• Zalo

Cuộc đối đầu giữa Công an Việt Nam và CIA

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 27/01/2012 06:54:00 +07:00Google News

(VTC News) – CIA đã đào tạo và thả hàng ngàn gián điệp biệt kích xuống khắp miền Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi Tây Bắc.

(VTC News) - Để ngăn chặn tiếp viện cho miền Nam và mở đường cho chiến dịch chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, ngày 11-5-1961, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh triển khai "Chiến dịch chiến tranh bí mật", thực hiện cái gọi là "đánh vào nguồn gốc xâm lược" từ Bắc Việt Nam.

Để thực hiện được “nhiệm vụ” này, “bộ não chiến tranh” (Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ, Central Intelligence Agency, viết tắt CIA) đã vào cuộc đào tạo và thả hàng ngàn gián điệp biệt kích xuống khắp miền Bắc, kể cả ngoài biển, đặc biệt là ở vùng rừng núi Tây Bắc. Thế nhưng, hầu hết đám gián điệp biệt kích nhảy dù xuống Tây Bắc đã bị lực lượng công an hốt gọn.

Có thể nói, đây là cuộc đối đầu lịch sử giữa Công an Việt Nam và CIA, và phần thắng trọn vẹn thuộc về lực lượng Công an Bắc Việt Nam.

Để dựng lại những chiến công oanh liệt này, PV VTC News đã bỏ nhiều ngày lăn lộn ở các vùng rừng núi Sơn La, gặp lại những chiến sĩ công an mà một thời khiến kẻ địch vô cùng khiếp sợ. Họ là những “hùm xám” vùng Tây Bắc.

Kỳ 1: Cuộc rèn quân để thả xuống núi rừng Bắc Việt Nam

Hoạt động gián điệp biệt kích là sản phẩm của cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ mà CIA là cơ quan chính được giao nhiệm vụ. Hoạt động gián điệp, tình báo là phương thức, thủ đoạn chẳng còn mới mẻ gì của Mỹ, nhưng tổ chức hàng loạt toán gián điệp biệt kích với phương tiện trang bị đầy đủ, liên tục tung vào địa bàn đối phương để hoạt động thì đây là một kế hoạch mới mẻ, liều lĩnh của Mỹ đối với nước ta.

Mục đích tung gián điệp sâu vào miền Bắc bằng con đường nhảy dù là nhằm xây dựng cơ sở để “đánh cộng sản từ trong lòng cộng sản”, phục vụ cho kế hoạch Bắc tiến ngông cuồng của chúng. Nhiệm vụ của các toán gián điệp biệt kích là thu thập tình báo, trực tiếp phục vụ cho các cuộc ném bom, bắn phá của không quân và hải quân Mỹ, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương ta đối với tiền tuyến miền Nam và cách mạng Lào.

Biệt kích bị bắt. Ảnh tư liệu. 

Ngoài ra, đế quốc Mỹ còn muốn thông qua cuộc “chiến tranh gián điệp biệt kích” này làm thí điểm để hòng rút kinh nghiệm đánh phá phong trào cách mạng ở một số nước trên thế giới có hoàn cảnh tương tự như ở Việt Nam.

Để phục vụ cho công việc này, đế quốc Mỹ đã chi những khoản tiền lớn và lôi một số nước đồng minh và chư hầu cùng mở địa điểm huấn luyện, đào tạo gián điệp biệt kích cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngoài trung tâm huấn luyện chính ở Bắc Mỹ còn có địa điểm ở Xcôn-răng-rê (Philippines), Tsoiying (Đài Loan), Đảo Guy-am… Đế quốc Mỹ còn dùng cả lực lượng đặc vụ, biệt kích Tưởng ở Đài Loan, gián điệp biệt kích Lào cùng phối hợp hoạt động.

Tổ chức của bọn gián điệp biệt kích được hình thành dưới cái tên “Sở liên lạc” do tên trung tá Lê Quang Tung phụ trách. Tổ chức này được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tình báo CIA từ đại tá Lên-sđên đến trung tá Tay-lo.

Cụ Điêu Văn Sáu (Cà Nàng, Quỳnh Nhai) 106 tuổi, là người biết rõ mặt nhiều tên theo Mỹ - Ngụy làm biệt kích.  

Nhiệm vụ của “Sở liên lạc” ban đầu là tuyển mộ, huấn luyện nhân viên trong Liên đội biệt động, được Lên-sđên chỉ đạo thành lập năm 1956, thành những gián điệp biệt kích rồi phân chia cho các quân khu thành từng toán khác nhau như “Lôi hổ”, “Lôi vũ”… để đánh phá phong trào cách mạng miền Nam.

Chúng tỏa đi mọi ngõ hẻm để rình bắt cán bộ, khám phá, hủy diệt hầm bí mật, theo dõi, chỉ điểm những người nghi là Việt Cộng để vây ráp, bắt bớ. Chúng đột nhập vào các địa bàn để dọn đường cho các cuộc hành quân, càn quét của địch.

Kế hoạch Stalây-Taylo ra đời, “Sở liên lạc” tiếp tục đào tạo các toán gián điệp biệt kích tung ra Bắc hoạt động. Chúng vừa đưa bọn tay sai ra nước ngoài đào tạo, vừa ráo riết mở hàng loạt địa điểm huấn luyện tại chỗ như: Trại huấn luyện Hoàng Hoa Thám, Quyết Thắng (Sài Gòn), Trịnh Minh Thế, Hùng Vương, Nam Thọ (Đà Nẵng), Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh…

Ngoài ra, còn có một số địa điểm bí mật do cố vấn Mỹ trực tiếp điều khiển như khách sạn ở phố Kỳ Đồng, biệt thự Everest phố Nguyễn Văn Tráng, biệt thự Tân Việt Nam phố Phan Thanh Giản, Sài Gòn…

Đối tượng tuyển mộ gián điệp biệt kích là những tên có “chiến tích” trong các toán thám báo hoạt động ở miền Nam, trong các đơn vị bộ binh chủ lực ngụy.

Về sau, do yêu cầu tăng thêm số lượng, chúng đến các trại tiếp cư “sưu tầm”, điều tra lý lịch, lựa chọn trong số những người di cư từ Bắc vào Nam, những kẻ can tâm sẵn sàng làm tay sai cho địch. Những người được tuyển mộ phải hiểu biết văn hóa, thông thạo địa bàn nào đó ở miền Bắc.

Sông Đà đoạn chảy qua Quỳnh Nhai, Sơn La. 

Bạc Cầm Phong, người Thái, một tên phản động được CIA tin tưởng giao phó cho việc tuyển quân. Hắn bí mật về các bản làng ở Tây Bắc, chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu để tuyển lựa người Thái, Mường, Tày, Nùng… từng là phỉ, hoạt động cho thực dân Pháp.

Hắn vào các trại tị nạn để thu nạp bọn phản động, đang sống lưu vong ở Thái Lan hoặc chạy vào miền Nam sau khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ… giao lại cho CIA đào tạo. Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ công an vùng Tây Bắc đều nắm rõ lý lịch tên này. Sau khi hắn lấy vợ họ Lù ở Mộc Châu, hắn đổi tên thành Lù Văn Phong.

Những tên lọt vào danh sách do CIA tuyển lựa thì được đào tạo khá khắc nghiệt, bài bản. Nếu không bước vào “trung tâm tàn phá sắc đẹp” ở Nha Trang thì phải trải qua “đoạn đường chiến binh khổ ải” ở trại huấn luyện Long Thành, Quyết Thắng… hoặc ngồi trong rọ sắt tập đánh nhau với cá mập dưới đáy biển Guy-am.

Tên nào sống sót sau những khóa huấn luyện đằng đẵng, khổ ải thì được về Sài Gòn lĩnh thưởng rồi sống cuộc đời xả láng trong một thời gian ngắn trước khi thực hành phận sự thừa sống thiếu chết theo lệnh của CIA.

Nhà tù Sơn La. 

Mỗi tháng, Mỹ trả cho bọn này 8.000 đồng, chưa kể phụ cấp cấp bậc và các khoản khác, trong khi đó một tên đại úy chủ lực ngụy lương mỗi tháng chỉ có 4.700 đồng. Mỹ trả lương cao như vậy cốt là để chúng quên mình lao vào nhiệm vụ.

Qua các khóa huấn luyện, mỗi tên gián điệp biệt kích đều nhuần nhuyễn nghiệp vụ như: Thu thập tình báo, cách xây dựng căn cứ mật khu, xây dựng cơ sở, cách phá hoại, biết chiến đấu trong rừng rậm, sử dụng các loại vũ khí, cách liên lạc với trung tâm và máy bay chiến đấu, chỉ điểm oanh tạc, hóa trang lẩn trốn và cả cách khai báo khi bị bắt.

Trước khi chuẩn bị vào chiến trường, mỗi tên gián điệp biệt kích mang một vỏ cuộc đời riêng, khoác tên riêng và bí số riêng do CIA quy định.

