• Zalo

Cuốc bộ khám phá bản đói nghèo nhất ở địa đầu Tổ quốc

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 15/03/2018 07:35:00 +07:00Google News

Người chẳng có gạo để ăn, gà lợn vứt vạ vật cũng không chịu lớn, rừng chẳng còn con thú nào, nên đến con ngóe cũng ngày một hiếm.

Kỳ 2 (Kỳ cuối): Nơi con ngóe cũng chẳng còn

Hôm đến điểm trường Ký Thì (xã Yên Cường, Bắc Mê, Hà Giang), chúng tôi vô cùng sửng sốt, khi gặp cảnh mấy chục em bé điểm trường, từ mầm non 3 tuổi đến lớp 4, đều ăn cơm không, hoặc cơm trộn ngô. Hôm đó, toàn bộ 20 em học sinh ở điểm dân cư Lùng Pảng nghỉ học, chỉ vì hôm trước trời mưa, đường trơn.

Theo cô giáo phụ trách điểm trường Phạm Thị Liên, thì điểm dân cư Lùng Pảng cách điểm trường 2-3 giờ đi bộ, nên hễ trời mưa là các con nghỉ học, bởi nếu đi đến lớp, đường trơn, thì cũng lấm lem bùn đất, ướt át hết cả. Cũng theo cô Liên, 17 hộ dân ở điểm dân cư Lùng Pảng quanh năm đói nghèo, nên các con đi học rất phập phù, giáo viên phải liên tục tìm đến động viên cha mẹ cho con cái đi học.

IMG_9940

 Bữa ăn chỉ có cơm trắng của học sinh Ký Thì.

Toàn bộ bản Ký Thì có 58 hộ dân, thì 55 thuộc hộ đói nghèo, còn 3 hộ mới được xếp vào mức cận nghèo do có 3 con bò của dự án xóa đói. Toàn bộ cư dân trong bản đều nghèo, đói, mà 17 hộ dân ở điểm dân cư Lùng Pảng lại còn nghèo hơn, thì không hiểu cuộc sống của họ thế nào. Đói rách thế thì miếng ăn còn phải sấp mặt từng ngày, nói gì chuyện đi học con chữ. Nghĩ thế, chúng tôi quyết định đi tìm điểm dân cư Lùng Pảng.

Đồng chí Giàng A Cẩm, Bí thư bản Ký Thì, cùng trưởng bản Tráng A Mèng đều là thế hệ 9x, rất nhiệt tình, năng nổ, tâm tư vì cuộc sống đồng bào, sự nghiệp học hành của học sinh, xung phong dẫn chúng tôi lên đường.

Điểm dân cư Lùng Pảng nằm tít tận gần đỉnh dãy núi Ký Thì mờ sương. Càng lên cao, nước càng ít, nên cuộc sống càng khó khăn. Nước không đủ, nên đồng bào chỉ cấy được một mùa, còn lại trồng ngô. Cứ cách một năm, lại có tuyết rươi, sương phủ trắng xóa, khiến cây rừng cũng cháy xém, cây cỏ xác xơ.

IMG_0096

 Điểm dân cư Lùng Pảng thuộc bản Ký Thì.

Ven đường là những bụi cỏ dại nở hoa, bìa rừng những cây đào thắm biếc. Rừng xanh, trời trong vắt, những bông dín tơ nở bên đá tai mèo lạnh lẽo, tạo khung cảnh nên thơ. Giữa khung cảnh ấy, là những mái nhà lợp phi-broximăng, hoặc lợp gỗ, tường liếp hoặc gỗ lên màu đen bóng, toang hoác và rách nát.

Người lớn đều đã đi nương ở rất xa. Quanh bản chỉ có vài mảnh ruộng xác xơ, khô cằn, không có nước để làm. Họ phải vào rừng sâu, tìm đến nguồn nước, chọt đất gieo hạt để mấy tháng nữa hết gạo còn có ngô để nghiền làm mèn mén ăn.

Chênh vênh đầu điểm dân cư, là ngôi nhà khá rộng rãi, nhưng tường là những tấm liếp vầu đan thưa. Trong nhà, chỉ có anh Giàng A Câu, đang ngồi nấu cơm bên bếp lửa giữa nhà.

