• Zalo

Cuộc săn lùng 'quái vật' giết người kinh dị

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 03/03/2014 01:22:00 +07:00Google News

Hổ là cỗ máy giết chóc hoàn hảo và một khi đã nếm thịt người, chúng sẽ tiếp tục tấn công các nạn nhân mới

 

 

 

 

 

Cỗ máy giết chóc hoàn hảo
Một cuộc săn lùng quy mô khổng lồ vừa được mở ra tại phía Bắc Ấn Độ. Tại thời điểm này, hai tháng sau khi con hổ Bengal bắt đầu màn giết chóc của nó, Khan vẫn chưa thấy một cái kết tốt đẹp. Khan là một nhà bảo tồn thiên nhiên trẻ tuổi. Anh biết rằng con hổ hoặc sẽ mất mạng, hoặc sẽ bị bắt và chuyển tới sở thú. 
Hiểu một cách đơn giản thì con hổ sẽ nhận án tử hình hoặc tù chung thân, những cái kết đầy bất lợi cho cả con hổ và các nhà bảo tồn. Nhưng những người dân làng đang hết sức sợ hãi và gia đình các nạn nhân đều muốn chấm dứt ngay màn gieo rắc kinh hoàng của con hổ. 
Nhân vật chính của tấn kịch được cho là một con hổ cái 4 tuổi đi lạc khỏi Công viên quốc gia Jim Corbett. Nó giết người đầu tiên vào ngày 29/12, dù không ai hiểu lý do vì sao. Kể từ đó, con hổ đã đi từ làng này sang làng khác, giống như một kẻ giết người hàng loạt tìm nạn nhân mới. "Thường hổ đi lạc sẽ theo lối cũ để trở về. Nhưng con hổ này lại đi lang thang khắp nơi" - Khan nói. 
Hổ là loài sinh ra với bản năng sát thủ. Nó có thể đánh hơi thấy con mồi từ cách xa 2 km và rất giỏi phục kích chờ nạn nhân tới gần. Nhiều nạn nhân đã bị con hổ tấn công khi đang thu hoạch mùa màng, nhặt củi khô hoặc chăn dắt gia súc. Khan cho biết một con hổ trưởng thành chỉ cần 30 giây là giết xong một con người. "Hổ giống như một cỗ máy giết chóc hoàn hảo vậy" - anh nói. 
Được biết một số nạn nhân bị hổ tát chết giữa ban ngày. Số khác bị hổ mang đi vào đêm và ăn thịt. Những gì còn lại của họ chỉ được phát hiện nhiều giờ sau đó. Đôi khi manh mối duy nhất về vụ tấn công rùng rợn chỉ là một chiếc khăn đội đầu, một đôi giày hoặc chút máu khô.
Nạn nhân mới nhất của con hổ là một người đàn ông 50 tuổi tên Lal Singh, sống ở làng Tanda Sahuwala. Cháu của Lal Singh cho biết ông đưa trâu đi ăn cỏ trong ngày 7/2. Khi trời tối, đàn trâu trở về nhưng Lal Singh thì không. Ngày tiếp theo, một đội tìm kiếm Lal Singh đã nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng: Chỉ còn phần thân trên của Lal Singh là còn nguyên vẹn. Những gì còn lại đã bị con hổ xơi sạch. 
Khan đánh giá khi một con hổ đã thèm thịt người, nó trở nên nhanh hơn và nguy hiểm hơn nhiều. Thông thường một con hổ nếu thấy bóng người ở gần sẽ quay đầu chạy mất. Nhưng một con hổ đã nếm thịt người sẽ làm điều ngược lại: Nó sử dụng khứu giác đặc biệt nhạy và khả năng nhìn rất tinh để tiến tới gần con người hơn. 
Một cuộc đua ngầm
Hổ luôn là một phần trong cuộc sống của Khan. Anh sinh ra và lớn lên ở Sherpur, vốn có nghĩa Thị trấn hổ trong tiếng Hindi, cũng có ý nhắc tới việc hổ sống nhiều ở Uttar Pradesh. Lớn lên anh đã quen với việc nhìn thấy hổ đi từ rừng rậm ra các vùng đất của con người. Anh quyết định dành trọn cuộc đời mình bảo vệ hổ, sau một lần được tiếp xúc với những chú hổ non hết sức dễ thương. 
Anh cũng luôn biết rằng hổ sợ người và chưa từng thấy chúng thèm thịt người, cho tới tận giờ. Một số tờ báo đưa tin con hổ mẹ bị mất con và đang trong hành trình đẫm máu để tìm lại chúng. Nhưng Khan tin rằng con hổ đang bị thương, có thể liên quan tới bộ răng, khiến nó không thể săn các con mồi bình thường mà chuyển sang con người. 
Thợ săn lùng sục trong các cánh đồng mía ở Uttar Pradesh để tìm
dấu vết con hổ ăn thịt người
Sau vài lần giết người thành công, con hổ nhận ra rằng giết người thật dễ dàng. Và điều đáng ngại là rất ít những con hổ từng giết người trở lại đi săn các động vật hoang dã như dê, sau khi đã có trải nghiệm mới. Các quan chức Uttar Pradesh hiện đã ra lệnh tiêu diệt con hổ và điều tới nhiều thợ săn, nhằm nhanh chóng chấm dứt nỗi sợ của người dân. Về phần mình, Khan cũng nỗ lực tìm con hổ với các ý định riêng.
Các thợ săn hiện sử dụng xe hơi để săn con hổ trong khi Khan và cộng sự dùng voi. Mỗi con voi cao tới 3 mét , có thể đi qua dễ dàng những địa hình khó. Đó là cách an toàn và tốt nhất để lần theo dấu một con hổ, dù việc này vẫn đầy rủi ro. Hổ có thể nhảy lên rất cao. Một đoạn video từng được tung lên YouTube hồi năm 2008 cho thấy cảnh một con hổ đã nhảy lên tấn công một người đàn ông đang cưỡi voi.  Nhưng Khan không ngại rủi ro. Anh xem mình như một bức tường lửa cuối cùng giữa các thợ săn và con hổ, là bên duy nhất mong cứu mạng nó. 
Một vòng tròn luẩn quẩn
Được biết vào đầu thế kỷ 20, có gần 40.000 con hổ sống tự do tại Ấn Độ thuộc Anh. Nhưng chúng nhanh chóng bị thợ săn, những kẻ săn trộm và các nhà phát triển bất động sản triệt hạ. Ngày hôm nay quy mô đàn hổ giảm xuống chỉ còn khoảng 1.706 con, theo cuộc thống kê mới nhất do Cơ quan bảo tồn hổ quốc gia Ấn Độ thực hiện. 
Nhưng suy giảm số lượng chưa phải vấn đề tồi tệ nhất mà đàn hổ phải đối mặt. Nghiệt ngã thay, các cánh đồng mía nơi con hổ dùng làm nơi ẩn náu tấn công con người, lại là dấu hiệu rõ nhất cho thấy vấn đề lớn hơn: con người đã xâm phạm, chiếm lấy lãnh địa của hổ. Khi con người phá rừng để trồng lúa, hoa màu và nuôi gia súc, hổ dần mất môi trường sống tự nhiên. Tại Ấn Độ, hổ chỉ còn 11% môi trường sống tự nhiên so với trước kia. Chúng phải dựa vào các khu bảo tồn để tồn tại. 
Song tại những bang nghèo như Uttar Pradesh, bảo tồn đất cho hổ không phải là việc được ưu tiên. Những người nghèo vẫn liên tục phá rừng, chiếm đất, qua đó khiến lãnh địa của hổ càng thu hẹp hơn. "Vấn đề chung quy cũng vì cái đói" - Khan nói - "Con người lấn chiếm các vùng đất, buộc động vật nhỏ phải dọn tới sống trong các cánh đồng gần những ngôi làng. Điều này khiến hổ theo chân chúng tới gần con người". 
Với Tarabati, một người phụ nữ sống ở làng Maniawala, các giải thích về việc người chiếm đất của hổ nghe không lọt tai. Ngày 10/1 năm nay, đứa con trai Shiv Kumar, 22 tuổi, của bà đang đi về nhà khi bị một con hổ nhảy ra từ cánh đồng mía và bẻ gãy cổ. Con hổ đã kéo xác Kumar đi được hơn 100 mét và lẽ ra đã chẳng còn lại gì nếu như những người dân làng không kịp tới hiện trường đuổi nó đi. 
Tarabati nói rằng bà đã ngất xỉu khi thấy xác con và giờ chỉ muốn một điều duy nhất là con hổ phải chết. "Cuộc sống của một con hổ rất đáng giá" - bà nói - "Nhưng còn cuộc sống của những con người như chúng tôi thì sao?" 
Bình luận
vtcnews.vn