(VTC News) - Với tấm huy chương 'Đại tướng quân' ông Hải được đối đãi như cấp tướng ở Campuchia, thế nhưng ít ai biết được để đến được với danh hiệu cao quý này ông Hải trải qua nhiều bước ngoặt cuộc đời.
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến hai cha con ông Trần Quốc Hải (56 tuổi) và Trần Quốc Thanh (26 tuổi) được Hoàng gia, Chính phủ Campuchia phong tặng danh hiệu “Đại tướng quân”. Thế nhưng ít ai biết được cuộc đời ông Hải cũng có những bước thăng trầm, với những ngã rẽ cuộc đời đầy sóng gió.
Hai cha con ông Trần Quốc Hải - Trần Quốc Thanh. Ảnh: Phan Cường
Gác đam mê vì mưu sinh
Những ngày giữa tháng 11/2014, chúng tôi có mặt ở nơi cư trú của ông Trần Quốc Hải (ngụ ấp 2, Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh).
Cách đây hơn 10 năm ông 'hai lúa' (cách mọi người gọi ông Hải) đã từng nổi tiếng với việc chế tạo ra máy bay trực thăng nhưng do nhiều nguyên nhân nên máy bay đành xếp xó. Sau đó được một công ty Mỹ mua sang nước họ dành triển lãm cho khách tham quan.
Khu vực nơi gia đình ông Hải sống khá thưa người, ít xe cộ qua lại, đa phần người dân nơi đây trồng cây công nghiệp. Ông Hải và gia đình là dân Nam bộ chính gốc với tính tình cởi mở và chân tình.
Rót chén trà mời khách, ông Hải tâm sự: "Cái máu đam mê cơ khí có từ thuở nhỏ, trong khi cả gia đình gồm ba mẹ và 8 anh chị em không ai mặn mà với lĩnh vực này". Để theo đuổi cái “nghiệp cơ khí” là một đoạn đường đầy chông gai đối với ông.
Video: "Hai lúa" Trần Quốc Hải kể lại việc chế tạo xe bọc thép cho Campuchia
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, do gia cảnh nghèo khó, cộng với năng khiếu thể thao ông Hải gác lại niềm đam mê mãnh liệt là học nghề cơ khí để thi vào Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM.
Tốt nghiệp ra trường ông Hải về công tác tại Sở TDTT tỉnh Tây Ninh, hoạt động được 1 năm thì ông được điều chuyển về công tác tại huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) với chức vụ quyền Trưởng phòng kiêm huấn luyện viên cán bộ môn thể thao phong trào.
Quá trình công tác tại huyện Bến Cầu, ông Hải đã gặp gỡ, làm quen với cô thư ký kế toán của Hợp tác xã, cả hai tâm đầu ý hợp, thế là một đám cưới diễn ra trong không khí vui vẻ nhưng giản dị, đạm bạc.
Đồng lương cán bộ công chức Nhà nước thời điểm đó không đủ nuôi sống gia đình nên hai vợ chồng quyết định nghỉ việc nhà nước về nhà làm thuê, làm mướn để kiếm chút vốn và quan tâm đến gia đình nhiều hơn.
“Đây là thời điểm tôi tìm thấy niềm hạnh phúc, được cặm cụi lau chùi, tìm kiếm, sửa chữa động cơ các loại máy như máy cày, máy kéo, kể cả ô tô, xe máy. Cái nghiệp đeo đuổi mình từ nhỏ cho đến tận bây giờ, đôi khi đó cũng là định mệnh” – ông Hải hồ hởi.
Như cá gặp nước, ông Hải trắng đêm tìm tòi, học hỏi cách sửa chữa động cơ mà không cảm thấy chán hay mệt mỏi.
Trước đó, hồi ông Hải còn làm huấn luyện viên thể thao huyện Bến Cầu, ông được xem là tay thợ máy kỳ khôi của cả huyện vì mỗi khi xe máy của các vị lãnh đạo hay cán bộ ở nơi đây bị hỏng đều được ông Hải “sờ mát tay” xe chạy êm ru.
Với công việc phụ này, ngoài khao khát thỏa đam mê được sửa chữa máy móc, ông Hải cũng kiếm được chút đỉnh tiền để lo trang trải cuộc sống.
Cưới được 2 năm thì vợ ông Hải sinh một đứa con trai duy nhất, đặt tên là Trần Quốc Thanh.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, có được chút vốn, mượn thêm tiền bà con dòng họ, vợ chồng ông Hải mua được một máy cày, chủ yếu là cày thuê cho người khác.
Ban ngày đi cày thuê, ban đêm ông Hải tranh thủ đi học “lỏm”nghề của một cơ sở cơ khí đóng trên địa bàn, có sẵn kiến thức sửa chữa máy từ trước, ông học thêm nghề phay, tiện, bào…liên tục nâng cao tay nghề, thời gian thấm thoát 3 năm.
Cứ thế dần dà tích lũy tài chính cộng kinh nghiệm tay nghề, ông Hải quyết định mở một cơ sở mang chính tên ông.
Nắm bắt được nhu cầu xã hội và nhất là bà con nông dân địa phương nên ông Hải đã chú trọng vào việc chuyên sản xuất – mua bán máy trồng mì, trồng bắp, nhổ thuê mì bằng máy.
Công việc ăn nên làm ra, tiếng lành đồn xa không những trong nước mà còn lan cả các nước khác nhiều người biết đến cơ sở ông Hải.
Video: Đoàn xe bọc thép do ông Trần Quốc Hải nâng cấp, cải tiến, chế tạo được đưa vào đoàn diễu hành trong ngày kỷ niệm 25 năm thành lập Lữ đoàn 70 Campuchia
Thành công nhờ... tự ái
Với niềm đam mê khoa học thực tế, không sáo rỗng hay máy móc sách vở, ông Hải chứng minh được một điều, bằng cấp đối với ông không quan trọng, quan trọng là ông đã làm được việc gì có lợi ích cho cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Câu chuyện của ông Hải sẽ dừng lại nếu không có một cơ duyên mà theo ông là tình cờ.
Với tiếng tăm, uy tín của mình, ông Hải đã bán sang Campuchia nhiều máy sản xuất khoai mì. Những lần sang đây để sửa chữa máy, ông Hải chứng kiến tại Lữ đoàn 70 trực thuộc Thủ tướng Chính phủ có nhiều xe bọc thép của Liên Xô thập niên 60 bị hỏng mà không sửa được. Nếu có sửa được thì cũng chạy một thời gian ngắn lại hỏng. Các chuyên gia từ Nga, Ukraina cũng quan tâm nhưng rồi mọi thứ đâu lại vào đấy.
Chứng kiến điều này, ông Hải muốn được tham gia vào sửa chữa nhưng có một cán bộ mang quân hàm tá Campuchia ngăn cản, cho rằng việc làm của ông Hải là không khả thi.
Tự ái nổi lên, ông Hải quyết định cá cược “một ăn một thua” khi tuyên bố sửa được những xe này, tự bỏ tiền túi 25.000USD để lo mọi thứ bắt tay vào công việc.
Một tướng Campuchia đồng ý cho ông Hải toàn quyền quyết định, ông này đưa ra nhận định, dù gì xe bọc thép cũng đã hỏng rồi, nếu sửa được thì hay còn không thì bỏ, bán sắt vụn. Nếu ông Hải làm được sẽ hoàn tiền lại cho ông Hải.
Video: Anh Trần Quốc Thanh (con anh Hải) trả lời phỏng vấn PV VTC News
Nói là làm, hai cha con ông Hải cùng một số công nhân từ Việt Nam sang Campuchia bắt tay vào cuộc. Chiếc xe bọc thép đầu tiên loại 4 bánh BRDM 2 của Liên Xô cũ, qua khảo sát, nghiên cứu hai cha con ông Hải thấy việc cần làm là thay đổi từ động cơ xăng chuyển sang động cơ diesel.
Ngoài đổi động cơ còn cải tiến lại tay lái, hệ thống điện, hệ thống phanh (thắng). Và chiếc xe đầu đã thành công. Chiếc xe bọc thép BRDM2 sau khi sửa có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít, tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.
Sau khi thử nghiệm thành công xe BRDM2, các tướng lĩnh Campuchia quyết định cho cha con ông Hải tiếp tục mở rộng loại xe 8 bánh BTR BB60 Liên Xô. Nhược điểm thứ nhất, loại xe này sử dụng hai loại động cơ chạy bằng xăng rất dễ hỏng hóc, chạy khoảng 40km phải được dừng lại để làm mát bơm xăng ở dưới thùng xăng chính nên bất lợi trong khi tác chiến.
Thứ hai, BTR BB60 rất hao xăng chạy khoảng 100km tiêu tốn chừng 100 lít xăng, hai động cơ khi bị hỏng muốn cân chỉnh cũng rất khó.
Được sự ủng hộ, hỗ trợ của các tướng lĩnh Campuchia và quân đội Campuchia hai cha con “hai lúa” quyết định chuyển từ 2 động cơ Liên Xô sang 1 động cơ diesel 250 mã lực của Mỹ.
Sau khoảng 15 ngày cải tiến, xe mang ra chạy thử và cũng thành công ngoài mong đợi. Tiết kiệm nhiên liệu tối đa, máy chạy ổn định, tỏa nhiệt tốt...
Cùng thời điểm này, Thủ tướng Hun Sen vừa xuống máy bay trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc. Nghe các tướng lĩnh Campuchia báo cáo thành quả của hai cha con 'hai lúa', Thủ tướng Hun Sen gửi lời cảm ơn, động viên, đánh giá cao việc làm hai cha con ông Hải, bởi BTR BB60 là xe dùng để vận chuyển quân được xem là dòng xe huyền thoại một thời.Cha con ông Hải bên xe bọc thép
Sau thời gian cải tiến được 11 chiếc xe bọc thép thì quân đội Campuchia và những người biết về chiến tranh chống diệt chủng Pôn Pốt, nhận thấy BTR BB60 và BRDM2 chỉ phù hợp ở chiến trường Nga (Liên Xô cũ) xứ lạnh, địa hình bằng phẳng, không phù hợp chiến trường Đông Dương địa hình ghồ ghề, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Hỏa lực của BTR BB60 và BRDM2 có nhiều nhược điểm, súng không thể nào hạ thấp xuống để bắn ở tầm gần hơn 150m, xe chạy ngang qua chỗ mìn nổ nguy cơ chết những người trong xe bọc thép rất cao.
Qua họp bàn, các bên thống nhất hạn chế sửa xe Liên Xô mà hướng đến chế tạo một xe mới mang đặc thù người dân Campuchia, phù hợp chiến trường Đông Dương.
Xe có ưu điểm tác chiến nhanh, tháp pháo và người lái xe chống được mìn khi gặp phải, hạn chế nguy cơ tử vong, có ưu điểm chống mìn treo trên cây, có khả năng chống lầy tốt để vận chuyển tiếp tế lương thực thực phẩm, phải chế tạo xe hoạt động trong môi trường khắc nghiệt chứ không phải như các nước phương Tây, Mỹ, Nga.
“Chế tạo trong điều kiện khó khăn không có nhà máy buộc vận dụng trí não rất nhiều. Máy móc tối thiểu, sức người tối đa. Tháp pháo, thân xe, … tất cả tự chế chứ không phải như ở các nước tư bản chỉ cần đặt mặt hàng này, mặt hàng kia là có liền” – ông Hải nói.
Và thế là chiếc bọc thép mang số hiệu 77 ra đời sau 4 tháng làm việc cật lực, ròng rã của ê kíp, trong đó ông Hải là Tổng công trình sư. Sự việc lại một lần nữa thành công ngoài mong đợi.
(Còn nữa)
Phan Tử Long
Bình luận