Anh Câu nghèo quá, thi thoảng lại lên cơn co giật như động kinh, nên không lấy được vợ.  Ở tuổi 40, vẫn sống nhờ vào anh em. Ngôi nhà anh ở, cũng là nhà của em. Hôm chúng tôi lên, vợ chồng người em đi nương, mỗi anh ở nhà tự phục vụ.

IMG_0058 3

 Anh Câu ngồi phơi nắng với vết loét ở chân do bỏng.

Chúng tôi đi khắp ngôi nhà nền đất lổn nhổn bập bềnh, tìm kiếm mãi không thấy thứ gì giá trị. Cũng như 17 nóc nhà ở đây, nhà anh cũng chỉ có mấy tấm gỗ kê tạm làm giường. Màn là những vỏ chăn cũ rách cáu bẩn như nhặt ở bãi rác về, quây lại để ngăn muỗi và gió lùa ban đêm. Đấy là giường vợ chồng người em và các cháu ở. Còn giường của anh thì bập bềnh mấy miếng gỗ ngay góc vách liếp.

Chỗ chạn bát, là vài cái bát cáu bẩn. Có hai cái xoong, một cái méo mó lăn lóc góc nhà, một cái anh đang nấu cơm, dù lúc đó đã là 3 giờ chiều. Thầy Phạm Văn Thể, hiệu trưởng trường tiểu học Yên Cường 2 bảo: “Ở đây người dân không có khái niệm bữa ăn đâu nhà báo ạ. Cứ đói thì kiếm cái ăn thôi. Bao năm qua họ sống vạ vật như vậy, không có gì đổi mới hơn 100 năm trước đâu”.

Video: Ngôi nhà rách nát, nghèo đói của anh Giàng A Câu ở bản Ký Thì

Tôi mở cái nồi cơm méo mó đang sôi, lấy muôi vớt lên, thấy vón cục cơm với ngô xay. Hóa ra, anh Câu lấy cơm nguội thừa vón cục, cho thêm muôi mèn mén (bột ngô) vào nồi, đổ nước nấu cho mềm ra để ăn. Tôi hỏi: “Không có gì ăn à? Ăn cơm không à?”, anh Câu nói lơ lớ: “Ăn cơm không thôi, có cơm ăn là tốt rồi mà”.

Theo lời Bí thư Giàng A Cẩm, thì anh Giàng A Câu thuộc diện đói “bền vững”. Bản thân neo đơn, bệnh tật, lại sống nhờ người em đói nghèo nốt. Năm ngoái, cơn động kinh chợt đến, anh thả luôn hai chân vào bếp lửa, cháy xèo xèo, mùi thịt người tỏa ra khiến mấy hộ dân ngửi thấy.

IMG_0053 4

 

Không có tiền đi viện, nên chỉ dùng lá đắp vết bỏng. Một bên chân bỏng nhẹ thì đã lành, bên còn lại thì vẫn rất nặng. Tôi kéo ống quần anh Câu lên kiểm tra, thì thấy bên chân khỏi bắp chân cứ giật giật, bên chân còn lại lở loét, rỉ nước, cả bắp chân tấy đỏ sưng lên nhiễm trùng nặng. Nếu không có tiền đi viện, thì trong thời gian không xa, nhiều khả năng sẽ phải tháo khớp gối vì hoại tử.

Bí thư Giàng A Cẩm bảo: “Trường hợp anh Giàng A Câu rất đặc biệt, vừa đói vừa bệnh tật. Chúng tôi đã làm thủ tục để anh ấy được hưởng trợ cấp người neo đơn bệnh tật, nhưng mãi chưa xong vì vướng nhiều thứ lắm”.

Tôi đi khắp ngôi nhà trống hoác, lần mò tìm mãi mà không thấy thóc gạo, ngô sắn ở đâu. Mới đầu năm, mà lương thực đã hết sạch. Tôi hỏi Giàng A Câu: “Thế mấy người sống một nhà, mà sao không thấy thóc gạo đâu vậy? Thế này lấy gì mà ăn?”, Giàng A Câu lắc đầu nói lơ lớ: “Kiếm được gì trong rừng thì ăn tạm thôi. Gạo ngô hết rồi, đi vay hàng xóm”.

Nằm trên triền dốc, nhìn xuống mấy nóc nhà xa xa, là ngôi nhà nhỏ nhất và nghèo nhất bản, với cái mái phủ bằng tấm bạt xanh. Đất đai thì rộng mênh mông, rừng xanh núi đỏ, mà nhà thì bé tin hin, độ 7-8 mét vuông.

Tôi đẩy cửa liếp căn nhà bé xíu đó, thì thấy cậu bé bảnh trai đang ngồi bên bếp lửa cháy liu riu. Có lẽ, chẳng bao giờ có người lạ đến nhà, nên cậu bé cứ ngồi cắm mặt vào bếp, hỏi gì cũng không nói, như đứa trẻ tự kỷ. Đồng chí trưởng thôn Tráng A Mèng bảo, đây là nhà anh Lý A Mạnh, sinh năm 1978. Hiện anh Mạnh cùng một cậu con lên nương, không biết khi nào mới về.

Vợ chồng anh Mạnh sinh được 4 người con, cô con gái lớn đã đi lấy chồng. Hai năm trước, vợ anh trở dạ, sinh em bé thứ 4 tại nhà, thì hậu sản chết cả mẹ lẫn con. Năm vừa qua, anh vay 8 triệu để nuôi bò, nhưng bò chết, nên không biết bao giờ mới trả được nợ.

Video: Ngôi nhà bé tin hin rách nát của gia đình anh Lý A Mạnh ở bản Ký Thì

Hiện tại, trong căn nhà bé tin hin này, anh Mạnh cùng 2 đứa con trú ngụ, ngủ chung trên một cái giường bé tí tẹo, rộng độ hơn mét. Tôi trộm nghĩ, ba bố con chắc phải năm nghiêng mới đủ.

Tôi lục lọi mãi, mới thấy 2 cái bát, cùng một cái nắp cặp lồng đựng cơm bằng nhôm. Chắc cái nắp đó dùng để làm bát ăn. Nhà cũng có mỗi cái nồi rách, không hiểu nấu món ăn kiểu gì.

Trên chiếc giường với đống chăn sờn cũ, có túm gạo độ vài kg. Không rõ gạo do anh Mạnh đi làm thuê kiếm được, hay vay tạm ai. Trưởng thôn Tráng A Mèn hỏi chuyện một lúc, thì cậu bé nói mới đi chăn trâu thuê nửa tháng, được người thuê trả công cho mấy cái bánh và bộ quần áo mới, nên nhìn cậu rất bảnh chọe. Tuy nhiên, cậu bé đã nghỉ học từ đầu năm nay. Thầy Phạm Văn Thể đến bên động viên, hỏi han lý do nghỉ học, nhưng cậu bé cứ gằm mặt không nói, rồi lẩn mất tiêu.

Đi vòng quanh bản, thấy nhà cửa tiêu điều. Người lớn lên nương, còn bọn trẻ lẩn đâu hết. Phóng tầm mắt nhìn xuống khu ruộng bậc thang, thấy những cái đầu lô nhô sau những tảng đá. Chúng tôi tìm xuống, thấy mười mấy đứa trẻ đang lật đá, khênh gỗ, moi móc dưới ruộng để bắt ngóe.

IMG_0026 7

 

IMG_0032 6

 Bọn trẻ lật đá, hốc cây tìm ngóe.

Thầy Phạm Văn Thể kể, bọn trẻ học nội trú ở xã, hễ rỗi rãi là vào ruộng, xuống suối bắt ngóe để ăn. Với khách thập phương, thì ngóe treo gác bếp rán giòn, ngóe nấu măng là món ăn đặc sản, còn với bọn trẻ ở trên này, thì nó là thứ bù đắp dinh dưỡng trong những bữa ăn thiếu thịt.

Người chẳng có gạo để ăn, gà lợn vứt vạ vật cũng không chịu lớn, rừng chẳng còn con thú nào, nên đến con ngóe cũng ngày một hiếm.

Rời điểm bản Ký Thì trước khi bóng tối ập xuống, tôi cứ ám ảnh với khuôn mặt trắng hồng, đôi mắt ngây thơ đầy sung sướng của cậu bé Mông ở Lùng Pảng, khi khoe chiến tích bắt được con ngóe bằng đầu ngón tay.

Sau thời gian phát động, Báo điện tử VTC News cùng các nhà hảo tâm, đã huy động được một lượng tiền khoảng 150 triệu đồng, cùng hiện vật. Các em học sinh đã có được vài năm ăn cơm có thịt. Báo điện tử VTC News xin dừng nhận trợ giúp từ độc giả.

Video: Rơi nước mắt cảnh toàn bộ học sinh điểm trường Ký Thì ăn cơm không 

Phạm Dương Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn