• Zalo

Cục mỡ khô và miếng da trâu của thầy cô ở Tây Côn Lĩnh

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 21/11/2012 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn chế biến từ thứ mà người dưới xuôi dùng để làm giày, dây lưng, ví da, túi xách, mặt trống...

(VTC News) - Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn chế biến từ thứ mà người dưới xuôi dùng để làm giày, dây lưng, ví da, túi xách, mặt trống.


Ngày đó, thầy Lâm, cô Nhung, cô Hiệp xung phong lên đỉnh Lủng Cẩu, Phủng Cá (Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) trên dãy Tây Côn Lĩnh với khát vọng là những người đầu tiên dùng con chữ kéo đồng bào La Chí nơi này ra khỏi rừng rú hoang rậm. Đích thân Chủ tịch xã Bản Phùng Vương Hữu Sinh đã vạch rừng dẫn các thầy cô lên tận đỉnh Lủng Cẩu.

Chủ tịch Sinh chỉ hai cái “lô cốt” tường trình đất dày cả mét và bảo đó là trường học và nhà ở cho giáo viên. Nhung và Hiệp ôm nhau oà khóc nức nở, định bỏ về. Lớp học và nhà ở cho giáo viên vốn là cái chuồng nhốt trâu tránh rét của người La Chí đã bỏ không vì gió thổi bay mất mái.

Thầy cô nghỉ chân trên đường lên đỉnh Lủng Cẩu dạy học 
Ông Sinh đã huy động dân bản đóng góp tiền bạc, công sức, xuống tận thị trấn Vinh Quang mua phi-brô-ximăng rồi gùi lên lợp mái hai cái chuồng trâu thành nhà ở và lớp học. Sống ở nơi lạnh giá này chỉ có nhà tường trình đất dày cả mét là phù hợp.

Để mở được lớp, thầy cô phải mất hàng tháng trời cùng với lãnh đạo xã đến từng nhà vận động cho các em đi học. Ngày đầu dạy học, chưa đóng được phản, thầy cô phải quấn trăn nằm ngủ trên bàn học. Gạo mang theo hết, đường chợ xa xôi, không có đồ ăn, phải ăn ngô xay cùng đồng bào, rồi nướng củ dong riềng lót dạ qua bữa.

Sống trên đỉnh núi nên dù mưa nhiều vẫn thiếu nước. Mùa đông, thầy cô phải đẽo từng tảng băng đem về nấu lấy nước dùng. Nước nguội, đóng băng, lại phải đun tiếp. Mùa mưa, mưa suốt ngày, nhưng sống trên đỉnh núi nên nước cứ chảy tuột xuống thung lũng. Thầy cô lại phải cuốc bộ cả tiếng đồng hồ mới lấy được can nước, rồi kiên trì gùi về chỗ ở, dùng hết sức tiết kiệm. Nước hiếm như thế, nên một đêm ở với thầy cô giáo trên điểm trường, thương các thầy cô, tôi không đánh răng, cũng không rửa mặt.
Nhà ở của thầy cô trên bản Chúng Phùng 
Hồi chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh huyền thoại, “nóc nhà Đông Bắc Việt Nam”, tôi nghỉ đêm ở bản Túng Quá Lìn, tá túc nhờ căn nhà xiêu vẹo của các giáo viên. Tôi cứ nhớ mãi bữa cơm tối với thầy cô giáo. Cô giáo Lài thổi hoa cả mắt bếp lửa ở góc nhà mới cháy được.

Cô lôi trên gác bếp xuống một cục đen sì đen xịt bởi bồ hóng ám vào, rồi quẹt quẹt xuống cái chảo nóng cháy xèo xèo. Tôi hỏi: “Đặc sản gì đấy cô?”. Cô Lài cứ tủm tỉm cười. Hóa ra, đó là cục mỡ lợn.

Không chỉ các cô, mà thầy cô nào dạy học ở Tây Côn Lĩnh đều bó mỡ lợn kiểu đó. Ngày đó đường sá xa xôi, hiểm trở, phải đi bộ tóe máu chân, nên cứ hè hoặc Tết thầy cô mới xuống thị trấn, nên thường mua cả chục kg mỡ lợn.
Lớp học trên dãy Tây Côn Lĩnh của cô giáo Lài 
Các cô, các thầy cuộn lại, dùng lạt buộc chặt như buộc giò rồi treo lên gác bếp. Khói và khí nóng bốc lên khiến cục mỡ cô đặc lại, cứng như khúc gỗ. Cứ treo gác bếp đến khi nào khúc mỡ chuyển sang màu xanh dương thì dùng. Khi xào nấu lại mài cục mỡ lên mặt chảo nóng. Cứ treo gác bếp như vậy, để hết năm này qua năm khác cục mỡ vẫn không bị bốc mùi.

Bữa đó, tôi được thầy cô mời đặc sản toàn là rau rừng và măng tự lấy trong rừng. Cứ xào xong một món, các cô lại mài cục mỡ xuống chảo để tiếp tục xào món khác. Bữa ăn ấy tôi nhớ đến hết cuộc đời làm báo của mình.

Hôm ở bản Lủng Cẩu, tôi cũng có được một bữa ăn đáng nhớ với thầy Lâm, cô Hiệp, cô Nhung. Cô Nhung lấy một miếng da trâu trên gác bếp ám khói đen sì, còn nguyên lông.

Tôi hỏi: “Cô mua da trâu để làm giày hay da lưng vậy?”. Cô Nhung chỉ tủm tỉm cười. Thầy Lâm với con dao rựa chém phầm phập vào miếng da trâu dai nhoách thành nhiều mảnh. Thầy bảo: “Hôm nay đãi nhà báo đặc sản của người La Chí”. Hóa ra, người La Chí có món đặc sản da trâu nướng, da trâu xào, da trâu ninh nhừ…
Điểm trường Lủng Cẩu 
Người La Chí nuôi trâu rất nhiều, họ thả hoang đầy trong rừng, nhưng chỉ nuôi để thịt chứ không bán. Họ thịt trâu trong lễ cưới, cúng rừng. Họ tẩm ướp gia vị vào tấm da trâu rồi treo lên gác bếp cho khô cứng lại. Có khách quý đến, họ lấy một miếng đem nướng giòn, hoặc ngâm nước cho mềm rồi thái mỏng xào tỏi.

Người La Chí còn có đặc sản thịt chuột treo gác bếp, ngóe treo gác bếp… Các thầy cô sống với người La Chí cũng phải tập ăn những thứ đó.

Lần đầu tiên tôi được thưởng thức món ăn chế biến từ thứ mà người dưới xuôi dùng để làm giày, dây lưng, ví da, túi xách, mặt trống… Bụng đói, món lạ, nên tôi cứ tấm tắc khen ngon. Thầy Lâm, cô Nhung, cô Hiệp cứ luôn tay gắp cho tôi chén đặc sản. Nhưng chả hiểu sao, sống mũi mình cứ cay cay, nước mắt cứ chực ứa ra.
Điểm trường Lủng Cẩu 
Cách đây độ chục năm, khi đó, mới là những ngày đầu làm báo, tôi một mình phóng xe máy lên tận Hoàng Su Phì. Tôi thấy một chuyện lạ, là vào phiên chợ đám lái buôn chở cả xe tải tóp mỡ lên chợ huyện bán.

Thầy cô giáo mua cả thùng tóp mỡ đem về bản ăn và cho các em học sinh bán trú dân nuôi ăn dần, ăn quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên, mấy năm nay, quản lý thị trường cấm bán tóp mỡ, nên các thầy cô mất đi một món “đặc sản”, mặc dù cái thứ tóp mỡ đó, theo các “nhà ung thư học” thì lợi ít hại nhiều.

