Hôm 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 Roe kiện Wade (Roe v Wade) vốn công nhận quyền phá thai theo hiến pháp của phụ nữ.
"Hiến pháp không trao quyền phá thai. Thẩm quyền ra quy định về việc phá thai được trả lại cho người dân và các quan chức dân cử", Tòa Tối cao Mỹ ra tuyên bố.
Vụ kiện Roe và Wade có từ năm 1973 giúp hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ. Việc đảo ngược án lệ này đồng nghĩa Tối cao pháp viện Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai.
Trong lịch sử tư pháp Mỹ, Tòa án Tối cao đã lật lại các các phán quyết để trao cho người dân nhiều quyền hơn. Tuy nhiên, đây là trường hợp ngược lại. Quyết định này sẽ hạn chế quyền của nhiều thế hệ người Mỹ.
Một nửa nước Mỹ muốn cấm việc phá thai
Ước tính khoảng 26 bang trên 50 bang ở Mỹ đã hoặc sẽ thông qua luật cấm phá thai trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Mississippi nằm trong số 13 bang đã chuẩn bị sẵn luật để cấm phá thai khi phán quyết năm 1973 bị lật ngược. Trong khi đó ở Oklahoma, một dự luật có hiệu lực vào tháng 8 quy định cấm phá thai trừ những trường hợp khẩn cấp về y tế và phạt những người cung cấp dịch vụ với số tiền lên đến 100.000 USD cùng mức án 10 năm tù.
Dù vậy, việc phá thai nhiều khả năng vẫn sẽ hợp pháp tại một số bang theo quan điểm tự do. Hiện hơn 10 bang có luật bảo vệ quyền phá thai. Với phán quyết mới, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn phải đến các bang khác nếu muốn phá thai.
Trong ý kiến ủng hộ việc lật lại phán quyết vụ kiện Roe v Wade, Thẩm phán Samuel Alito cho biết quyết định của Tòa án Tối cao đưa ra năm 1973 đã gây ra những hậu quả nặng nề, đồng thời không giúp mang lại giải pháp cho tranh cãi liên quan vấn đề phá thai.
"Vụ việc đã châm ngòi cho tranh cãi và chia rẽ đất nước sâu sắc", ông Alito cho hay.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao, sau khi án lệ Roe kiện Wade bị đảo ngược.
"Chúa đã đưa ra quyết định", ông Trump trả lời Fox News ngày 24/6.
Ông Trump nói rằng quyết định này "được thực hiện vì tôi đã làm mọi thứ như đã hứa, bao gồm việc đề cử 3 thẩm phán vào Tòa án Tối cao".
Trong thời gian tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ bổ nhiệm thẩm phán cho Tòa án Tối cao, những người sẽ đảo ngược phán quyết vụ kiện Roe chống lại Wade.
Trong thời gian tại nhiệm, ông bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ, giúp duy trì thế đa số bảo thủ 6-3 tại Tòa án Tối cao. Cả ba người được ông bổ nhiệm đều bỏ phiếu thuận trong phán quyết vừa qua.
"Sai lầm bi thảm"
Phán quyết mang tính lịch sử này của Tòa án Tối cao Mỹ được cho là chiến thắng của phe bảo thủ vốn phản đối việc phá thai. Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đây là phán quyết được 3 thẩm phán do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm và là “sự hiện thực hóa một hệ tư tưởng cực đoan”.
“Đó là 3 thẩm phán được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Donald Trump – người đóng vai trò cối lõi của quyết định ngày hôm nay nhằm xóa bỏ công lý và loại bỏ quyền cơ bản của phụ nữ ở đất nước này. Quyết định này là một nỗ lực có chủ ý trong nhiều thập kỷ qua để đảo ngược sự cân bằng của luật pháp”, ông Biden nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định quyết định trên là một "sai lầm bi thảm".
“Tòa án đã làm điều mà họ chưa từng làm trước đây, tước bỏ quyền lợi thiết yếu đối với rất nhiều người dân Mỹ - vốn đã được công nhận từ rất lâu. Quyết định của tòa án sẽ ngay lập tực gây ra nhiều hậu quả", ông Biden nói thêm.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết Bộ này sẽ đấu tranh để bảo vệ quyền phá thai, ngầm báo hiệu về khả năng nổ ra các cuộc chiến pháp lý.
Trên khắp nước Mỹ, biểu tình nổ ra ở hàng loạt các bang sau quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ. Tại Washington, hàng trăm người tập trung trước tòa án để phản đối.
"Chính phủ không nên có quyền yêu cầu tôi phải làm gì với những việc liên quan đến sức khỏe sinh sản của tôi. Đó là cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi. Chúng ta sẽ là người đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho bản thân và gia đình", Robin Sabbath tới từ Detroit Michigan chia sẻ. Sabbath tới Washington để phản đối phán quyết mới đây.
Trái ngược với sự giận dữ của những người ủng hộ quyền phá thai, đám đông phản đối phán quyết Roe chống lại Wade ăn mừng trước Tòa án Tối cao.
"Phán quyết năm 1973 khiến 63 triệu trẻ em không có cơ hội được chào đời. Và giờ điều đó không còn nữa. Chúng tôi mong muốn một con đường đi, một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả trẻ em và cả chúng ta", bà Lila Rose - một người dân Mỹ nêu quan điểm.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy một dự luật cho phép phá thai. Tuy nhiên, nó cần phải được thông qua tại Thượng viện trước khi trình để Tổng thống Biden ký thành luật.
Để kịch bản này xảy ra, đảng Dân chủ cần phải giữ duy trì thế kiểm soát tại lưỡng viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Trong trường hợp đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát tại bất cứ viện nào, nỗ lực thúc đẩy dự luật về quyền phá thai của đảng Dân chủ cũng sẽ hết sức khó khăn.
Dù kịch bản nào xảy ra, phán quyết mới sẽ thay đổi ghê gớm cuộc sống của hàng triệu phụ nữ Mỹ và làm trầm trọng hơn những căng thẳng ở quốc gia vốn đã bị chia rẽ sâu sắc, theo Tổng thống Biden.
Bình luận