Giờ đây, sinh viên còn tự tìm tòi cho mình nhiều ngón nghề “độc” vừa phát huy sở trường bản thân, vừa để thỏa niềm đam mê và kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh những nghề quen thuộc mà nhiều bạn sinh viên vẫn thường làm như phục vụ nhà hàng, quán nước, gia sư, soát vé các bãi giữ xe, sinh viên giờ đây còn tự tìm tòi và sáng tạo cho mình nhiều ngón nghề “độc” vừa phát huy được sở trường bản thân, vừa để thỏa niềm đam mê và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Từ đá bóng thuê...
Trên khắp các sân cỏ nhân tạo trên địa bàn TPHCM, nơi nào cũng thấp thoáng bóng dáng “lính đánh thuê” thực thụ. Đó là sinh viên các trường ĐH, CĐ giỏi đá bóng được các công ty, xí nghiệp hoặc chính chủ sân bóng thuê về để đá độ với các đội khác.
Sau mỗi trận đấu, các cầu thủ này được trả một khoản tiền nhất định tùy theo kết quả cũng như số tiền cá cược trong trận đấu đó. Một công đôi việc, những sinh viên này vừa thỏa mãn được niềm đam mê với trái bóng, vừa kiếm được ít đồng lo cho cuộc sống.
Nói đến đá bóng thuê, người ta sẽ nghĩ ngay đến đá bóng độ. Nhưng ở đây, cá cược hay không là nằm ở những ông chủ, những người bỏ tiền ra thuê “lính”, còn sinh viên chỉ việc đá hết mình để được nhận thù lao.
Đây là một ngón nghề lạ và độc đáo mà nhiều sinh viên đang theo đuổi. Nó gần giống như việc các cầu thủ lớn chơi ở các giải đấu chuyên nghiệp kí hợp đồng thi đấu với các CLB tên tuổi với nhưng khác ở chỗ hợp đồng của cầu thủ sinh viên chỉ “ngắn hạn”, mang tính thời vụ, có khi vỏn vẹn trong một trận “túc cầu”, rồi đường ai nấy đi.
Theo chân Cường (sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), chúng tôi đến một sân bóng đá cỏ nhân tạo bên quận 12. Cùng đi còn có ba người bạn của Cường là Trọng, Hiếu và Thời. Họ cũng là sinh viên và một số cầu thủ khác do ông chủ thuê. Cường cho biết hôm nay sẽ đá cho một công ty phế liệu bên quận 12 với số tiền cá cược 70 triệu đồng/trận nên lực lượng khá hùng hậu, cả thảy hơn 20 người.
|
Trận đấu diễn ra giằng co và kết thúc với tỷ số hòa. Đang loay hoay chuẩn bị ra về, người trọng tài bắt chính trận đấu chạy lại xin tiền “bo”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trọng tài ở đây đa số cũng là sinh viên chuyên ngành thể thao.
Mỗi trận như vậy họ được 300.000 đồng tiền lương và được thêm tiền “bo” của đội thắng. Nhóm của chúng tôi được ông chủ cho 1 triệu đồng tiền xăng. Cả nhóm ra về với vẻ tiếc nuối. Một người bạn của Cường cho biết: “Nếu trận này thắng thì ít ra mỗi người cũng được 500.000 đồng”.
Theo Cường, bình thường anh và các bạn chỉ đá cho những đội nhỏ với số tiền cá cược khoảng vài triệu đồng. Một tuần có thể đá từ 2 - 3 trận. Nếu thắng, họ sẽ được chủ cho khoảng 200.000 đồng. Còn thua chỉ được tiền uống nước.
Cường cho biết: “Nếu mỗi tháng đá đều đặn thì khoảng 8 trận. Mỗi trận cũng kiếm được một vài trăm. Vậy cũng đỡ phần nào chi phí ăn ở”.
Gia đình tương đối khó khăn, nên đối với Trọng (sinh viên Trường Thể dục Thể thao), những trận đấu như vậy luôn rất quan trọng. Vì không có cơ hội tham gia những giải đấu chuyên nghiệp nên đây là cách để anh nâng cao khả năng chơi bóng của mình. Anh luôn thi đấu hết mình để nhận càng nhiều thù lao càng tốt.
... đến bốc vác, phụ hồ, bán vé số
Vừa kết thúc môn thi cuối cùng, trong khi các bạn cùng lớp lên kế hoạch đi chơi, dã ngoại hay về quê thì anh Quân đi khắp các nhà hàng, quán cơm để xin việc. Nhưng họ đều lắc đầu từ chối.
Vốn có sức khỏe lại hay làm lụng từ nhỏ nên Quân quyết định vào chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức) để thử mình. Công việc của anh là kéo những giỏ hàng trái cây, rau củ... từ xe tải xuống chợ và ngược lại. Mỗi ngày anh phải làm từ 19 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.
Ngày lễ hay ngày rằm thì phải làm đến 3 - 4 giờ sáng mới xong. Anh Quân cho biết: “Ngày nào làm ít kiếm được 80.000 đồng, còn nếu hàng hóa nhiều - cũng kiếm thêm được chút ít, khoảng 120.000 đồng. Mình phải cố gắng làm thật nhiều để kiếm thêm thu nhập, tự lo cho bản thân”.
Quân còn cho biết, hồi năm 2010, lúc anh vừa thi xong kỳ thi ĐH, không có tiền về quê (Thanh Hóa) nên anh phải ở lại TPHCM tìm việc làm. Anh xin được vào làm bảo vệ cho một công ty nọ. Nhiệm vụ của anh là xem xét và bảo vệ kho lạnh của công ty và anh được giao làm ca đêm. Quân tâm sự: “Hồi đó mình nghĩ xin vào làm kiếm tiền thôi, đâu nghĩ mấy cái khác. Giờ nghĩ lại thấy mình dại thiệt. Lỡ mà mất đồ trong kho chắc không có tiền mà đền”.
Các khu chợ thu hút nhiều sinh viên đến làm việc |
Ngày nào cũng vậy, Tùng (quê Phú Yên) phải đến chỗ làm thật sớm, vào kho xi-măng vác một bao rồi lấy những nguyên liệu khác như cát, đá 1x2, nước để trộn hồ, bê-tông. Thợ xây tới đâu thì Tùng phải dọn dẹp đến đó. Lương cho một ngày làm việc như vậy từ 140.000 đồng đến 170.000 đồng tùy từng nơi.
Còn với sinh viên Minh Thắng (quê Phú Yên), gia đình khó khăn phải mưu sinh bằng nghề bán đậu phộng luộc kèm bán vé số. Hằng ngày anh dậy từ 4 - 5 giờ sáng để đi nhận đậu phộng luộc từ các mối, sau đó lấy vé số tại đại lý để rong ruổi khắp thành phố kiếm từng đồng, từng cắc.
Một ký đậu phộng mua giá 20.000 đồng, sau đó bán lại theo đơn vị lon, một lon 6.000 đồng và một ký có thể bán được khoảng 5 - 6 lon tùy theo từng loại đậu. Nếu bán đắt, cộng với số tiền lời từ vé số, Thắng sẽ kiếm khoảng hơn 100.000 đồng.
Nuốt nước mắt lấy con chữ
Số tiền kiếm được có thể giúp sinh viên chi trả các khoản chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian học ĐH. Tuy nhiên, nghề nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn, nguy hiểm.
Theo anh Thắng, những hôm trời mua, đậu phộng bán không được anh phải mang về đổ. Cũng có lúc Thắng nhận trúng đậu loại nhỏ, bán hết chỉ huề vốn. Còn chuyện vé số thì khó khăn hơn nhiều. Ngày nào bán đắt không nói gì, mỗi khi ế Thắng phải chạy đôn chạy đáo, bỏ cả bữa trưa để bán cho kịp giờ xổ số.
“Có lần tôi vào nhà một người phụ nữ ở quận Tân Bình, khi ra về đi được khoảng 1km thì người phụ nữ đuổi theo bảo mất trộm điện thoại. Sau khi chứng minh trong sạch, người dân gần đó cho tôi về. Vài ngày sau tôi quay lại gặp người phụ nữ đó để giải thích thì cô ta bảo tìm thấy điện thoại rồi”, anh Thắng cho biết. Trải qua những chuyện như vậy, Thắng mới cảm nhận được giá trị của những đồng tiền mình kiếm được là quan trọng biết nhường nào.
Nghề bốc vác, kéo hàng ở chợ đầu mối cũng lắm rủi ro, vất vả. Công việc đòi hỏi phải thức đêm thức hôm nên hầu như tất cả mọi phu vác đều rất mệt mỏi. Nhiều người chỉ trụ được vài ngày rồi đi. Còn việc phụ hồ cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm và sức khỏe.
Tùng kể: “Có nhiều công trình xây dựng chủ thầu thuê rất ít phụ hồ, trong khi đó thợ xây lại khá nhiều. Như vậy thì một phụ phải đảm hết việc cho khoảng 3 - 4 thợ. Nếu không biết cách hay không có sức khỏe là không tài nào làm được. Nghề này cũng nhiều rủi ro lắm, có khi đến cuối tuần mà không có lương là một số người rủ nhau “đình công” khiến cả công trường không hoạt động.
Còn nghề đá bóng thuê cũng lắm khó khăn. Nhiều lúc Cường gặp chấn thương nhưng không thể nói, vì nói ra sợ chủ không gọi đi, vậy là mất một khoản thu nhập. Cũng có lúc anh gặp phải những ông chủ keo kiệt. Đội mà bị thua là ngay cả tiền xăng đi đường cũng không có, vừa tốn công vừa tốn của.
Tuy vất vả, nhưng những sinh viên này rất vui khi họ tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình để lo cuộc sống nơi đất khách quê người.
Bình luận