Những bữa cơm với các giáo viên miền núi, tôi thường uống rượu rất nhiệt tình, hết chén nọ đến chén kia, dù tửu lượng không tốt lắm. Nhưng tôi uống mãi mà không thấy say.
Lớp học ở điểm trường Túng Quá Lìn 
Tôi nhớ nhất bữa rượu suông với cô giáo Minh, đồng hương với tôi, dạy học ở tận Đồng Văn cách đây độ chục năm. Cô Minh 45 tuổi, dạy học trên núi đá đã 25 năm, không chồng, không con, không về quê Thái Bình của cô lấy một lần, vì bố mẹ cô đã chết cả.

Hôm đó sắp Tết rồi. Tết đến người ta vui, còn cô thì buồn. Tôi ngồi trước mặt cô, cô không nói gì, chỉ uống rượu. Cô uống một mạch hết 6 bát rượu ngô. Rồi cô ôm mặt ngồi khóc.

Ngày đó, ở hai điểm trường Lủng Cẩu và Phủng Cá, mỗi thầy Lâm là đã có vợ ở thị trấn, nên cuối tuần lại xuống núi về thăm vợ con. Cô Hiệp và cô Nhung vẫn chưa lấy chồng.

Hôm ăn cơm, tôi hỏi: “Khi nào hai cô định lấy chồng?”. Cô Nhung kể, một lần, cô hỏi cậu học sinh lớp 2 đã 18 tuổi của mình: “Em có lấy cô về làm vợ không?”. Cậu học sinh bảo: “Nếu cô bỏ dạy học về làm nương và phục vụ gia đình thì em mới lấy cô làm vợ”. Cô Hiệp cười vui: “Đến học sinh La Chí còn chê thì bọn em lấy đâu ra chồng?”.
Lớp học ở điểm trường Chúng Phùng 
Hai cô đều là người miền xuôi lên đây cắm bản. Sống ở đây, thấy cuộc sống đồng bào còn quá nghèo khổ, tối tăm, hai cô thầm hứa sẽ quyết tâm làm được điều gì đó thật lớn lao với những con người mà từ nhiều thế kỷ nay sống như bầy thú hoang giữa rừng rậm.

Đã có lúc cô đơn buồn chán, nghĩ đến tương lai, các cô định bỏ tất cả để về xuôi. Nhưng nghĩ lại, để gây dựng được uy tín với học sinh, với dân bản, thầy cô đã phải vất vả mấy năm nay, nên lại thấy phải có trách nhiệm với đồng bào của mình hơn.

Đồng bào La Chí ở mảnh đất rừng rú này nghĩ rằng, việc đi học là cho thầy cô chứ không phải cho bản thân họ nên họ không hào hứng cho con cái đi học.

Quan niệm từ bao đời nay của họ chỉ đơn giản rằng, đàn ông lớn lên biết săn bắn, đàn bà biết trồng cấy, phục vụ chồng con, chứ cái con chữ trừu tượng kia học để làm gì họ sao hiểu nổi.

Để các em được đến trường, thầy cô phải đến từng nhà, trèo qua từng ngọn núi, cánh rừng mà vận động đến phát khóc các gia đình mới cho con em đi học. Đó chính là lý do các thầy cô vẫn cố sống cố chết bám trụ ở giữa cánh rừng trên sống dãy Tây Côn Lĩnh này. Thầy cô mà bỏ về, liệu các thầy cô giáo khác có đủ say mê, nhiệt huyết để gây dựng lại niềm tin với đồng bào từ đầu?

Vậy mà, đã có những lứa học sinh La Chí đầu tiên rời khỏi rừng già mang gạo xuống trung tâm xã Bản Phùng học bán trú cấp hai.

Mai đây, các em về trường nội trú của huyện học, rồi có thể đi học con chữ tận Hà Nội. Cái ngày thành đạt trong đời mình, tôi chắc rằng, người đầu tiên các em nghĩ đến sẽ là thầy Lâm, cô Hiệp, cô Nhung, những người đã dùng con chữ để kéo các em ra khỏi rừng già.

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn