Kỳ 1 : Xách bao ngô lên và... đi
Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin, một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ Pakistan từ Ấn Độ vào tháng 10/2013, trong tình trạng không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân. Sau khi bị bắt, phải đến 10-12 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể nào hiểu được.
Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Sau đó, nhân vật bí ẩn đã được xác định là Vừ Già Pó, một người dân tộc H’Mông, ở xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) của Việt Nam.
Trải qua rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan, Vừ Già Pó mới được trở về quê nhà Khâu Vai vào ngày 12/5/2014, sau gần 3 năm lưu lạc.
Giới trẻ Việt Nam rất nhiều người kính phục, gọi anh bằng cái tên “thánh phượt”, với kỳ tích phi thường của mình. Anh đã đi bộ vượt qua quãng đường gần 6000km, vượt cả dãy Hymalaya cao ngất, băng giá phủ kín, qua cả những vùng chiến sự khốc liệt để đến tận đất nước Pakistan xa xôi.
Bản thân như phượt thủ Huyền Chíp, nổi tiếng với cuốn sách “Xách balo lên và đi” gây ầm ỹ dư luận trong thời gian gần đây, có lẽ bây giờ khi nhắc đến “thánh phượt H’Mông” Vừ Già Pó, chắc cũng phải lắc đầu lè lưỡi.
Phút xúc động gặp lại người thân của Vừ Già Pó |
Anh đã trở về với cuộc sống thường nhật của mình |
Căn nhà nhỏ của gia đình Vừ Già Pó mấy hôm nay đông nghịt người đến thăm. Báo chí, truyền hình, cán bộ địa phương, anh em bạn bè gần xa... ai cũng muốn chia vui với Pó sau cuộc hành trình đằng đẵng kéo dài gần 3 năm và có đôi lúc tưởng như không thể trở về. Pó gặp ai cũng ôm chầm lấy khóc lớn, chốc chốc lại kêu lên: “Người thân của tôi đây rồi, quê hương của tôi đây rồi!”.
Tiếp chuyện với phóng viên VTC News, Pó vẫn nhớ rõ từng chi tiết về những ngày lưu lạc gian khổ ở xứ người. Anh thổn thức kể lại mọi việc bắt đầu từ cuối tháng 6/2012.
Vừ Già Pó kể lại mọi chuyện với PV VTC News |
Vừa Già Pó vốn là con một, mồ côi từ bé, bố mẹ bạo bệnh mất sớm chỉ để lại cho căn nhà cùng mấy khoảnh ruộng. Về sau, có một gia đình H’Mông khá giàu có ở thôn Lũng Lầu đã cưu mang, gả con gái là Ly Thị Lía theo Pó về làm vợ khi mới 16 tuổi. 5 đứa con lần lượt ra đời trong hoàn cảnh nghèo túng, chạy ăn từng bữa. Trước khi anh bước vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của mình, người con gái lớn đã lập gia đình và sinh sống ở xã bên.
Hai vợ chồng hàng ngày lên nương rẫy trồng ngô, nhưng cũng chỉ được 2 vụ. Những lúc nông nhàn, Pó đi làm thuê khắp huyện. Bản thân anh cũng được biết việc có nhiều người H’Mông trong xã thỉnh thoảng vẫn trốn sang Trung Quốc làm thuê, rồi có ít tiền mang về mua sắm đồ đạc cho gia đình. Tuy nhiên, với bản tính hiền lành nhút nhát của mình, anh cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc vượt biên. Pó lo sợ khi vượt biên bị công an bắt, bị bỏ tù, thì vợ con sẽ khổ.
Cuộc sống trên cao nguyên khô cằn sỏi đá, người dân chỉ biết bám lấy nương rẫy sinh sống |
Vừ Già Pó cho biết, cuối tháng 6/2012, hết vụ ngô, không kiếm được việc làm thêm, Pó đang buồn rầu ngồi trước cửa thì bố vợ của anh xuất hiện. Ông rủ anh sang bên Trung Quốc đi trồng rừng, chăm bón cho cây cối.
Lần sau bố vợ quay lại, có thêm cả Ly Mí Tử, Ly Mi Na, là những người anh em họ hàng bên ngoại đi cùng. Mấy anh em kể với Pó về những trường hợp đi Trung Quốc làm thuê, lúc về có tiền mua tivi, mua điện thoại di động, con cái có tiền ăn học đầy đủ.
Lần này, một chủ vườn bên Trung Quốc có nhu cầu thuê thêm người làm việc trong thời gian 3 tháng, và hứa trả tiền công cho mỗi người tới tận 18 triệu đồng tiền Việt. Vì mối “thơm”, nên bố vợ cũng như Ly Mi Na, Ly Mí Tử chỉ muốn rủ anh em trong họ cùng đi làm, cùng hưởng.
Rồi Vừ Xìa Già ở thôn Lũng Pù, Mèo Vac cũng đến và vận động Pó đi lao động chui. 4 lần vào ngồi nói chuyện với Pó, lần nào Vừ Xìa Già cũng hứa chắc như đinh đóng cột rằng mọi việc đã thông suốt, sẽ có người đưa sang bên kia biên giới, có người tiếp nhận và làm việc. Đồng thời, Già căn dặn mọi người phải giữ bí mật tuyệt đối về thông tin, không được lộ ra cho chính quyền biết
Nghĩ đến cảnh các con có thêm tấm áo mới, để mặc, bữa ăn có thêm thịt cá, nhà có cái tivi, ánh mắt và nụ cười sung sướng của vợ khi trong nhà xuất hiện thêm 1 đống tiền, tiêu không phải nghĩ..., với lại chuyến đi toàn là những người thân quen, phần lớn là anh em họ hàng bên nhà vợ, Pó tặc lưỡi đồng ý.
Người đàn ông với vẻ ngoài hiền lành chân chất này không hề biết rằng, mình sắp bước vào một chuyến “phượt” bất đắc dĩ, kéo dài 3 năm với quãng đường gần 6000km.
Một góc thôn Lũng Lầu, nơi Vừ Già Pó cùng mấy thanh niên khác đi xuất khẩu lao động chui bên Trung Quốc |
Pó không biết được, mình sắp sửa bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ |
Khi đi, Pó được vợ chuẩn bị 1 tay nải đồ đạc, dắt túi ít tiền mặt, thêm bao ngô, mèn mén làm lương thực trong những ngày đi đường sang bên Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nửa ngày đi bộ từ thông Lũng Lầu ra tới trung tâm huyện Mèo Vạc, Vừ Xìa Già bắt anh phải để lại mọi thứ, tránh để mọi người biết.
Ăn trưa xong, 10 người xuất phát trên 5 chiếc xe máy đi thẳng lên xã Sơn Vĩ. Và ngay trong đêm tối, mấy thanh niên H’Mông lặng lẽ theo đường tiểu ngạch, trèo qua 5 ngọn núi cao chất ngất, trốn sang đất Quảng Tây, Trung Quốc.
Vừ Xìa Già rút máy ra gọi, mấy phút sau có gần chục người lạ mặt xuất hiện, cùng một chiếc xe thùng cỡ lớn, bịt bùng như xe tù. Vừ Già Pó nhìn thấy rõ người Trung Quốc đếm từng đầu người rồi đưa một xấp toàn tiền 500 nghìn tiền Việt cho Vừ Xìa Già, gọi là “phí môi giới”. Pó hỏi, Vừ Xìa Già thản nhiên trả lời: “Tiền này tao đưa về cho vợ con chúng mày một ít để sinh sống trong những ngày chúng mày phải làm việc ở bên này, còn lại tao hưởng, tao cũng phải có tý công chứ”.
Sau đó, mấy người lạ mặt dồn cả nhóm người H’Mông lên xe thùng, chạy liền một mạch suốt 2 ngày rưỡi, vào sâu trong nội địa Trung Quốc. Dọc đường đi, không ai được ăn uống, chỉ có một ít nước lọc cầm hơi.
Lúc dừng xe đi vệ sinh cạnh đường, Ly Mi Na kêu đói, kiệt sức, tức thì anh ta nhận ngay 2 cái tát nổ đom đóm từ một gã Trung Quốc bặm trợn đi cùng đoàn, gã rút thêm khẩu súng bắn chỉ thiên lên trời đe dọa và chửi tục. Mấy thanh niên H’Mông im thin thít không dám phản ứng, chỉ biết dìu bạn lên xe và tiếp tục hành trình.
Clip về Vừ Già Pó:
Còn tiếp...
Hải Minh
Bình luận