Thị trường

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam

Thứ Tư, 22/05/2024 06:52:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi Highlands, Phúc Long miệt mài mở cửa hàng mới thì Trung Nguyên đẩy mạnh chiến lược phát triển ở nước ngoài còn The Coffee House giảm điểm bán.

Năm 2023 có lẽ là thời điểm khẳng định ngành F&B đã qua cơn khốn khó hậu COVID-19. Các chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, Starbucks, Katinat… chạy đua không mệt mỏi để chiếm lĩnh thị phần.

Báo cáo thị trường F&B năm 2023 của iPOS.vn công bố tháng 4 vừa qua cho thấy đến hết năm 2023, số lượng quán cà phê/trà tại Việt Nam đạt 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm 2022. Mức tăng này thấp hơn dự đoán đầu năm, do nhiều chuỗi đóng bớt cửa hàng, thu hẹp quy mô. Dù số lượng cửa hàng không tăng nhiều nhưng doanh thu ngành này vẫn tăng trưởng 2 con số, với 11,6%, cán mốc 590.000 tỷ đồng.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 1

 

Nhìn thị trường F&B Việt Nam 2023 có thể thấy các chuỗi đồ uống phân khúc trung cấp, cao cấp đã trở lại cuộc đua giành thị phần gay gắt như thời điểm trước 2021. Nhộn nhịp nhất có lẽ là ông lớn Highlands và đối thủ mới nổi Katinat.

Highlands hiện vẫn giữ vững vị thế vô đối với 777 cửa hàng đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành cả nước theo cập nhật mới nhất trên website doanh nghiệp. Con số này tăng hơn 170 cửa hàng so với 605 cửa hàng cuối 2022. Ngoài ra còn hơn 50 cửa hàng tại Philippines.

Số lượng cửa hàng của Highlands không có gì lạ, khi chuỗi chọn cách định vị thương hiệu bằng tính bao phủ chứ không phát triển menu đa dạng như các đối thủ. Cũng trong 2023, một loạt cửa hàng ra mắt tại các vị trí đắc địa gây chú ý, trong đó có Highlands Bưu điện TP.HCM, vị trí vàng nằm giữa bưu điện và đường sách, có view nhìn thẳng ra Nhà thờ Đức Bà và công viên 30/4. Hai tầng rộng mênh mông của quán này luôn đông kín khách từ lúc mở cửa đến tối khuya.

Đây chính là mô hình premium hoàn chỉnh đầu tiên của chuỗi này, cũng là cửa hàng đầu tiên, duy nhất hiện phục vụ hoàn toàn bằng ly thủy tinh, không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa và sở hữu menu riêng bên cạnh các sản phẩm quen thuộc.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 2

 

Cùng với liên tiếp mở những quán view đẹp, diện tích lớn, trong năm qua, chuỗi này chính thức dừng bán cà phê take away với những chiếc xe đẩy bên đường vốn ra đời trong đại dịch COVID-19.

Tại TP.HCM, hiện các địa điểm đắc địa nhất đều có sự hiện diện của Highlands, như tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81, khu trung tâm Nhà thờ Đức Bà, Diamond Plaza, Saigon Center, Saigon Trade, Vincom Đồng Khởi, ngã tư Trần Quang Khải…

Cũng trong năm qua, chuỗi này đã đầu tư 500 tỷ đồng xây nhà máy rang cà phê tại Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất giai đoạn đầu gần 10.000 tấn cà phê/năm và nâng lên 75.000 tấn/năm trong giai đoạn tiếp theo. Đây được khẳng định là bước đi chiến lược trong cuộc đua cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu cà phê toàn cầu.

Phúc Long cũng có một năm 2023 quyết liệt mở cửa hàng sang, xịn. Khoảng hơn 25 cửa hàng flagship đã được cấp tập mở trong 6 tháng cuối năm, với mục tiêu đưa thương hiệu này thành chuỗi đồ uống lớn thứ 2 Việt Nam.

Hiện theo cập nhật trên hệ thống đến 15/5, Phúc Long đã có 157 cửa hàng và khoảng 45 ki-ốt tích hợp tại các cửa hàng Vinmart+. Trong đó, bùng nổ nhất là việc ra mắt cửa hàng Phúc Long Premium rộng đến 2.000 m2 ở Thảo Điền, TP.Thủ Đức. Đây là cửa hàng cao cấp, có khu rang xay cà phê tại chỗ và giá các món trong menu của Phúc Long Thảo Điền được định vị ngang bằng với Starbucks.

Masan tham vọng đưa Phúc Long trở thành chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn thứ hai Việt Nam trong năm nay.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 3

Phúc Long quyết liệt mở cửa hàng, với điểm nhấn là ra mắt Phúc Long Premium ở Thảo Điền.

Trung Nguyên của “vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ lại có hướng đi khác biệt so với các chuỗi trong phân khúc, dù số lượng cửa hàng không thua kém Highlands. Trên hệ thống của Trung Nguyên, cập nhật đến giữa tháng 5/2024, chuỗi này có khoảng 700 cửa hàng, bao gồm 108 cửa hàng Trung Nguyên Legend, 548 cửa hàng E Coffee và các cửa hàng ở nước ngoài.

Trong chiến lược của mình, Trung Nguyên Legend không chọn định vị bằng cách nhanh chóng nhân bản cửa hàng như Highlands, mà chọn hướng ra nước ngoài. 

Dù vậy, nếu so với cuối năm 2022, Trung Nguyên Legend chỉ có 77 cửa hàng và năm 2019 có gần 100 cửa hàng, thì chuỗi cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch COVID-19 và đang trên đà bùng nổ trở lại. 

Trung Nguyên cũng cho biết doanh nghiệp đang có kế hoạch phát triển 1.000 không gian cà phê Trung Nguyên Legend tại Trung Quốc và khoảng 100 cửa hàng tại Mỹ.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 4

 

Nhân tố gây bất ngờ nhất năm 2023 chính là chuỗi non trẻ Katinat Saigon Cafe. Từ cuối năm 2022 đến nay, Katinat say mê mở cửa hàng mới tại các vị trị vàng ở trung tâm TP.HCM. Gần như những ngã tư đường ở các khu vực đắc đỏ nhất đều có sự hiện diện của Katinat, nhiều địa điểm có Highlands là có Katinat.

Cuối năm 2023, Katinat gây chú ý khi mở cửa hàng ngay khu vực bến Bạch Đằng, Quận 1, một nơi rất được giới trẻ yêu thích và phải đặt chỗ trước trong các sự kiện lễ hội ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Có thể thấy một loạt quán tại địa chỉ vàng được chuỗi này ồ ạt mở suốt năm 2023 và đầu năm 2024 đều nằm tại trung tâm Quận 1, khu vực Thủ Thiêm, các Quận 10, Quận 3, Bình Thạnh…

Số liệu cập nhật đến giữa tháng 5, Katinat có 65 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành cả nước, trong đó nhiều nhất là TP.HCM. Các cửa hàng đều gây ấn tượng với với thiết kế màu xanh dương nổi bật, không gian rộng thoáng, sang trọng, phần lớn đều cao 2 -3 tầng.

Cuối năm 2021, Katinat chỉ là một chuỗi cà phê nhỏ với khoảng 10 cửa hàng ở TP.HCM. Với con số cửa hàng mới xuất hiện trong năm 2023, có thể thấy tốc độ mở cửa hàng của Katinat chỉ sau Highlands Coffee và Phúc Long.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 5

 

The Coffee House cũng gây bất ngờ cho thị trường trong năm 2023 nhưng ở chiều ngược lại. Chuỗi này dường như thủ thế khi số lượng cửa hàng giảm xuống. Nếu con số cuối 2022 là 155 cửa hàng, thì cập nhật trên website của doanh nghiệp đến 15/5/2024 còn 133 cửa hàng.

Còn Starbucks, đến giữa tháng 5/2024 cũng có 108 cửa hàng sau 11 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Có vẻ ông lớn đến từ Mỹ rất cân nhắc, bình tĩnh trong việc nhân rộng cửa hàng, và nhiều cửa hàng Starbucks tại các vị trí trung tâm TP.HCM phải đóng cửa.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 6

 

Theo báo cáo thị trường chuỗi các thương hiệu quán cà phê năm 2022 do Vietdata công bố, quy mô thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam ước tính khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, báo cáo thị trường F&B năm 2023 của iPOS.vn cho thấy doanh thu ngành F&B năm 2023 cán mốc 590.000 tỷ đồng, trong đó ngành đồ uống chiếm 16,52%.

Kết thúc năm 2023, báo cáo từ Masan cho biết doanh thu trung bình tháng trên mỗi cửa hàng Phúc Long là 986,79 triệu đồng và gần 33 triệu đồng/ngày, đóng góp hơn 1.535 tỷ đồng vào doanh thu năm của tập đoàn. Thực tế năm 2023, Masan tính toán Phúc Long sẽ mang về doanh thu thuần từ 2.500-3.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Masan Group, chuỗi Phúc Long đang đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận. Năm 2022, Phúc Long đạt 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả. Trong năm này, Phúc Long đứng thứ 2 về doanh thu và đứng đầu về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa, tốt nhất trong số các mảng kinh doanh của Masan.

Như vậy, Phúc Long đang chiếm khoảng 15% thị phần tỷ USD theo ước tính, và sẽ tăng lên khoảng 20% nếu đạt được mục tiêu của năm 2024.

Năm 2024, Phúc Long dự kiến mang về 1.790 – 2.170 tỷ đồng doanh thu. Chuỗi đồ uống này muốn mở 30-60 cửa hàng mới, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Phúc Long cũng sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025.

‘Cuộc chiến’ khốc liệt tranh thị phần tỷ USD của các chuỗi cà phê ở Việt Nam - 7

 

Với Highlands, số liệu của Tập đoàn Jollibee cho thấy năm 2022, doanh thu mỗi tháng trên từng cửa hàng đạt 516,89 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, một cửa hàng Highlands mang về 16,5 triệu đồng. Trong năm này, Highlands đóng góp 3% tổng doanh thu tập đoàn, tương đương khoảng 3.569 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 265 tỷ đồng.

Con số này đồng nghĩa hơn 30% thị phần của miếng bánh tỷ USD đang nằm trong tay Highlands.

Trước đó, năm 2019 – 2020, doanh thu của chuỗi này đều đạt trên 2.100 tỷ đồng. Còn năm 2021, doanh thu chỉ khoảng 1.700 tỷ đồng và lỗ 19 tỷ đồng do COVID-19.

Với Trung Nguyên, báo cáo của Vietdata cho thấy Trung Nguyên Legend có mức lợi nhuận sau thuế tương đối ổn định và doanh thu tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, doanh thu của ông lớn này bao gồm cả cà phê rang xay và các sản phẩm khác. 

Cụ thể năm 2020, doanh thu của Trung Nguyên Legend đạt hơn 4.200 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 130 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu tăng nhẹ 6% nhưng lợi nhuận sau thuế nhảy vọt 337%, đạt mức hơn 560 tỷ đồng. Đặc biệt doanh thu bùng nổ năm 2022, đạt gần 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức gần 435 tỷ đồng. 

>>>Kỳ 2: Chiếm vị trí trên đất vàng có còn là vũ khí cạnh tranh hiệu quả?

>>>Kỳ 3: Katinat trỗi dậy, cùng những thế lực mới âm thầm đe dọa Highlands, Phúc Long

Hà Linh(Thiết kế: Duy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn