Gần một tháng nay, anh L.Huy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đều chọn “xe ôm công nghệ” của Go-Viet để đến cơ quan. Anh Huy cho biết hãng này đang áp dụng chương trình đồng giá 5.000 đồng cho quãng đường dưới 8 km, mới đây có tăng lên 9.000 đồng cho một chuyến đi.
Từng sử dụng dịch vụ của Grab nhưng từ khi Uber rút khỏi Việt Nam hồi tháng 4, anh Huy nói giá cước của hãng bắt đầu đắt đỏ, nhất là khi phải di chuyển vào giờ cao điểm. Khách hàng này cho biết đây là lý do chuyển sang Go-Viet - “tân binh” mới của hãng gọi xe công nghệ Indonesia mới chính thức vào Việt Nam.
“Tuy nhiên, gần đây tôi cũng đã nhận được nhiều thông báo về các chương trình khuyến mãi của Grab. Các chương trình mà Grab tung ra rất giống về thời gian triển khai, nội dung ưu đãi, thậm chí sốc hơn cả Go-Viet đang thực hiện”, anh Huy nói.
Go-Viet nâng giá 9.000 đồng, Grab khuyến mãi 5.000 đồng/chuyến đi
Anh Huy là một trong số nhiều khách hàng nhận được thông báo của ứng dụng gọi xe công nghệ Grab về chương trình đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km (áp dụng cho dịch vụ GrabBike). Chương trình này của Grab sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 28/8.
“Tôi nghĩ Grab đang tung nhiều chiêu để bám sát đối thủ, bởi Go-Viet vừa mới tăng cước cho chương trình đồng giá lên 9.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, Grab lại cập nhật chương trình rẻ hơn Go-Viet 4.000 đồng/chuyến ngay khi hãng vừa áp dụng tăng giá cước”, khách hàng này cho biết.
Trong khi đó từ ngày 26/8, Go-Viet đã nâng mức cước đồng giá khách hàng phải trả cho mỗi chuyến đi là 9.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với trước.
Mới gia nhập thị trường TP.HCM đầu tháng 8, Go-Viet đã nhanh chóng gây chú ý với người tiêu dùng khi tung chiêu khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng cho những chuyến đi dưới 8 km có điểm đón là các quận nội thành.
Ngoài số tiền nhận được từ khách hàng, sau mỗi chuyến đi, các đối tác của Go-Viet sẽ được công ty trả thêm 25.000 đồng nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu 30.000 đồng/cuốc.
Chiêu khuyến mãi sốc của tân binh mới đã thu hút được nhiều khách hàng và tài xế, trong đó, có không ít người từng dùng ứng dụng Grab. Sự cạnh tranh về giá cước này của Go-Viet và Grab đang khiến người tiêu dùng hài lòng vì có nhiều lựa chọn hơn khi Uber rút đi, nhường lại mảng “xe ôm công nghệ” cho Grab.
“Không chỉ tôi mà một vài đồng nghiệp cũng đã chuyển sang dùng Go-Viet. Là khách hàng dĩ nhiên chúng tôi phải chọn những nơi nào có nhiều ưu đãi với mình. Grab cũng đã bắt đầu xuống nước. Cạnh tranh bao giờ cũng khiến khách hàng không phải chịu thiệt”, chị Ngọc Châu (nhân viên văn phòng, quận 1), cho hay.
Đồng loạt tăng thưởng 300.000 đồng/ngày cho tài xế
Không chỉ cạnh tranh khốc liệt trong các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, cuộc chiến giữa Go-Viet và Grab còn gay cấn trên “mặt trận” điểm thưởng nhằm thu hút tài xế.
Không hẹn mà gặp, cả hai hãng này cùng thông báo về sự thay đổi trong chương trình thưởng cho đối tác. Theo đó, mức thưởng của cả Go-Viet và Grab đều tăng mạnh lên đến 300.000 đồng/ngày nếu tài xế chạy được nhiều cuốc xe, và thời gian áp dụng cũng giống nhau, ngày 27/8.
Cụ thể, ngay từ ngày mới gia nhập, chương trình tích điểm thưởng của Go-Viet là các mốc 5-9-13 điểm tương ứng số tiền 50.000-120.000-220.000 đồng, nay được hãng thay đổi thành các mốc 10-18-28 điểm tương ứng 80.000-180.000-300.000 đồng.
Áp dụng chương trình này khá giống Go-Viet, Grab cũng đưa ra các mốc 9-13-16 điểm tương ứng 75.000-165.000-220.000 đồng. Ngay khi tân binh mới thay đổi chiến lược, Grab cũng nâng chương trình tích điểm thưởng lên một cấp cao hơn, tương ứng 10-14-18 điểm là số tiền 110.000-150.000-300.000 đồng.
Tài xế N.Tuấn (đối tác mới của hãng Go-Viet được hơn 2 tuần cho biết), hiện nay, khách hàng sử dụng ứng dụng mới này khá đông nên nếu cố gắng, hoàn toàn có thể đạt được các mốc mà hãng đưa ra.
“Với chương trình thưởng cũ của Go-Viet, mỗi cuốc xe 5.000 đồng, tôi đã nhiều lần được thưởng 220.000 đồng/ngày. Mấy bữa nay, do bận việc gia đình nên tôi không có nhiều thời gian để chạy, một vài anh em trong đội đã được thưởng rồi, do chạy vào giờ cao điểm, điểm được nhân gấp đôi”, anh Tuấn nói.
Tài xế cho biết thêm một số bạn bè là đối tác của Grab lại không suy nghĩ lạc quan về chính sách thưởng của hãng này. Họ than phiền về việc Grab áp dụng nhiều quy định phụ kèm theo rất khó như tài xế phải có tỷ lệ nhận chuyến trên 90% và điểm khách hàng đánh giá gần như tuyệt đối.
Ai đang tạm thắng trong cuộc chiến "xe ôm công nghệ"Chỉ vài ngày chính thức thử nghiệm 2 dịch vụ “xem ôm công nghệ” và giao nhận hàng tại TP.HCM, trả lời trên Reuters, CEO Madiem Makarim của Go-Jek - hãng gọi xe công nghệ Indonesia (công ty mẹ của Go-Viet), cho hay hãng đã giành được 15% thị phần tại đây.
Tháng 9, Go-Viet cũng sẽ triển khai tại Hà Nội nhưng chưa cung cấp thông tin cụ thể về các chính sách cho đối tác và khách hàng. Trong khi đó, Grab đã “rục rịch” một số chương trình khuyến mãi cho người dùng để đón đầu tân binh đến từ Indonesia này.
Theo ghi nhận của Zing.vn, hiện tài xế đồng phục màu đỏ của Go-Viet đã xuất hiện tại nhiều khu vực trung tâm và đông dân ở TP.HCM.
Góc đường Lý Tự Trọng (quận 1) là nơi có nhiều tài xế của 2 hãng Go-Viet và Grab tập trung chờ khách đặt xe. Số lượng đối tác Grab ở đây nhiều hơn hẳn Go-Viet, trung bình áo xanh lá gấp 2-3 lần áo đỏ. Tuy nhiên, cứ chốc chốc, tài xế Go-Viet lại nhận được cuốc và rồ xe đi. Trong khi đó, thời gian chờ chuyến của đối tác Grab cao hơn.
Anh T.Trung (đối tác 1 năm nay của GrabBike) cho biết, gần đây, số cuốc xe mỗi ngày có phần vơi đi nên thu nhập có phần giảm mạnh. Chỉ tay về những đối tác Grab khác, tài xế này nói cũng bấy nhiêu người có nhu cầu đi xe ôm nhưng lại có quá nhiều tài xế nên phải ngậm ngùi chịu.
"Grab và Go-Viet đều đang cạnh tranh để giữ tài xế với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lại, Go-Viet có phần lợi thế hơn vì tài xế không phải chịu chiết khấu, ít nhất là trong vài tháng. Đây là lý do nhiều tài xế cũng đã sang ứng dụng mới này", anh Trung cho hay.
Có thể thấy, cuộc đua của Grab và Go-Viet đang ngày càng gay cấn. Một hãng vừa ra một chương trình ưu đãi là ngay lập tức đối phương sẽ có những động thái tương tự, thậm chí hấp dẫn hơn.
Trong khi người mới Go-Viet tung nhiều chiêu để “làm quen”, thu hút khách hàng và tài xế mới đầu quân thì “gã khổng lồ” Grab tại thị phần Việt Nam cũng đang tìm cách “giữ chân” người dùng và đối tác của mình.
Video: Đổ xô đi làm xe ôm công nghệ, thanh niên Việt Nam được gì, mất gì?
Bình luận