Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ (Uber, Grab) dường như càng ngày càng khó tháo gỡ. Động thái mới nhất là hàng loạt tài xế hãng taxi Vinasun treo băng rôn trên xe với dòng chữ “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” hoặc "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam".
Xung quanh vấn đề này, PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.
- Trong thời gian vừa qua, dư luận rất quan tâm tới việc taxi truyền thống bị lấn sân bởi Uber, Grab. Vậy, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, xin ông chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Việc Hiệp hội taxi Hà Nội cũng như TP.Hồ Chí Minh đề xuất cấm Uber, Grab xuất phát từ phản ứng của các doanh nghiệp taxi, của chính quyền địa phương từ Nam ra Bắc - nơi có nhiều hoạt động của Uber, Grab. Chứ đây không phải là chỉ riêng lái xe taxi phản ứng.
Phản ứng này không phải do sự cạnh tranh vì miếng cơm manh áo, mà là phản ứng chính sách điều hành đã tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng cho taxi truyền thống và Uber, Grab.
Khi xây dựng kế hoạch thí điểm Uber, Grab thì đã đươc cảnh báo bởi UBND, Sở giao thông các địa phương vì hai vấn đề; thứ nhất là khống chế số lượng, thứ hai phải có nhận diện, đảm bảo về mặt tiêu chuẩn.
Vấn đề là đây mới là kế hoạch thí điểm, vậy phải có số lượng, tiêu chuẩn ràng buộc đối với phương tiện, người lái... Và trong văn bản của Thủ tướng đã nêu rõ việc đảm bảo ba điều kiện khi thí điểm Uber, Grab đó là công tác thuế, cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của khách hàng.
Nhưng thực tế thì sau 18 tháng hoạt động, số lượng xe hoạt động dưới dạng Uber hay Grab đã tăng lên hơn 50.000 xe, trong khi taxi truyền thống lại bị hạn chế về số lượng.
Rồi việc quản lý thu nhập, thuế của Uber, Grab; theo ước tính thì Uber và Grab mỗi năm đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, như vậy bình quân khoảng 10 tỷ đồng mỗi ngày được chuyển ra nước ngoài - một con số không nhỏ.
Do đó, đây không phải là do cạnh tranh về lợi nhuận mà là phản ứng vì chính sách đối với hai loại hình phương tiện này. Bởi chính sách không phù hợp đã bắt buộc các doanh nghiệp taxi lên tiếng.
- Thực tế, có một số công ty taxi truyền thống hoạt động không hiệu quả, vấn nạn taxi dù vẫn còn tồn tại. Vậy theo ông, có nên loại bỏ hoàn toàn những công ty này, chỉ để lại những công ty có tiềm năng, để tập trung nhân lực, nguồn vốn để cạnh tranh với Uber và Grab không?
Trước hết, taxi mà một dịch vụ, mà đã là dịch vụ thì không thể tránh khỏi có những hạt sạn, cũng như các loại hình dịch vụ khác. Nhưng không thể dựa vào những hạt sạn này để đánh giá tổng thể.
Còn taxi dù, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, quy hoạch ở Việt Nam chưa thuận lợi cho sự hoạt động của taxi, ví dụ ở các khách sạn, bệnh viện ở nước ta không có khu đỗ riêng cho taxi.
Ở Việt Nam, chỗ đỗ taxi đang trở thành một miếng mồi ngon, như ở các bệnh viện còn có tình trạng đấu thầu chỗ đỗ taxi...
Để chấn chỉnh hoạt động của các hãng taxi truyền thống, điều cần thiết là các hãng này phải đổi mới phương thức hoạt động nhưng để làm được việc này, chính sách cho taxi truyền thống cũng phải đổi mới.
Với chính sách hiện nay, taxi truyền thống như bị trói chân, trói tay không có cách này khác để có thể đổi mới, cạnh tranh với Uber, Grab.
- Vừa qua, có trường hợp lái xe taxi đã gỡ bỏ băng rôn, khẩu hiệu phải đối Uber, Grab mà cụ thể là các xe của Vinasun, hãng này đã từ chối trách nhiệm và đổ lỗi cho các lái xe. Theo ý kiến của luật sự thì, việc dán băng rôn, khẩu hiệu là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Có thể gây hiểu lầm cho dư luận rằng Uber, Grab đang vi phạm pháp luật. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.
Đứng trên cương vị Chủ tịch của Hiệp hội Taxi Hà Nội, tôi không có ý kiến về vấn đề này, bởi đây thuộc về quyền quản lý, trách nhiệm của mỗi hãng taxi. Về vấn đề cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab thì, Hiệp hội đã có văn bản trả lời đầy đủ.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận