Do cơ duyên nghề nghiệp, chúng tôi may mắn được nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh.
Mỗi lần gặp, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện thú vị về ông, về đồng đội qua lời kể “gang thép” của người lính từng trải qua tuổi thơ gian khó, rồi đến những năm tháng chiến tranh ác liệt biền biệt xa nhà. Giữa chừng câu chuyện, ông thường hỏi: "Tớ nói nhanh thế, các cậu có nhớ kịp không?".
Lần gặp gần đây nhất, ông đã qua tuổi ngoài bát tuần vẫn “quần đùi, áo may ô” chỉ đạo cánh thợ hồ đang thi công căn nhà của mình ở khu tập thể Công binh, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Vậy nên tin ông qua đời sau cơn đột quỵ ngày 22/10 vừa qua, khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng...
Tuổi thơ gian khó và bát cháo cám nghẹn ứ
Ông Hoàng Đăng Vinh sinh năm 1935, tại thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên trong gia đình có 5 anh em. Ngay từ thuở lên 10, Hoàng Đăng Vinh phải chịu đựng cái “đói mòn, đói mỏi” tưởng không thể nào vượt qua nổi.
Trong câu chuyện với chúng tôi mỗi lần gặp mặt, Đại tá Hoàng Đăng Vinh luôn nhắc đến hình ảnh mỗi chiều hè năm 1945, mẹ ông trong chiếc áo vá tất tả chạy vạy khắp nơi mới vay được vài hào, mua cám gạo thừa về nấu cháo cho các con ăn.
“Sau này, dù ngược xuôi khắp nơi, thưởng thức đủ sơn hào hải vị nhưng bát cháo cám năm nào vẫn nghẹn ứ trong cổ họng tôi. Tôi nhớ dai dẳng cái vị khô cứng, đắng nghẹn cùng giọt nước mắt trào ra của mấy mẹ con trước nồi cháo cám năm nào để nỗ lực phấn đấu vượt qua”, ông kể.
Cái đói rồi cũng qua, nhưng sự cai trị hà khắc của chính quyền thực dân Pháp khi quay trở lại xâm lược nước ta mới thực sự nung nấu trong tâm trí chàng thanh niên Hoàng Đăng Vinh khát vọng trở thành Bộ đội Cụ Hồ, giải phóng quê hương.
Ám ảnh nhất có lẽ chính là việc bắt bớ, tra tấn và giết hại nhân dân của kẻ thù ở bốt La Tiến, ngã ba sông Luộc, Phù Cừ, Hưng Yên. Nhớ lại năm tháng ấy, dù đã trải qua hai phần ba thế kỷ mà trong ánh mắt ầng ậng nước của Đại tá Hoàng Đăng Vinh, ngọn lửa uất hận và căm thù vẫn hừng hực cháy.
“Tôi vẫn nhớ trong một lần càn, địch tập trung dân hai làng Hoàng Các và Hoàng Xá, bắt mọi người chứng kiến hành động dã man, tàn bạo của chúng đối với những người bị bắt. Bất kể là dân thường hay du kích, cứ sau mỗi câu hỏi không được trả lời là chúng chém một ngón tay, một bàn tay, xẻo một bên tai, xẻo cả hai môi...”, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh nhớ lại.
Bản thân ông ngày ấy mới 17 tuổi, thân hình gầy gò cũng bị thực dân Pháp vu là Việt Minh và bắt nhốt trong bốt La Tiến. 4 ngày liền ông bị bọn chúng vô cớ đánh đập, bắt đi gánh cát từ bãi sông cách đó hàng cây số về để xây đồn bốt, người nhà không được thăm nom.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể: “Một hôm tranh thủ buổi trưa bọn lính gác xao nhãng việc, mẹ tôi nấu nồi canh mang đến bốt. Nài nỉ mãi và phải đưa 1 đồng tiền Đông Dương lót tay tên lính gác mới cho vào. Chẳng kịp nói gì với con, mẹ tôi phải quay ra ngay. Còn tôi, chưa kịp và miếng canh vào miệng thì tên đội đến. Hắn giơ chân đá tung bát canh tôi đang bê, đổ tung tóe khắp người tôi rồi dùng roi da đánh tới tấp. Lúc đó tôi ức lắm, cố cắn răng chịu đựng, không khóc nhưng không hiểu sao nước mắt cứ thế ứa ra”.
Đêm ấy, nỗi đau đớn và uất ức dồn nén khiến ông không thể chợp mắt. Ông liên tưởng đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công mang cơm áo và tự do đến cho nhân dân. Ông nhận ra rằng chỉ có con đường đi bộ đội, theo Việt Minh làm cách mạng mới có “bát cơm hạnh phúc” và cuộc sống tự do. Nhưng việc trước mắt là phải thoát khỏi bốt La Tiến.
May mắn cho ông, thời điểm đó, do quân Pháp bắt bớ quá nhiều người về giam kín bốt nên chúng buộc phải thả bớt. Dù 17 tuổi nhưng nhờ dáng người bé nhỏ nên ông và một số người bị cho là già cả và trẻ con vô hại nên được cho về. Cơ hội đi trên con đường lý tưởng của Hoàng Đăng Vinh đã mở...
Lời thề giải phóng quê hương và chiến công lịch sử
Chàng thanh niên Hoàng Đăng Vinh được tự do, ngày ngày làm việc nhưng luôn để tâm nghe ngóng, tìm cách bắt liên lạc với cách mạng.
Trong một đêm đi kéo vó bè, ông làm quen được với cán bộ thanh niên của địa phương, hoạt động bí mật. Nhân cơ hội ấy, Hoàng Đăng Vinh bày tỏ ý định được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước, dù phải gặp khó khăn, thậm chí là hy sinh tính mạng cũng sẵn sàng.
Có lẽ đã quan sát, tìm hiểu Hoàng Đăng Vinh từ trước nên người cán bộ đồng ý ghi tên Vinh vào danh sách. Một đêm cuối năm 1952, cùng một số thanh niên của địa phương, Hoàng Đăng Vinh lặng lẽ rời quê hương lên đường đi chiến đấu mà không kịp chia tay gia đình, người thân, với lời thề “giải phóng quê hương mới trở về”.
Mang trong tim lời thề ấy, cùng với đồng đội, Hoàng Đăng Vinh đã có mặt trên nhiều chiến trường Bắc Bộ, liên tục lập chiến công. Trong đó, như chia sẻ của mình, ông nhớ mãi là 2 lần đối mặt với tướng De Castries-chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp. Lần thứ nhất là vào 17h30 ngày 7/5/1954, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 360 (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) Tạ Quốc Luật, 4 người gồm Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam vào bắt De Castries và bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng.
Lúc này, trong hầm của địch có khoảng 20 sĩ quan Pháp đều mang mặc rất chỉn chu. Thấy tổ 5 người bước vào, chúng nhớn nhác, co dúm lại với nhau, có tên chui cả xuống gầm bàn. Đại đội trưởng Luật ra lệnh bằng tiếng Pháp, tất cả bọn chúng đều bỏ súng đứng dậy giơ tay đầu hàng. Riêng De Castries vẫn ngồi yên. Thấy vậy, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh cho Hoàng Đăng Vinh bắt De Castries phải đầu hàng.
“Mắt mở to, môi mím chặt, ngón tay để sẵn vào cò súng, tôi tiến tới trước mặt viên tướng Pháp. Y đứng ngay dậy và chìa tay xin bắt tay. Sao có thể bắt tay lúc này, ngay lập tức tôi thọc mũi súng tiểu liên vào bụng ông ta và quát to: Hô-lơ-manh (giơ tay lên)”, ông kể.
Ngay sau đó, dưới sự áp giải của 5 Bộ đội Cụ Hồ, tướng De Castries cùng toàn bộ bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nối đuôi nhau ra khỏi hầm trong tư thế lầm lụi của kẻ chiến bại. Còn Hoàng Đăng Vinh cùng đồng đội trở lại đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ông cũng không ngờ, chỉ chưa đầy 15 ngày sau, ông lại có dịp đối mặt với viên tướng bại trận này.
Ấy là sáng 20/5/1954, sau khi dự lễ mừng công ở Mường Phăng, vinh dự là một trong 5 chiến sĩ đại diện cho các sư đoàn vào gặp, mừng sinh nhật Bác, theo yêu cầu của đoàn làm phim tư liệu của đạo diễn Liên Xô Karmen, Hoàng Đăng Vinh được mời tới dự buổi phỏng vấn De Castries. Ông được bố trí ngồi đầu bàn phía đối diện viên tướng Pháp này.
“Đồng chí Bùi Đình Hạc chỉ vào tôi hỏi De Castries: Ông có biết anh này là ai không? Suy nghĩ một chút, De Castries trả lời: “Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh này rồi”. Đồng chí Bùi Đình Hạc nói tiếp: “Tôi khen ông có trí nhớ rất khá, chính anh này đã vào hầm bắt ông ra”.
De Castries hơi lúng túng nhưng đã nhìn tôi và nói: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Thế là tôi đứng bật dậy quát: “Ông nói láo, ông chỉ huy thế nào được tôi. Chính tôi đã vào hầm tóm cổ ông ra”. Khi nghe phiên dịch viên dịch lại, tôi thấy De Castries gục mặt xuống và quay ra ngoài”.
Người anh hùng giữa đời thường
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hoàng Đăng Vinh lại cùng đồng đội bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên các chiến trường, ông đều phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên, lập nhiều thành tích trong chiến đấu được khen thưởng.
Tháng 8/2015, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại tá Hoàng Đăng Vinh.
“39 năm gắn bó, tôi đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau. Đặc biệt là vinh dự có mặt trong cả hai trận Điện Biên Phủ lịch sử 1954, và “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Tôi cho rằng mình có trách nhiệm phải kể lại để truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay để họ biết cha ông mình đã có một thời kỳ như thế”, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh tâm sự.
Chính vì suy nghĩ ấy nên khi trở về với cuộc sống đời thường, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, chỉ cần không bận việc, Đại tá Hoàng Đăng Vinh lại miệt mài đi “truyền lửa” Điện Biên năm nào cho thế hệ trẻ thông qua việc nói chuyện ở các trường quân sự, các đơn vị và địa phương trong cả nước.
Từ năm 1990, khi về nghỉ hưu và sinh sống tại khu tập thể Công Binh, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh). Đại tá Hoàng Đăng Vinh tích cực tham gia các phong trào của địa phương, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Bắc Ninh nhiều nhiệm kỳ.
Trong căn nhà mới hoàn thiện của gia đình, ông dành riêng một căn phòng rộng hơn 20 m2 để làm phòng truyền thống. Đó là nơi ông thờ và tưởng nhớ đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lưu giữ hiện vật, tranh ảnh, sách báo về chiến tranh.
Với riêng Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và quê hương Hưng Yên của mình, Đại tá Hoàng Đăng Vinh luôn dành một tình cảm đặc biệt. Ông nói với chúng tôi, ông coi Báo QĐND là báo nhà, nên “các cậu gọi là tớ có mặt”.
Trong các hoạt động do tỉnh Hưng Yên, hay Báo QĐND chủ trì tổ chức, chỉ cần sức khỏe cho phép, Đại tá Hoàng Đăng Vinh đều thu xếp đến dự và có những tư vấn hợp lý cho ban tổ chức.
Hình ảnh người anh hùng hào sảng trong chương trình Giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến” (tháng 12/2016); bài phát biểu xúc động nhưng đầy chất thép trong Hội thảo “Cây đa và đền La Tiến” (tháng 3/2017).
Và mới đây nhất, tại lễ phát động Hiến tặng tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày và giới thiệu (tháng 3/2019, do UBND tỉnh Điện Biên và Báo QĐND tổ chức), dù phải chống gậy đi lại do căn bệnh viêm khớp hoành hành, ông vẫn có mặt từ hôm trước và chuẩn bị sẵn những hiện vật quý của mình để trao tặng ban tổ chức.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã liên hệ với Đại tá Bạch Ngọc Giáp, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là Trung đội trưởng trinh sát pháo binh Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351, hiện đang sống tại Khu đô thị Ecopark, Gia Lâm, Hà Nội.
Đại tá Bạch Ngọc Giáp là người giơ tay chào khi Bác Hồ trao huy hiệu Điện Biên cho chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh trong bức ảnh đặc biệt cách đây hơn 65 năm. Đã ở tuổi 85 năm, khi nghe tin đồng đội qua đời, Đại tá Bạch Ngọc Giáp không ngăn nổi xúc động. Ông cho biết: “Qua phóng viên Báo QĐND, chúng tôi vừa liên hệ với nhau hơn ba tháng nay, đang lên lịch gặp mặt. Vậy mà...!”.
Sự ra đi đột ngột của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đăng Vinh để lại niềm tiếc thương cho gia đình, bè bạn và những người yêu mến ông. Dù lời hẹn gặp đồng đội còn dang dở, nhưng chúng tôi tin ông ra đi thanh thản và hạnh phúc vì đã hoàn thành lời thề giải phóng quê hương và đã trao truyền lửa nhiệt huyết của mình cho thế hệ hôm nay!
Bình luận