãnh thổ chỉ được đến London chứ không được đến tận nơi tổ chức thi.
Khi biết tin này, Mai Phương rất lo lắng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi một nữ sinh 17 tuổi, chưa bao giờ đi xa khỏi thành phố quê hương mình, chứ nói gì đi ra với thế giới bên ngoài nay chuẩn bị phải “tự lập cánh sinh” không ai ở bên chút hoang mang cũng là điều khó tránh khỏi. Tôi vẫn nhớ cuộc điện thoại của mẹ Mai Phương gọi cho tôi nói rằng Mai Phương không muốn đại diện Việt Nam đi thi nhan sắc quốc tế.
Tôi động viên mẹ Mai Phương và hẹn một buổi gặp trực tiếp để có dịp nói chuyện. Hôm ấy, Mai Phương theo mẹ lên Hà Nội, đến tòa soạn báo Tiền Phong.
Dạo đó trụ sở tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương đang chuẩn bị phá để xây lên tòa nhà 10 tầng hiện đại. Báo phải “sơ tán”, thuê một địa điểm của Bộ Tư lệnh biên phòng ở phố Trần Quang Khải, sát bờ đê sông Hồng để làm việc tạm trong vài năm.
Căn phòng làm việc của tôi khá chật, chỉ đủ kê một bộ bàn ghế tiếp khách, để sát ngay cửa ra vào. Mai Phương đến với mẹ, chị Triệu Kim Oanh.
Trong những ngày diễn ra cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2002, nhiều người trong cơ quan xôn xao nhận xét mẹ của Mai Phương rất đẹp, nghe nói từng là diễn viên đoàn văn công quân khu. Suốt thời gian bận rộn cho cuộc thi, tôi không có thì giờ để ý đến bố mẹ các thí sinh. Và khi gặp mẹ Mai Phương ngoài đời, trước mặt tôi, quả là một người phụ nữ đẹp. Tôi còn nói vui với Mai Phương: “Nếu Mai Phương không đi dự thi Hoa hậu Thế giới, mẹ Mai Phương sẽ đi thay đấy”.
Cuộc trò chuyện lần ấy đã làm Mai Phương yên tâm. Rồi Hoa hậu Mai Phương lên đường sang Anh quốc. Do những lý do nào đó, cuộc thi không diễn ra ở một nước châu Phi như dự kiến mà chuyển đến London.
Tôi nhớ, năm 1989, BTC cuộc thi hoa hậu lớn nhất hành tinh - Hoa hậu Thế giới có mời hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất là Bùi Bích Phương tham gia. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị cho Bích Phương đi thi xảy ra sự kiện một số ca sĩ di tản sang Mỹ, nên cuối cùng Hoa hậu Bùi Bích Phương không được đi. Do đó, năm 2002, Mai Phương là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đi thi Hoa hậu Thế giới.
Cũng vì là người đẹp đầu tiên tranh tài một cuộc thi nhan sắc thế giới nên báo chí trong nước rất quan tâm. Khi Đài truyền hình Việt Nam chiếu lại toàn bộ cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2003, Hoa hậu Việt Nam 2002 Phạm Thị Mai Phương lọt vào danh sách 20 người đẹp nhất thế giới (Mai Phương đứng thứ 15 người đẹp) đã khiến nhiều khán giả vừa ngỡ ngàng vừa tự hào. Báo chí Việt Nam liên tiếp dành những lời lẽ ngợi ca Hoa hậu Mai Phương lên tận mây xanh.
Hàng chục bài báo của hầu hết các tờ báo lớn nhỏ ở Việt Nam đều có bài viết về Mai Phương. Từ việc Mai Phương học giỏi, có tên trong danh sách học sinh giỏi cấp quốc gia, đến việc Mai Phương là cán bộ lớp năng nổ, người con ngoan của gia đình... Rồi sự kiện Mai Phương "mất tích", làng báo lại xôn xao khiến hàng chục phóng viên về tận Hải Phòng viết rất nhiều tin bài…
Sau đó ít lâu, Hoa hậu Mai Phương lên đường sang Anh du học. Từ đó đến nay Phạm Mai Phương trở thành hoa hậu kín tiếng trong làng Hoa hậu Việt Nam.
Năm 2007, Hoa hậu Mai Phương tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh ĐH Bedfordsire (Anh). Về nước, cô vào làm việc ở hải quan TP.Hải Phòng cho đến tận bây giờ.
Mai Phương là số ít người đẹp tôi vẫn giữ liên hệ. Cô tâm sự mình rất coi trọng gia đình. Ngoài công việc, hạnh phúc gia đình là điều mà cô đặt lên hàng đầu. Và thực tế cho đến nay Mai Phương thực sự có một gia đình hạnh phúc với người chồng - mối tình đầu; họ vượt qua nhiều thử thách để đến với nhau để rồi có hai cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn.
Nguyễn Bỉnh Hải Đông sinh năm 2009 đang học lớp 5 và Nguyễn Bình Hải Long sinh năm 2012, hiện đang học lớp 2. Mai Phương khoe con út Hải Long thích rèn chữ viết và từng đoạt giải một cuộc thi vẽ cấp thành phố, dù gia đình không ai có năng khiếu hội họa.
Gần đây, tôi gọi điện cho chồng Mai Phương là Nguyễn Bỉnh Khánh hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ an ninh của Công an TP.Hải Phòng. Qua cuộc trò chuyện ngắn nhưng tôi cũng hiểu phần nào niềm vui trong hạnh phúc gia đình của vợ chồng hoa hậu Mai Phương đang có được…
“Hiện giờ gia đình em cũng như gia đình phía bố mẹ Mai Phương ở gần nhau lại cùng thành phố nên con cháu hai gia đình qua lại chăm sóc ông bà trong niềm vui hòa thuận, gần gũi và hạnh phúc …” - chồng Hoa hậu Mai Phương tâm sự.
Mai Phương cũng chia sẻ thêm với tôi: “Công việc mà em đang làm rất phù hợp với tính cách cũng như nghiệp vụ mà em đã học ở xứ sở sương mù. Em thực sự thoải mái, vui, hạnh phúc trong công việc cũng như những niềm vui trong gia đình".
Mỗi lần trò chuyện với Mai Phương tôi có suy nghĩ rằng, thời nào thì con người cũng luôn hướng về cái đẹp, thời nào thì vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ cũng chỉ có giới hạn của thời gian và vẻ đẹp lâu dài, bền vững vẫn là vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách, của trí tuệ… Những cô gái khi biết giảm bớt cái tôi, lùi lại chăm lo cho tổ ấm, hài lòng với công việc mình yêu thích dù không nhộn nhịp và hào nhoáng đều được nhận những trái ngọt, sự an yên trong đời sống…
Bình luận