Bất thường
Mấy ngày qua, câu chuyện “cuộc chiến vỉa hè” của TP.HCM trở thành tâm điểm dư luận. Người đồng tình, người phản đối, người cho rằng sự quyết liệt đó là cần thiết, dù còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng chung quy lại, là sự “bất thường”.
Bất thường vì sao? Đầu tiên, vì chưa có tiền lệ. Từ trước đến giờ, người ta chỉ quen với việc một vị lãnh đạo ngồi ở tòa nhà công quyền, định hướng, chỉ đạo, ra hàng tá văn bản quyết sách cho cấp dưới thực hiện, chứ đã có ai gần dân tới mức ngày ngày ra tận lòng đường, đòi lại từng viên gạch trên vỉa hè trả lại cho dân, khẳng khái tuyên bố: “Nếu không đòi lại được vỉa hè cho người đi bộ, tôi sẽ cởi áo về vườn”.
Điểm bất thường thứ hai, là “cuộc chiến” với cả một xã hội thu nhỏ vô luật pháp của vị Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải không dựa trên bất cứ loại văn bản, giấy tờ nào từ trên xuống, mà xuất phát từ chính những bức xúc tột độ của người dân tích tụ suốt nhiều năm qua.
Mất trắng vỉa hè, nơm nớp nỗi lo an toàn tính mạng, trở thành tiếng kêu của người dân từ Bắc chí Nam. Người viết tin rằng, vị lãnh đạo nào cũng nghe thấy tiếng kêu ấy, nhưng nghe thấy mà phản hồi bằng hành động, thì mới chỉ có ông Hải.
Và điều bất thường nhất, là từ bao giờ một người đại diện chính quyền lại phải ra tận ngoài đường, giành lại cho người đi bộ thứ mà lẽ ra là của họ?
Vỉa hè sinh ra nghiễm nhiên là của người đi bộ, vậy mà bao nhiêu năm nay, họ phải chấp nhận điều ngược lại. Đó là vỉa hè mặc định trở thành nơi xây cái nọ dựng cái kia theo ý thích, kinh doanh buôn bán đủ các loại tạp hóa bàn trà quán nước mồi nhậu, la liệt bãi trông giữ xe máy xe đạp ô tô… Còn người đi bộ, cứ xuống lòng đường, giữa vun vút xe cộ và thần chết mà đi.
Có thể nói, người bộ hành bị cướp đi cái quyền được đi trên vỉa hè quá lâu rồi nên người ta trở nên thờ ơ với những kẻ cướp trắng trợn ở sát nách mình, ngay đằng sau vỉa hè kia, thờ ơ với chính tính mạng của mình. Vậy nên, người Việt ở đô thị lớn dường như đã quên hẳn thói quen đi trên vỉa hè mà thay vào đó là luôn đi dưới lòng đường, ngay cả ở những nơi có vỉa hè rất thoáng đãng, rộng rãi.
Quản lý trật tự đô thị thì "không bất thường mới lạ". Và nói như một vị Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, “rất nhiều chính quyền địa phương tê liệt hoàn toàn trong quản lý trật tự đô thị”. Vậy nên việc làm của ông Phó Chủ tịch UBND Quận 1 tuy bất thường, nhưng cần thiết.
Đã đến lúc, phải có người dám đứng ra giữa búa rìu dư luận, giữa rất nhiều lợi ích cá nhân để tuyên chiến với những kẻ cướp trắng trợn mà bao nhiêu năm tưởng chừng không ai làm gì nổi.
Tác giả An Yên
Cần thiết vì sao? Vì đã đến lúc, phải có người dám đứng ra giữa búa rìu dư luận, giữa rất nhiều lợi ích cá nhân để tuyên chiến với những kẻ cướp trắng trợn mà bao nhiêu năm tưởng chừng không ai làm gì nổi.
Cần thiết còn bởi vì ông Hải là người hiểu rõ hơn ai hết, nếu làm đúng quy trình với vô số thủ tục nhiêu khê như nhiều người đang ì xèo chỉ trích, rằng phải cho quân đi kiểm tra, kiểm tra xong rồi nếu thấy sai thì ra thông báo yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ theo đúng thời hạn thì sẽ cưỡng chế…giữa một địa bàn mênh mông với tuyệt đại đa số hộ dân, cơ quan mặt phố cướp vỉa hè như vậy, thì e rằng, thêm nhiều đời lãnh đạo như ông Hải nữa cũng không thể thực hiện nổi.
Cần thêm nhiều ông Hải nữa
Rõ ràng, hiện tượng bảo kê cho việc lấn chiếm vỉa hè là có. Thậm chí, là cả hệ thống “chống lưng” cho những kẻ cướp vỉa hè, một phần lòng đường ở khắp các đô thị.
Nếu không, những kẻ ấy có ngang nhiên cơi nới, xây cất, bày biện, có lộng hành như lũ côn đồ, hành xử bằng lối “xã hội đen” thượng cẳng chân hạ cẳng tay? Có ai dám ra đứng trước những kẻ cướp mà nói chuyện phải trái, rằng vỉa hè này là của người đi bộ, phải trả lại người đi bộ?
Rồi nhân nói về lấn chiếm vỉa hè lại nhớ, cách đây mấy tháng, dư luận nổ ra cuộc tranh cãi quanh việc “thượng sỹ đánh người bán hàng rong” trên đường phố Sài Gòn.
Phe nước mắt thì lấy lý do mưu sinh bênh vực người bán hàng rong, còn những người tỉnh táo thì thấy ngay sự bênh vực ấy đáng lo ngại hơn bao giờ hết, thấy ngay mối nguy về xã hội vô luật pháp hiển hiện.
Vì từ một người thực thi pháp luật (dù có thể thiếu kiềm chế), thượng sỹ bỗng trở thành tội đồ, bị lên án dữ dội.
Một bộ phận dư luận không cần biết đúng sai, không phân biệt phải trái, lờ đi việc người bán hàng rong đã vi phạm pháp luật hiện hành, cổ vũ cho sự vô tổ chức, vô kỷ cương và mất an toàn giao thông đô thị. Một phần vỉa hè mất đi, không phải do chính những người bán hàng rong đó, thì do ai?
Đừng ca mãi bài ca thương người nghèo hay gánh nặng mưu sinh nữa, bởi cái thương đó, là cách nhanh nhất tự giết chết một xã hội văn minh và quy củ.
Có ai để ý, khách du lịch nước ngoài khi tới Việt Nam, không giấu nổi sự kinh ngạc và sợ hãi khi một chân men theo vỉa hè, một chân đặt dưới lòng đường giao thông hỗn loạn để đi.
Có ai trong số chúng ta, khi đón con tan học, khi dắt con đi dạo bộ trên phố, mỗi lần đi, là một lần thót tim lo sợ con lỡ một bước chân ra giữa lòng đường, mỗi khi tránh hàng quán xe cộ vây kín vỉa hè?...
Tính mạng của chính chúng ta, của con em chúng ta, từ lâu đã giao vào tay những kẻ đang trắng trợn cướp vỉa hè, ăn cắp một phần lòng đường.
Đó là lý do, thay vì tranh cãi, hãy ca ngợi và ủng hộ hành động của Phó Chủ tịch UBND Quận 1. Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý, chắc hẳn ông Đoàn Ngọc Hải lường trước được hậu quả, khi dám đứng lên chống lại những nghịch lý đã thành hệ thống, đã ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ của nhiều người. Nhưng biết mà vẫn dũng cảm làm, vì lợi ích của dân, thì điều đó mới thật đáng trân trọng.
Không phải chúng ta cứ nói mãi về “sự im lặng đáng sợ của người tốt” đó sao? Giờ người tốt không còn im lặng nữa rồi, thì lý do gì, mà không dám tuyên chiến với cái nhếch nhác, bẩn thỉu, mất an toàn và vô luật pháp tồn tại bao nhiêu năm nay?
Video: Ông Đoàn Ngọc Hải mạnh tay dẹp loạn vỉa hè, người dân Quận 1 nói gì?
Bình luận