Cuối giờ chiều 22/10, trao đổi với báo chí , Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định, thông tin Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1) cho Việt Nam là không chính xác.
Cũng theo ông Võ Huy Cường, hiện tại, FAA mới chỉ đánh giá năng lực giám sát hàng không của nhà chức trách hàng không Việt Nam, đồng thời đưa ra khuyến cáo.
Sau bước này, Cục Hàng không mới tiến hành khắc phục các khiếm khuyết theo khuyến cáo của FAA, khi nào “cảm thấy tự tin” mới mời FAA vào đánh giá và phê chuẩn chính thức.
Cần phải nói rằng, tiêu chí tiên quyết cho việc thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ là Việt Nam phải được FAA phê chuẩn CAT1.
Trên thực tế, với các nước như Anh hay Liên minh châu Âu (EU), để chấp thuận mở đường bay, nhà chức trách hàng không chỉ đánh giá năng lực của hãng hàng không muốn mở đường bay đến lãnh thổ của mình.
Còn với Mỹ, để được bay đến đây, nhà chức trách hàng không của quốc gia đó phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như quy chế an toàn của FAA, cụ thể là phải được phê chuẩn CAT1.
Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Vietnam Airlines, hãng này đã lên kế hoạch mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với 2 địa điểm đang được cân nhắc gồm: Los Angeles hoặc San Fransisco. Với đội bay thế hệ mới A350 XWB và Boeing 787-9, trong hành trình, máy bay sẽ có 1 điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka (Nhật Bản). Tại điểm dừng này, máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn, thời gian tối đa khoảng 1 giờ và hành khách không phải xuống máy bay.
Video: Nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp hút hồn dân mạng
Được biết, hiện tại, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn chưa có xác nhận nào chính thức về việc mở đường bay đến Mỹ mà chỉ đơn thuần khẳng định “sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường này vào thời điểm thích hợp nhất”.
Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ đạt 689 nghìn khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2016 đạt 8,4%/năm. Trong đó, dung lượng khách giữa Việt Nam - Los Angeles là lớn nhất với 137 nghìn lượt khách, Việt Nam - San Francisco lớn thứ 2, đạt hơn 90 nghìn khách/năm.
Năm 2003, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Hàng không, cho phép các hãng hàng không 2 nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau 2 năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, mới chỉ có phía Mỹ hiện thực hóa hiệp định này bằng việc chỉ định hãng hàng không United Airlines mở đường bay thẳng San Fransisco - TP.HCM, quá cảnh ở Hong Kong. Đường bay này sau đó đã đóng lại vào cuối năm 2016, nhiều khả năng do thị trường chưa như mong muốn.
Bình luận