• Zalo

Cuộc gặp xúc động giữa người vợ với trái tim của chồng đã khuất

Sức khỏeThứ Hai, 03/12/2018 11:19:00 +07:00Google News

6 tháng sau khi hiến tạng của người chồng không may qua đời, chị Hằng mới có cơ hội gặp được ông Trần Tuấn, người nhận ghép quả tim.

Nhận lời mời tham gia chương trình "Cho đi là còn mãi" nhân kỷ niệm ngày thành lập của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia sáng 29/11, chị Nguyễn Thị Thu Hằng 26 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình, không ngờ mình có thể gặp được người đang mang quả tim của chồng mình.

Khoảnh khắc người dẫn chương trình xướng tên ông Trần Tuấn 52 tuổi ở Thừa Thiên Huế, và người đã được ghép tim của chồng chị đứng dậy, chị Hằng không kìm nổi cảm xúc. Nước dâng trong mắt, đôi tay run rẩy, chị Hằng ôm chầm lấy ông Tuấn. Cả hai ôm siết nhau, nấc nghẹn, không nói lên lời.

Sáu tháng qua, chị mong lắm ngày được gặp người nhận tim của chồng mình. Lần này, chị được thỏa nguyện khi được gặp ông Tuấn. "Tôi vẫn luôn nói với hai con rằng bố của chúng vẫn còn sống, sống trong cơ thể của một người khác.

Để có thể kéo dài hơn sự sống của anh, tôi mong chú Tuấn cũng luôn khỏe mạnh để giữ gìn trái tim của bố bọn trẻ", chị Hằng nắm chặt tay ông Tuấn nói.

1

Chị Hằng và ông Tuấn xúc động trong lần đầu tiên gặp nhau.

Chị Hằng nói nếu biết ông Tuấn ra Hà Nội, chị sẽ nhường mẹ chồng đến gặp. "Mẹ là người sinh ra anh ấy, mẹ mong mỏi được gặp chú Tuấn hơn ai hết", chị xúc động nói.

Lấy lại bình tĩnh, chị Hằng kể chồng chị là anh Nguyễn Ngọc Khiêm là quân nhân giải ngũ về quê học nấu ăn, làm cách nhà 30 km. Ở tuổi 30, anh là lao động chính của cả gia đình. Anh trai bị thiểu năng, nhà còn bố mẹ già, vợ, hai con gái mới hơn một tuổi và 3 tuổi.

Giữa tháng 5, anh Khiêm không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não. Đề cập đến vấn đề hiến tặng mô tạng của chồng, chị Hằng đã điện thoại cho mẹ chồng.

Hai mẹ con có một cuộc điện thoại không dài, nhưng đủ sự đau đớn và quyết đoán. Họ thống nhất đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của con trai cho y học. Ở vùng quê Hưng Hà của chị, gia đình chị là gia đình đầu tiên quyết định hiến tặng mô tạng người thân.

Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống ông Trần Tuấn vào ngày 18/5. Những mô tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người xa lạ khác. "Khi nhìn thấy thùng đựng tim của anh Khiêm chuyển đi Huế, cháu ruột anh thốt lên: 'Lần đầu tiên cậu được đi máy bay'", chị Hằng kể.

2

Ông Tuấn và chị Hằng nắm chặt tay nhau. 

Sau ca ghép tim, ông Trần Tuấn hiện khỏe mạnh bình thường. Ông Tuấn chia sẻ bị bệnh suy tim hai năm và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. "Tháng 4, bác sĩ nói bệnh đã giai đoạn cuối, hy vọng duy nhất là chờ ghép tim. Tôi được làm đầy đủ các xét nghiệm và chỉ chờ có người cho tim để làm phẫu thuật. Nhưng lúc đó tôi không còn hy vọng gì nhiều, thậm chí đã buông bỏ", ông Tuấn kể.

Điều kỳ diệu đã đến, sau nhiều lần thất vọng và chờ đợi, ông đã được ghép trái tim của anh Khiêm. 6 tháng qua, ông cũng đã tìm kiếm gia đình người hiến. Ông đăng tải thông tin lên Facebook cá nhân nhưng không tìm được. "Lần này được gặp chị Hằng tại Hà Nội, tôi vô cùng cảm động. Sau chuyến đi này, tôi sẽ cùng gia đình ra Thái Bình thắp nén hương cho Khiêm, mong muốn được là một thành viên trong gia đình anh ấy", ông Tuấn nói.

Ghép tạng là một trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Mỗi năm, trên thế giới có hàng chục nghìn người được thừa hưởng thành tựu từ ghép tạng. Hàng chục nghìn bệnh nhân giai đoạn cuối đang chờ chết mỗi năm vì thiếu tạng ghép ở nước ta.

Tuy nhiên nhờ nỗ lực của các hoạt động kêu gọi hiến tặng mô tạng, đặc biệt sau câu chuyện của bé Hải An và Vân Nhi, số người đăng ký hiến tặng mô tạng đã tăng lên nhanh. Trong 10 tháng qua đã tăng lên gần 20.000 người đăng ký.

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn