Người đàn ông họ Li tới từ thành phố Bắc Hải, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc tháng trước nộp đơn xin tòa án ban hành lệnh bảo vệ khỏi người vợ họ Bai nhiều lần bạo hành thể xác minh.
Truyền thông địa phương đưa tin, Li lo lắng cho an toàn của bản thân sau khi bị Bai đánh đập một thời gian dài.
Li nói anh và Bai kết hôn từ năm 1997 và cả hai trải qua một "mối quan hệ độc hại".
Người đàn ông Trung Quốc chia sẻ trong 20 năm qua, anh bị Bai theo dõi và tấn công liên tục. Thậm chí có lần anh còn bị vợ cắn.
Gần đây anh quyết định trình báo vụ việc với cảnh sát vì không thể chịu đựng được thêm việc ngày ngày phải sống trong cảnh bạo lực.
Sau khi xem xét các bằng chứng cùng hồ sơ giám định y tế mà Li cung cấp, cảnh sát khuyên anh đệ đơn lên tòa.
Ngay trong ngày Li nộp đơn, tòa án cấp lệnh bảo vệ cho anh. Về phần mình, Bai từ chối công nhận phán quyết và xin kháng cáo. Tuy nhiên, đơn kháng cáo của cô bị tòa bác bỏ vì không cung cấp được bằng chứng hợp lý.
Câu chuyện này sau khi được đăng tải trên mạng xã hội làm dấy lên làn sóng tranh luận về vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là quyền của của các nạn nhân nam vốn hiếm khi được thảo luận ở Trung Quốc.
"Tại sao mọi người lại cố gắng kích động tranh cãi giữa nam và nữ? Một khi bạo lực gia đình xảy ra, giới tính không nên là vấn đề cần bàn tới", một người bình luận.
"Tôi muốn nghe ý kiến của người vợ", một tài khoản Weibo khác cho hay.
Một người tự nhận là giáo viên đề xuất: "Tôi cực lực ủng hộ việc thành lập một ủy ban bảo vệ quyền hợp pháp của những người đàn ông đã kết hôn ở Trung Quốc".
Tuy nhiên, cũng có không ý kiến đổ lỗi cho người đàn ông, nghi ngờ anh ngoại tình và bị vợ "trừng phạt".
"Có khi nào anh ta lừa dối vợ mình hay không. Phụ nữ nhìn chung thường khá bao dung. Chắc anh ta đã phạm nhiều lỗi lắm", một người nêu quan điểm.
Theo một luật sư tới từ một công ty luật ở Quảng Châu, bạo hành nam giới thường ít khi được thảo luận ở Trung Quốc vì định kiến về giới tính và bạo lực gia đình.
"Tỷ lệ phụ nữ bạo lực gia đình nhỏ hơn rất nhiều so với các trường hợp bạo lực do đàn ông gây ra, nhưng không phải là không có", ông này cho hay.
Năm 2016, Trung Quốc thông qua Luật Chống bạo lực gia đình, quy định mọi công dân đều có quyền xin tòa cấp lệnh bảo vệ an toàn cá nhân. Theo quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc, bạo lực gia đình là lý do hợp pháp để ly hôn.
Thống kê của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia năm 2018 cho thấy 22,9% phụ nữ và 19,9% nam giới nước này từng chịu bạo lực gia đình.
Năm 2021, Trung tâm Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Bắc Kinh công bố kết quả khảo sát về bạo lực gia đình ở 7 tỉnh với 2.810 gia đình. Theo đó, 26,1% phụ nữ thừa nhận có hành vi bạo lực với chồng trong khi 27,8% nam giới cho biết họ phải sống trong cảnh bị vợ bạo hành.
Bình luận