Vừa qua, ở Uông Bí (Quảng Ninh), diễn ra vụ án giết người vô cùng lạnh lùng, tàn khốc. Thủ phạm ra tay cực kỳ manh động, liều lĩnh, mất hết tính người. Trước đó, cũng ở đất mỏ, thuộc đảo Vân Đồn, đã xảy ra những vụ án mạng vô cùng đau xót, do một tên cướp mất hết nhân tính gây ra. Hắn được coi là ác thú của vùng đất Quảng Ninh.
Kỳ 1: Ký ức hãi hùng của người đàn bà suýt mất mạng
Ở ngay thị trấn Cái Rồng (huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh), có một xã tên là Hạ Long. Xã Hạ Long chạy dọc ven biển, có trục chính liên huyện cắt qua xã.
Đầu xã nhà cao tầng chi chít, nhưng đến thôn 4, cuối xã, thì nhà cửa lèo tèo, cái nghèo lộ rõ. Những mái nhà gianh, nhà tạm nhỏ xíu lấp ló sau những vạt rừng xác xơ. Người dân xóm nhỏ này sống bám vào rừng, vào biển, nên cuộc sống bấp bênh.
Chúng tôi hỏi nhà chị Nguyễn Thị Duân, ai cũng lộ rõ đôi mắt tò mò. Thảm kịch xảy đến với người đàn bà này làm rúng động cả nước, thì đủ biết cái xóm nhỏ này xôn xao đến nhường nào.
Con đường đất gập ghềnh đá sỏi gan trâu dẫn chúng tôi vào chân núi, nơi có ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn hoang. Trời sầm sì chực tuôn mưa. Người đàn bà dáng như cây sậy phất phơ trước gió, quấn chiếc khăn trên đầu ra tiếp khách, với giọng nói thều thào thiếu hơi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị vừa nói vừa nhăn mặt, bóp đầu. Chị bảo, mấy hôm nay thời tiết kỳ cục, lúc nắng, lúc mưa, lúc giông gió, nên đầu đau như búa bổ, nằm bẹp một chỗ, chẳng làm được gì. Mấy vết chém bể sọ của tên giết người ghê rợn để lại cho chị nỗi đau khủng khiếp cả thể xác lẫn tinh thần, không biết bao giờ mới nguôi.
Biết chúng tôi là nhà báo, hỏi lại chuyện xưa, chị chậm rãi ngó lên ban thờ, tìm nén nhang. Tuy nhiên, nhang hết từ mấy ngày trước, mà chưa có tiền mua. Chị lôi tấm ảnh cô con gái yêu quý, lấy gấu áo lau những hạt bụi mà rưng rưng lệ.
Nhà nghèo, chẳng bao giờ chụp ảnh cho con. Hồi con bị sát hại, may mà cháu bé hàng xóm mang sang một tấm ảnh đám cưới, trong đó có khuôn mặt bé Mai cười rạng rỡ. Ảnh phóng ra nhòe nhoẹt, nhưng cũng may mà còn được nhìn thấy mặt con mỗi lúc buồn.
Chị thẫn thờ: “Lâu nay tiền đóng học cho con còn chẳng có, không biết bao giờ mới kiếm được tiền đóng cái khung ảnh cho cháu”. Nhìn khuôn mặt và nụ cười rạng rỡ của bé Mai, trong tấm ảnh thờ chẳng có nổi cái khung, không ai ngăn được hàng lệ.
Đặt chút lễ nhỏ lên ban thờ, chúng tôi nhờ chị Duân làm cho cháu một chiếc khung, đóng kính, để nụ cười của cháu được lưu giữ lâu hơn ở trần gian nhiều đắng xót này.
Chị Nguyễn Thị Duân sinh ra ở Liên Vị (Yên Hưng, Quảng Ninh). Nhà đông anh chị em, ai cũng nghèo rách nghèo nát, nên cơ sự xảy đến lớn lao như vậy, mà cũng chẳng nhờ cậy được ai.
Năm 1978, khi mới mấy tuổi đầu, bố mẹ bỏ vùng đất cũ, xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Vân Đồn. Cuộc sống ở vùng đất mới này cũng không khấm khá gì hơn, làm việc quần quật cũng chỉ đủ ăn.
Từ nhỏ, rồi đến bây giờ, chị Duân cũng chỉ biết lên rừng đốn củi, bẻ măng, hoặc ra bãi biển mò con cua, con ốc để ăn.
Năm 1993, chị xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Long, là người cùng quê, cũng theo bố mẹ ra Vân Đồn làm kinh tế. Nhưng lấy chồng, gánh nặng lại chồng chất nhiều hơn trên đôi vai gầy của chị.
Chồng chị mắc đủ thứ bệnh như suy gan vì nhiễm mỡ nặng, lao phổi. Đặc biệt căn bệnh béo phì khiến anh từ người bình thường tăng lên tới 140kg. Nếu có tiền, được chữa trị, có thể những bệnh này sẽ khỏi, nhưng vì nhà nghèo, tiền ăn chẳng đủ thì lấy đâu ra tiền chữa trị. Cuộc sống cùng quẫn, khiến anh dần mất trí, rồi thành tâm thần.
Niềm hạnh phúc lớn lao nhất với chị, là anh chị có được với nhau 3 đứa con, gồm 2 trai, một gái. Tất cả chúng đều ngoan ngoãn, xinh đẹp, học giỏi, chăm ngoan.
Clip rợn người lời khai của nghi can vụ "thảm sát" ở Quảng Ninh
Thôi thì ông trời không cho ai mọi thứ. Với chị, 3 thiên thần nhỏ là mọi hy vọng, là tương lai để chị tiếp tục phấn đấu, dù có phải trả giá như thế nào. Nhưng rồi, định mệnh kinh hoàng nhất đã không buông tha người đàn bà tận khổ này.
Trí nhớ suy giảm nhiều sau vụ tai ương, nhưng những ký ức kinh hoàng trong ngày 11-8-2006 thì chị Duân vẫn nhớ rõ mồn một.
Hôm đó, mới sớm tinh mơ, chừng 5 giờ sáng, chị đã trở dậy nấu nướng, đánh thức các con dậy ăn uống. Số cơm thừa con lại, cùng ít muối vừng thì nắm lại, đóng gói, dùng để ăn trưa. Mấy bình nước cũng được đong đầy.
Khi mặt trời chưa kịp ló dạng, 3 mẹ con chuẩn bị dao, thuổng lên rừng. Cậu con út mới 2 tuổi ở nhà với bố. Vừa ra đến ngõ, thì chị hàng xóm chạy sang bảo: “Ơ, cái Duân, mày bảo lấy na cho chị hôm nay, mà lại định lên rừng là sao”.
Chị Duân bảo con ngồi đợi, rồi hai người đàn bà vạch từng cành na, hái những quả sắp “mở mắt”. Sau nhà chị có mảnh vườn nhỏ, chị trồng được mấy cây na, quả sai trĩu trịt.
Nhìn những quả na căng mọng, các cháu thèm lắm, nhưng chẳng được ăn. Chỉ quả na nào bị chim xơi mất một góc, không bán được, thì mới đến phần các cháu. Nhà nghèo, nên phải dành tiền bán na lo việc học hành. Thứ quả cao sang đó để cho khách du lịch thưởng thức.
Hái na xong đâu đấy, 3 mẹ con mới lên đường. Ngày đó, hai bé Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1993), tức là mới được 13 tuổi, còn em trai Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1995) mới ở tuổi 11.
Ở cái tuổi ấy, những đứa trẻ khác chỉ biết ăn chơi, học hành, nhưng chị em Mai và Lâm đã phải làm mọi việc giúp mẹ. Tranh thủ nghỉ hè, 3 mẹ con hôm thì xuống biển mò ngao, bắt ốc, hôm lên rừng hái măng, chặt củi. Cứ cái gì kiếm ra tiền, ra thịt, là 3 mẹ còn làm quần quật từ sáng đến đêm.
