Một điều chắc chắn hiện tại là... không ai có thể chắc chắn các diễn biến nào sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng Vox cho rằng kết quả cuộc điều tra của đảng Dân chủ sẽ không thể nằm ngoài một vài kịch bản mà họ dự đoán. Một trong số đó liên quan tới việc Tổng thống Trump bị luận tội và rời nhiệm sở hoặc có thể chẳng hề hấn gì.
1. Tổng thống Trump không bị luận tội
Hạ viện cho tới nay vẫn chưa bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Trump. Nhiều người ôn hòa tại Hạ viện mới chỉ ủng hộ khởi động cuộc điều tra luận tội chứ không phải là luận tội.
Nếu đảng Dân chủ không theo đuổi tới cùng cuộc điều tra luận tội, hậu quả đầu tiên sẽ là ông Trump vẫn tại vị. Hơn thế nữa, ông Trump sẽ tận dụng cơ hội này để khẳng định mình là nạn nhân của hàng tá các "mưu hèn, kế bẩn" của đảng Dân chủ nhằm hạ thấp uy tín của ông trong mắt người Mỹ.
Các quốc gia nước ngoài cũng sẽ nhìn nhận đảng Dân chủ như một kẻ yếu đuối chỉ biết khơi mào cuộc chiến và vẫy cờ trắng khi tới cao trào.
Việc không luận tội Tổng thống Trump chắc chắn sẽ khiến nội bộ đảng Dân chủ lục đục. Đây từng là lý do mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra khi bà khuyến nghị người Dân chủ không nên theo đuổi luận tội ông Trump.
Vox cho rằng đây có thể không phải là kịch bản khả thi vì nhiều lý do nhưng cho tới khi một cuộc bỏ phiếu luận tội xảy ra, nó vẫn là một kịch bản có thể xảy ra.
2. Tổng thống Trump bị ép từ chức
Richard Nixon là Tổng thống Mỹ duy nhất buộc phải từ chức vì bê bối chính trị, nhưng ông không phải là 1 trong 2 tổng thống bị luận tội ở Hạ viện.
Thay vào đó, ông từ chức ngay trước khi bị quốc hội luận tội vì vụ Watergate. Ông hiểu rằng sự ủng hộ ở Quốc hội đã không còn. Nghiêm trọng hơn, đảng Cộng hòa và phong trào bảo thủ từng hết mực ủng hộ ông khi đó cho thấy rõ họ không bị nhấn chìm theo con thuyền Nixon.
Nixon là một người có tầm nhìn xa trông rộng. Ông quan tâm tới những thứ như tương lai chính trị lâu dài của phe bảo thủ và vị thế cá nhân của bản thân. Không rõ liệu ông Trump có cùng những nỗi lo đó hay không. Nhưng những thông tin mà đảng Dân chủ dùng để chống lại Tổng thống Trump vào thời điểm hiện tại được đánh giá là chưa "đủ đô" để nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm chấp nhận rời nhiệm sở như vụ Watergate.
Tuy nhiên, nếu cuộc điều tra tiếp tục phanh phui có bằng chứng gây sốc mới, không thể đảm bảo đảng Cộng hòa không quay lưng với Tổng thống và ông Trump sẽ lựa chọn cách đi tương tự như người tiền nhiệm.
3. Đảng Dân chủ thành công luận tội ông Trump ở Hạ viện nhưng thất bại ở Thượng Viện
Quá trình luận tội tương tự như thông qua dự luật. Trước hết, phải có 218 lá phiếu đồng ý luận tội tổng thống trong tống số 435 ghế tại Hạ viện. Đảng Dân chủ hiện nắm 235 ghế, con số này đủ để nhà lãnh đạo Mỹ phải lo ngại các điều khoản luận tội được một ủy ban trước đó phê chuẩn sẽ được thông qua ở Hạ viện.
Nếu Tổng thống Trump bị luận tội ở Hạ viện, vấn đề này sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện, nơi các thượng nghị sĩ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất Tổng thống hay không. Ông Trump sẽ bị buộc rời nhiệm sở nếu có ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thông qua việc bãi nhiệm ông. Nhưng giới quan sát tin rằng rất khó có khả năng Tổng thống bị phế truất bởi đảng Cộng hòa vẫn đang nắm tới 52/100 ghế tại Thượng viện.
Một phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump có thể sẽ diễn ra trong một căn phòng với sự hiện diện đông đảo các đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa. Sau đó có thể là một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng và cũng giống như trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1998, ông Trump được tha bổng vì không đủ 67 phiếu kết tội.
Theo Vox, đây là một trong những kịch bản khả dĩ nhất.
Kết quả này nhìn qua có vẻ là một thất bại với đảng Dân chủ nhưng nếu họ kéo thêm được những lá phiếu chống lại ông Trump từ đảng Cộng hòa trong phiên xét xử tại Thượng viện, đó là một thắng lợi nhỏ cho đảng này.
Theo truyền thống, các Tổng thống thường hiểu thấu được những người dù cùng đảng nhưng có quan điểm chính trị đi ngược với mình. Nhưng ông Trump có xu hướng đòi hỏi lòng trung thành và có ý định báo thù. Do đó nếu bất cứ lá phiếu nào trong số 52 lá phiếu của đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại ông, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc đấu đá nội bộ.
4. Đảng Cộng hòa chia rẽ và ông Trump rời văn phòng
Trong kịch bản này, những tiết lộ xung quanh vụ bê bối điện đàm sẽ đưa hệ thống chính trị trở lại mùa đông 2015-2016.
Ông Trump khi đó nổi tiếng với các cử tri Cộng hòa nhưng không quá áp đảo. Các nhà tài trợ đảng Cộng hòa lãnh đạo các tổ chức liên kết với đảng này đều tin rằng đề cử với ông Trump sẽ dẫn tới những bất ổn chính trị. Các phương tiện truyền thông bảo thủ sẽ bớt ủng hộ ông hơn.
Theo kịch bản này, ông Trump sẽ mất đi niềm tin từ công chúng tới mức ông phải chịu sự đào thải tới từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa dẫn tới việc ông bị cách chức.
Vox tin rằng kịch bản này khó xảy ra dù có thể nhiều người trong đảng Cộng hòa thích Phó Tổng thống Mike Pence hơn.
Nhưng nếu nó xảy đến, ông Trump có thể sẽ quay lại và tranh cử Tổng thống một lần nữa. Tuy nhiên, Thượng viện có thể loại bỏ một tổng thống bị luận tội ra tranh cử.
Bình luận