Kỳ 3: Cuộc săn lùng ‘ác thú’
Trong khi ta còn chưa tóm hết được những tên phỉ đang lẩn trốn trong rừng để đòi nợ máu cho đồng bào, cho 11 văn công bị chúng sát hại, thì Pháp tiếp tục tăng cường cho bọn phỉ, nhằm tạo động lực để chúng quấy rối, hòng làm giảm áp lực của ta ở Điện Biên Phủ.
Thực dân Pháp đã thả 117 gián điệp biệt kích cùng vô số đạn dược xuống Nàn Ma, Cốc Pài (Hà Giang). Bọn gián điệp biệt kích đã tập hợp tàn quân phỉ. Như cá gặp nước, tên Tráng Séo Khún lại trở thành bạo chúa của châu Hoàng Su Phì rộng lớn.
Chợ Cốc Pài (Xín Mần)
Chúng cắt cổ, mổ bụng, moi gan cán bộ, người già, trẻ em. Chúng kích động các dân tộc tàn sát lẫn nhau, khiến máu thắm đỏ sông Chảy. Tên phỉ Tráng Séo Khún nêu cao khẩu hiệu: “Giết cán bộ làm thuế” để báo cáo thành tích với thực dân Pháp.
Tuy nhiên, Điện Biên Phủ thất thủ, Pháp không ứng cứu được nữa, nên chúng rơi vào trạng thái hoang mang. Tuy nhiên, với tội ác gây ra, không còn đường lùi nữa, nên tên Tráng Séo Khún càng điên cuồng chống trả.
Hắn cài mìn dọc sông Chảy đến tận biên giới Trung Quốc. Hắn cho người phá đường, đốn đổ cây để cản bước tiến của quân ta. Chúng tăng cường giết người, cướp bóc để trữ lương thực.
Tên Tráng Séo Khún đã dùng chiếc câu liêm này giết hại 50 người
Suốt từ ngày 10/10 đến cuối tháng 11/1954, ta tấn công giải phóng hàng loạt xã, diệt hàng trăm tên phỉ. Tên Tráng Séo Khún gom tàn quân gồm vài trăm tên kéo về xã Chế Là, Nấm Dẩn (thuộc Xín Mần bây giờ) cố thủ. Bọn chúng có rất nhiều súng ống, đạn dược, bộc phá, mìn, cùng lượng đạn đủ bắn vung vãi.
Bị quân đội ta tấn công dữ dội, giết hàng trăm tên, nên “tập đoàn thú dữ” Tráng Séo Khún rất hoang mang. Tuy nhiên, là kẻ đứng đầu, hắn đem uy lực và sự tàn ác ra thể hiện để kích động đồng bọn. Hắn giết bất kỳ tên phỉ nào hoang mang, sợ hãi, có ý ra hàng. Hắn cũng bắt người dân vô tội để giết một cách man rợ để tăng thêm bản lĩnh cho đồng bọn.
Vũ khí thực dân Pháp trang bị cho phỉ
Đầu tháng 12/1954, ta điều thêm một đại đội ở Bắc Mê đánh thọc mạnh vào sào huyệt cuối cùng của chúng. Cuộc tấn công thọc mạnh đó đã làm tan rã toàn bộ “tập đoàn phỉ”, bắn thương tên Xếp Vần. Ta đã tiêu diệt 63 tên, làm bị thương 87 tên, bắt sống 103 tên và kêu gọi 700 tên trở về gia đình, không theo phỉ nữa. Riêng tên Tráng Séo Khún cùng 20 tên phỉ vẫn mất tăm mất tích trong rừng.
Đồng bào châu Hoàng Su Phì vui mừng với chiến thắng, nhưng vẫn không an lòng khi tên Tráng Séo Khún vẫn chưa phải đền mạng. Hắn vẫn như bóng ma phủ lên đời sống đồng bào nơi đây. Khuôn mặt dã thú của hắn, ánh mắt lạnh lùng, với cây câu liêm trên tay nhuốm máu đồng bào vẫn cứ ám ảnh cuộc sống người dân.
Dây lưng da của phỉ
Thời kỳ đó, có vài người truy lùng tên Khún, nhưng hiện chỉ ông Nguyễn Bình Địch còn sống. Ông Địch đang sống ở bản Pắc Há (xã Quang Minh, Bắc Quang).
Từ khi về hưu, ông về quê sinh sống. Dù cụt một tay, ông vẫn hăng say làm việc. Ở tuổi 82, với 64 năm tuổi Đảng, cụ ông dân tộc Tày vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Nhắc đến trùm phỉ Tráng Séo Khún, ông Địch vui vẻ hẳn lên. Ông sắp xếp lại ký ức, rồi bắt đầu câu chuyện tỉ mỉ về tội ác của bọn phỉ ở vùng đất biên viễn này.
Ông Nguyễn Bình Địch
Tháng 10/1950, ông xung phong vào “vùng đất phỉ” miền tây Hà Giang. Đã vào đó, thì xác định khó có ngày trở về. Ông được cử làm bí thư chi bộ xã Trung Thịnh (hiện xã Trung Thịnh tách làm 6 xã, trong đó 3 xã thuộc Xín Mần, 3 xã thuộc Hoàng Su Phì). Ông nắm luôn chức vụ chính trị viên, chỉ huy du kích chống phỉ.
Xã Trung Thịnh chủ yếu là dân tộc Nùng. Với sự giúp sức của thực dân Pháp, bọn phỉ dựng lên cái gọi là “Xứ Nùng tự trị”, rồi gây thù chuốc oán với các dân tộc anh em, chống lại cách mạng, tiêu diệt chính quyền non yếu của ta.
Ông Địch phải mặc quần áo người Nùng, đóng giả người Nùng để dễ bề hoạt động. Trong một trận đánh phỉ giáp lá cà, khi ông giương súng ngắm, một tên phỉ bắn xuyên từ bàn tay, chạy dọc cánh tay, thủng nách.
Chợ gia súc ở Xín Mần
Hai trùm phỉ người Nùng quê ở xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) gồm Tại Xếp Vần và Tại Xếp Sần cầm đầu toán phỉ mấy trăm tên bị bộ đội và du kích ta đánh tơi bời.
Trong một trận đánh ác liệt, Tại Xếp Vần bị bắt. Trùm phỉ Tại Xếp Sần trốn thoát, dẫn quân hợp lực dưới trướng Tráng Séo Khún.
Có thêm vây cánh, Tráng Séo Khún nổi lên thành tên phỉ khét tiếng khắp vùng biên ải. Hắn liên hệ với các nhóm phỉ bên Trung Quốc, nên sức mạnh càng tăng lên, tha hồ làm mưa làm gió dọc dải miền tây tỉnh Hà Giang. Địa bàn hoạt động của hắn kéo dài sang tận Si Ma Cai của Lào Cai.
Tuy nhiên, trước sự tấn công tổng lực của ta, bọn chúng đã tan rã. Tráng Séo Khún cùng đồng bọn trốn vào rừng ẩn náu, tìm cơ hội nổi dậy.
Tội ác của Tráng Séo Khún quá man rợ, nên không thể dung thứ. Cấp trên chỉ thị bằng mọi giá phải lùng bắt được tên Khún, hoặc tiêu diệt hắn, tránh mầm họa có thể xảy ra sau này.
Tuy nhiên, cuộc truy lùng diễn ra suốt 3 năm, từ cuối năm 1954 đến 1958 vẫn không có kết quả. Tráng Séo Khún vẫn như một bóng ma, lúc ẩn lúc hiện trong rừng.
Còn tiếp…
Bình luận