Chị Duân rưng rưng nước mắt: “Cả mùa hè ấy, 3 mẹ con tôi ngày nào cũng lên rừng đào măng, lấy củi. Cứ đi từ sáng sớm, đến chiều tối mới về. Thế nhưng, bán cả thúng măng, mấy bó củi cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Được đồng nào thì cất hết đi, để năm học mới có tiền mua sách vở, đóng cho con. Ở huyện đảo này, cái gì cũng đắt đỏ, mà nhà tôi có làm thứ gì ra tiền được đâu.
Thế nhưng, ai ngờ, đó cũng là ngày cuối cùng tôi được ở bên hai con. Tên ác quỷ đội lốt người đã cướp của, rồi giết tôi. Nó còn giết luôn cả hai đứa con của tôi nữa. Đến đứa con gái sắp chết của tôi, mà nó cũng định giở trò”.
Chị Duân kể đến đây thì nghẹn ngào, không nói được thành lời nữa, nước mắt cứ trào ra. Cơn đau kéo về, chị ngồi ôm đầu vật vã.
Theo các tài liệu từ cơ quan điều tra, khoảng 8 giờ ngày 11-8-2006, Bùi Đức Lợi (SN 1979, trú thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cầm khẩu súng thể thao tự chế, cuộn dây thừng nhỏ, chiếc khăn bông, cái cuốc và một túi bánh từ xã Hạ Long (Vân Đồn) lên đồi Máy Bay (huyện Vân Đồn) chặt cây giống về trồng.
Đến khu vực lưng chừng đồi nghe có tiếng chặt củi và bóng người, hắn nảy sinh ý định cướp tài sản nên lần theo tiếng động đến gần. Thấy chị Nguyễn Thị Duân (SN 1969, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cùng hai con là Nguyễn Thị Mai (SN 1993) và Nguyễn Văn Lâm (SN 1995) đang chặt củi, Lợi lấy khăn bịt mặt, chỉ để hở hai mắt, tiếp cận đối tượng. Hắn đã nảy sinh ý định hiếp dâm chị Duân, nhưng không được, nên dùng dao chém nhiều nhát vào đầu chị. Sau đó, hắn giết cả cháu Mai và Lâm.
Khoảng 19 giờ 30 ngày 29-1-2007, Lợi đội mũ len trùm kín mặt chỉ để hở hai mắt, cầm khẩu súng trèo tường đột nhập nhà ông Phan Đình Hùng (tổ 92, khu Đồn Điền, Hà Khẩu, TP. Hạ Long). Ông Hùng dùng tay hất khẩu súng. Lợi bắn ngay khiến ông gục xuống nền nhà, chết tại chỗ.
Trước đó, 19 giờ 30 ngày 7-1-2007, Lợi cầm khẩu súng nói trên, đội mũ len bịt mặt đột nhập nhà ông Nguyễn Sỹ Điều. Lợi lấy một đoạn dây đưa cho bà Lân bắt bà trói chồng lại. Xong việc, hắn lục soát lấy 30 triệu đồng rồi khóa cửa nhốt vợ chồng ông Điều lại, bỏ trốn. Khoảng 20 giờ ngày 15-1-2007, Lợi đội mũ len bịt kín mặt cầm súng đột nhập nhà anh Trần Văn Hậu (ở tổ 16, khu 2, phường Cửa Ông) cướp tài sản. Hắn lục soát lấy 200 ngàn đồng, một đôi hoa tai và 3 nhẫn vàng, một đồng hồ Rado rồi trói mọi người lại và biến mất.
TAND tỉnh Quảng Ninh và TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử tử hình đối với Bùi Đức Lợi.
Phong Nguyệt
Bình luận