Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng cao là “cuộc chiến đốt tiền” cạnh tranh khốc liệt không ít thương hiệu đã “gục ngã”.
Thương hiệu mới nhất là sàn thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu theo phương thức flash sale (bán hàng giảm giá theo đợt) Leflair. Leflair do hai thanh niên người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine thành lập tại Việt Nam năm 2015 chuyên bán hàng thời trang, mĩ phẩm, phụ kiện và sau đó mở rộng ra đồ nhà cửa nội thất, đồ dùng gia đình… Tham vọng của hai nhà sáng lập là bắt đầu khởi nghiệp tại Việt Nam sau đó mở rộng ra khu vực.
Trong khoảng thời gian kinh doanh 4 năm tại Việt Nam Leflair đạt được khoảng 120.000 khách hàng với hàng chục triệu USD doanh thu mỗi năm được cho là khá khiêm tốn trong bối cảnh làm thương mại điện tại Việt Nam hiện nay phải “đốt” rất nhiều tiền để chiếm lấy người dùng.
Leflair tuyên bố dừng hoạt động tại Việt Nam khi tổng số vốn gọi dừng lại ở con số 12 triệu USD, rất nhỏ bé so với con số hàng tỉ USD Lazada được Alibaba rót vào hay hàng trăm triệu USD mà các sàn Sendo, Tiki, Shopee được các nhà đầu tư lớn nước ngoài đầu tư.
Trước Leflair, vào những ngày cuối năm 2019, sàn thương mại điện tử của một trong những “ông lớn” của Hàn Quốc là Lotte.vn cũng đã tuyên bố đóng cửa ngừng bán hàng tại Việt Nam từ ngày 20.1.2020 và sẽ giải quyết hết các công nợ với đơn vị chủ quản, đối tác.v.v…
Lotte.vn cho dù được hậu thuẫn bởi “ông lớn” nhưng trên thực tế chỉ là một sàn thương mại điện tử tầm trung tại Việt Nam, với khoảng 30.000 mặt hàng bày bán cũng tương đối khiêm tốn với các sàn lớn thuộc nhóm “Big Four” là tiki, Sendo, Lazada, Shopee.
Cũng trong năm 2019 nhưng vào tháng 3, sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang Robins.vn đã tuyên bố ngừng hoạt động tại Việt Nam. Robins.vn thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan, vốn gốc gác là sàn Zalora.vn mua lại từ tập đoàn Rocket Internet của Thụy Điển rồi đổi tên thành Robins.
Trên thực tế, Zalora từ sau khi chuyển về Central Group đã hoạt động khá cầm chừng. Một điều thú vị là hai đồng sáng lập trang Leflair là Loic Gautier và Pierre-Antoine từng làm việc tại Zalora và sau đó rời đi rồi khởi nghiệp với Leflair.
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hầu như năm nào cũng có sàn ngừng hoạt động, đóng cửa, sáp nhập… Cuối tháng 11.2018, cái tên “bỏ cuộc chơi” chính là Vuivui.com của “ông lớn” bán lẻ số 1 Việt Nam Thế Giới Di Động.
Vuivui.com thành lập vào tháng 1.2017 đến tháng 11.2018 tuyên bố đóng cửa, chỉ tồn tại chưa đầy hai năm. Trong đó, năm 2017 doanh thu của vuivui.com chỉ đạt vỏn vẻn hơn 70 tỉ đồng, bằng 0,1% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động và kém xa kì vọng, trong khi khoản lỗ được cho là lên tới cả trăm tỉ đồng. Dù đã từng tuyên bố “không làm thương mại điện tử theo kiểu đốt tiền như hiện nay” song rõ ràng Vuivui.com đã không trụ nổi trên thị trường thương mại điện tử cạnh tranh khốc liệt khi không… “đốt tiền” như những sàn lớn khác.
Lingo.vn là thương hiệu “nạn nhân” trước đó nữa của “cuộc chiến đốt tiền” trên thị trường thương mại điện tử Việt. Trên thực tế, sàn Lingo.vn được xây dựng theo phương thức B2C (từ doanh nghiệp bán hàng đến người mua) có vốn điều lệ khoảng 100 tỉ đồng vào thời điểm tháng 3.2014.
Nhìn chung, sàn thương mại điện tử nào khi mới thành lập cũng đặt mục tiêu lớn lao trở thành số 1 Việt Nam và tồn tại lâu dài song trên thực tế kinh doanh trên thị trường đầy cạnh tranh lại khác. Đến tháng 8.2016 khi Lingo.vn âm thầm đóng cửa, số tiền đã “đốt” được cho là khoảng 150 tỉ đồng. Vào thời điểm này, những sàn như Shopee mới bước vào thị trường Việt Nam còn Tiki, Sendo cũng đang mở rộng việc gọi vốn đầu tư từ các quĩ, doanh nghiệp lớn từ nước ngoài.
Ngoài những thương hiệu lớn và vừa kể trên, “nạn nhân” của “cuộc chiến đốt tiền” trên thị trường thương mại điện tử Việt còn có nhiều sàn thương mại điện tử nhỏ như Deca.vn, Beyeu.vn vào năm 2015, 123mua.vn vào năm 2014…
Bình luận