Chúng được chia ra thành từng toán, mỗi toán từ 4 tên trở lên, gồm toán trưởng, toán phó, nhân viên truyền tin, nhân viên thu thập tình báo kiêm phá hoại. Nếu thả xuống các vùng đồng bằng thì thường gồm toán người kinh, thả xuống miền núi thì gồm chủ yếu là người Thái, Nùng, Tày, Mông…

Bến Quỳnh Nhai khi đập thủy điện Sơn La chưa chặn dòng. 

Mỗi toán được trang bị đầy đủ gồm 2 máy truyền tin, sổ đặc lệnh truyền tin, máy pin-cơ liên lạc với máy bay, hỏa châu, các loại súng lục, tiểu liên, súng phóng tên lửa loại nhẹ, các loại mìn chống người, chống chiến xa, phá hoại cầu đường và các công trình kinh tế, quốc phòng, tiền ngân hàng miền Bắc, vàng, bạc, đồng hồ cùng lương thực, thực phẩm khô có thể dùng trong vài tháng.

Mỗi tên gián điệp biệt kích lại được trang bị súng giảm thanh, dao găm, bản đồ, la bàn, đèn pin, quần áo nhảy dù, giấy thông hành giả, và các đồ dùng miền Bắc để chúng dễ thâm nhập vào quần chúng và có thể hoạt động tự lập trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Để lực lượng này hoạt động có hiệu quả hơn, năm 1967, CIA chia lực lượng gián điệp biệt kích thành ba hệ thống: Hệ Oragon chuyên phụ trách các toán gián điệp biệt kích hoạt động dài hạn ở miền Bắc, với nhiệm vụ chủ yếu xây dựng cơ sở, phục vụ cho âm mưu chính trị sau này.

Bến đò Cà Càng (Quỳnh Nhai, Sơn La). 

Hệ Phòng thủ Duyên hải có nhiệm vụ dùng thuyền xâm nhập ven biển miền Bắc, nhất là các tỉnh Khu Bốn cũ, thám sát bắt cóc người trên biển, thả hàng tâm lý chiến, bắn truyền đơn từ biển vào đất liền, phá hoại hoặc chỉ điểm cho máy bay, tầu chiến bắn phá cầu cống, đường sắt, các mục tiêu quân sự trên bờ biển miền Bắc nước ta.

Hệ Strata chuyên dùng trực thăng đổ các toán gián điệp biệt kích xuống Bắc Việt Nam nhất là các vùng biên giới. Nhiệm vụ của chúng là điều tra phát hiện kho tàng, nơi cư trú của quân ta, chỉ điểm cho máy bay bắn phá, bắt cóc người đi công tác lẻ, khai thác tình báo, thậm chí điện cho trực thăng đưa về sở chỉ huy trực tiếp khai thác. Qua sơ cung nếu thấy không có tác dụng thì chúng thủ tiêu hoặc mua chuộc, khống chế làm tay sai cho chúng.

Do nhu cầu ngày ngày càng tăng của chiến trường, từ năm 1967, CIA ồ ạt bổ sung cho các đơn vị gián điệp biệt kích nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan quân chủ lực, có kinh nghiệm chiến đấu, chọn những phần tử ác ôn, hung hãn, có nhiều nợ máu với nhân dân, bọn đầu hàng, đầu thú.

Số lượng các toán cũng tăng hơn trước, nhiều toán có quân số đến 20 tên. Chúng được trang bị những vũ khí hiện đại như súng máy liên thanh cực nhanh, AK, CKC, hỏa châu, súng phóng tên lửa như: rốc két, mìn chống người, mìn chống chiến xa, các loại thuốc nổ C3, TNT, Plastie… để phá các công trình kinh tế, quốc phòng, kể cả khinh khí cầu, bẫy muông thú, các phương tiện điện đài gọn nhẹ nhưng có công suất phát sóng lớn…

Việc bổ sung nhiều tên ác ôn có nợ máu với dân tộc vào đội ngũ biệt kích, thám báo thể hiện sự ngoan cố chống đối, khả năng và kinh nghiệm đánh trả của địch lúc bị bao vây, truy lùng. Và thực tế, trong một số trận chúng dựa vào hỏa lực mạnh đã đẩy lùi được sự tiến công của những tổ công an nhỏ lẻ của ta, thậm chí khá nhiều chó nghiệp vụ của ta bị chúng tiêu diệt.

Bí thư huyện ủy Quỳnh Nhai Cầm Ngọc Minh chỉ nơi các nhóm biệt kích nhảy dù và bị tóm sống. 

Tính chất ác ôn của bọn biệt kích thể hiện rõ trong nhiều hành động đầy thú tính. Có những vụ, chúng xâm nhập biên giới, cưỡng ép đồng bào di cư sang Lào bị thất bại, chúng đang tâm bắn giết hàng loạt, kể cả những người bà con cùng dòng họ với chúng. Thậm chí, gặp cảnh đói khát lúc bị truy đuổi dài ngày trong rừng, có tên đã giết cả đồng bọn để lấy thịt, gan nấu ăn.

Từ năm 1961 đến 1966 chúng chủ yếu sử dụng máy bay vận tải cánh quạt để thả biệt kích, nhưng từ năm 1967 trở đi, chúng chuyển sang dùng trực thăng để tăng thêm yếu tố cơ động và bất ngờ trong hoạt động biệt kích, thám báo.

Căn cứ xuất phát của các toán gián điệp biệt kích được chuyển từ Long Thành, Tân Sơn Nhất ra Đà Nẵng để gần chiến trường hơn. Do vậy, việc chỉ huy, yểm trợ và thông tin liên lạc của địch nhanh chóng, gọn nhẹ và có hiệu quả hơn. Đặc biệt, các toán gián điệp biệt kích có sự yểm trợ của không quân, tầu chiến nhằm ngăn chặn lực lượng của ta tiếp cận truy lùng.

Để phá hoại được miền Bắc nhiều hơn, CIA đã cải tổ lực lượng đặc biệt ở Lào do chính CIA dựng lên từ trước và có nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ trực tiếp làm cố vấn.

Năm 1965, đi đôi với việc tăng cường và củng cố 5 quân khu của quân đội phái hữu Lào, chúng lập ra hai bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt ở Trung Lào và Nam Lào.

Tháng 5-1965, 3 lực lượng của Vàng Pao, của bọn Thái lưu vong và của quân đội phái hữu Lào được hợp nhất lại trong một tổ chức thám báo hỗn hợp, gọi tắt là SGU (Special Guerilla Unity), nhằm mục đích tăng cường xâm nhập vùng giải phóng Lào và miền Bắc nước ta để thu thập tình báo và phá hoại.

Cuối năm 1969, sau những thất bại quân sự nặng nề trên chiến trường Xiêng Khoảng, đế quốc Mỹ và tay sai tuyển chọn lực lượng SGU, tổ chức thêm một đơn vị biệt kích đặc biệt gọi là đơn vị “Cọp đen” do tên trung tướng Vàng Pao trực tiếp chỉ huy, để tăng cường hoạt động thám báo.

Đế quốc Mỹ lại câu kết với bọn phản động Thái Lan, thành lập “Trung tâm chỉ huy hỗn hợp tối cao các tổ chức gián điệp biệt kích Mỹ, Thái Lan - Lào”. Trung tâm này đóng ở U Đôn, Thái Lan.

Dưới cây gậy chỉ huy của CIA và Mỹ, bọn Ngụy cũng tổ chức mối liên hệ chặt chẽ với trung tâm SGU để thu thập thông tin tình báo. Ngoài ra, chúng còn giúp bọn phản động Lào tuyển mộ lính biệt kích thám báo trong số người Mông, người Thái lưu vong, cử cố vấn huấn luyện lính của Vàng Pao ở căn cứ Pha Khao thành gián điệp biệt kích. Trên đất Lào còn có tiểu đoàn gián điệp biệt kích 33 của Ngụy quân Sài Gòn đóng tại Huổi San, dọc đường 9.

Mỹ – Ngụy có trong tay hàng ngàn tên gián điệp biệt kích được đào tạo công phu và cả những phương án tung người. Nhưng CIA đâu chỉ hy vọng ở mấy ngàn tên gián điệp biệt kích này, mà âm mưu cơ bản của chúng là nhằm vào hàng chục vạn tên tay sai cũ của Pháp còn lẩn trốn, sống sót ở khắp miền Bắc.

Bọn gián điệp biệt kích hy vọng chỉ việc châm ngòi là chúng sẽ nổi dậy thành những cú nổ bất ngờ khiến tình thế lúc ấy sẽ xoay sang một cục diện khác: những cuộc nổi loạn lật đổ sẽ xẩy ra trên miền Bắc.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương(Bài viết sử dụng một số tư liệu của Bộ Công an)
Bình luận
vtcnews.vn