• Zalo

'Cửa sáng' nào cho truyền hình trả tiền của VNPT?

Kinh tếThứ Bảy, 19/10/2013 06:42:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng không ít dành cho MyTV của VNPT khi tham chiến thị trường truyền hình trả tiền.

(VTC News) - Cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng không ít dành cho MyTV của VNPT khi tham chiến thị trường truyền hình trả tiền.

Khi nhà mạng lấn sân truyền hình

Hiện nay thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang là "miếng bánh" hấp dẫn mà rất nhiều doanh nghiệp của cả trong và ngoài nước muốn nhảy vào chia phần. 

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương ước tính hiện có khoảng 6 triệu thuê bao và hơn 20 triệu thuê bao tiềm năng, doanh thu của thị trường này đã đạt khoảng 2 tỉ USD vào năm 2011.

Trong những năm gần đây, các nhà mạng viễn thông đã bắt đầu có ý định nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. Mặc dù gặp phải nhiều sự ngăn cản cũng như gây khó dễ từ các nhà đài kỳ cựu nhưng 2 trong số đó đã thành công là Viettel và FPT Telecom. 
Ngay trong năm 2013, cả 2 doanh nghiệp viễn thông này đều được cấp giấy phép tham gia thị trường truyền hình trả tiền.

Mytv
MyTV là cụ thể hóa tham vọng truyền hình của VNPT 
Và tất nhiên, VNPT cũng không nằm ngoài xu thế này. Từ nhiều năm nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông đã tìm đủ mọi cách nhằm xâm nhập lĩnh vực truyền hình với dịch vụ MyTV của mình. 
Sau khi ông Trần Mạnh Hùng lên nắm giữ vị trí Tổng giám đốc, VNPT càng đẩy mạnh hơn việc hiện thực hóa tham vọng này.

Mới đây, ngay tại một cuộc họp tại Bộ TT&TT, ông Hùng đã thẳng thắn đề nghị Bộ mau chóng cho phép VNPT được cung cấp dịch vụ MyTV trên hạ tầng cáp quang cũng như vệ tinh. 
Ông Hùng cho biết: Hiện MyTV đang được triển khai trên hạ tầng ADSL, trong khi đó VNPT có cả cáp quang và vệ tinh, các hạ tầng này đều có thể được tận dụng để truyền dẫn các kênh truyền hình trả tiền.

Ủng hộ ý kiến trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, ngoại trừ truyền hình số mặt đất sẽ không được cấp phép thêm thì việc doanh nghiệp viễn thông muốn tham gia thị trường truyền hình trả tiền qua hình thức cáp và vệ tinh sẽ được Bộ ưu tiên. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Viễn thông xem xét đề nghị trên của VNPT.

Nhiều khả năng đề xuất của VNPT sẽ sớm được Bộ TT&TT thông qua trong thời gian tới, khi đó với nền tảng hạ tầng vượt trội của mình, đây sẽ là đối thủ đầy nguy hiểm của các nhà đài kỳ cựu khác trong lĩnh vực truyền hình hiện tại.

Chia phần hay góp vui?

Theo số liệu thống kê, hiện VTV và các doanh nghiệp VTV tham gia góp vốn hiện chiếm lĩnh tới 70% thị phần truyền hình trả tiền. Ngoài ra còn hàng loạt những tên tuổi đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này như VTC, AVG ... vì vậy, dù cơ hội dành cho VNPT là có nhưng để thành công lại khá nhỏ.

Dịch vụ MyTV hiện được phát dưới dạng truyền hình internet (IPTV). Ưu điểm của dịch vụ này là người dùng có nhiều khả năng tùy biến như ghi lại chương trình, xem và tuy lại các đoạn đã bỏ qua... 
Ngoài ra, kho dữ liệu cho khách hàng cũng rất phong phú. Hiện MyTV đang có 90 kênh truyền hình các loại, hơn 1.000 bộ phim trực tuyến cùng 10.000 nội dung về âm nhạc.
MyTV
Bản quyền truyền hình sẽ là một trong những trở ngại lớn nhất của MyTV 
Tuy nhiên, MyTV sẽ vấp phải sự cạnh tranh đáng kể đến từ OneTV của FPT Telecom. Ngoài việc chất lượng nội dung tương tự như nhau, OneTV còn có các dịch vụ trực tuyến khác đi kèm, nếu xét về mặt này, với kinh nghiệm lâu năm của mình FPT hẳn được đánh giá cao hơn VNPT.


Ngoài ra, đối thủ sừng sỏ tiếp theo có thể liệt kê đến Viettel TV của nhà mạng Quân Đội. 
Gần đây đã xuất hiện thông tin Viettel TV sẽ đưa ra gói cước thấp nhất với chỉ 20.000 đồng/thuê bao/tháng cho dịch vụ của mình. Nếu điều này là sự thực, dịch vụ truyền hình của Viettel sẽ mau chóng thu hút được một tập khách hàng lớn nhờ giá cước cực rẻ này.

Mặt khác, chi phí bản quyền cũng đóng góp vai trò quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của các dịch vụ bước ra từ IPTV như MyTV. 
Với lợi thế là hiện đang sở hữu kho phim truyện cũng như ca nhạc quốc tế lớn, đây cũng là yếu tố chính thu hút người dùng đến với các dịch vụ dạng này.

Nhưng số lượng nội dung có bản quyền của các dịch vụ IPTV là khá ít, đặc biệt là với các bộ phim nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi được phát sóng trên truyền hình cáp hoặc vệ tinh, bài toán bản quyền sẽ chặt chẽ hơn nhiều, điều này khiến các dịch vụ IPTV không khỏi đau đầu. Bỏ tiền duy trì thì kinh phí quá lớn, không chi ra thì sẽ mất đi lợi thế đáng kể.

Bên cạnh đó, đối với phương thức truyền hình truyền thống, sự cạnh tranh trong lĩnh vực bản quyền nội dung hiện cũng đang rất căng thẳng. 
Nếu tham gia vào cuộc đua này, VNPT sẽ phải bỏ ra chi phí rất "khủng" nếu muốn dành lợi thế, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao.
Ví dụ tiêu biểu là bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, tăng từ 4 triệu USD mùa giải 2007 - 2010 lên tới 37,5 triệu USD mùa giải 2013 - 2016.

Tiềm lực tài chính cũng như cơ sở hạ tầng của VNPT là lợi thế lớn cho MyTV xâm nhập vào thị trường truyền hình trả tiền. Nhưng có thành công hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. 
Bởi vậy, thay vì chạy theo phương thức cạnh tranh truyền hình truyền thống, nếu VNPT tập trung vào thế mạnh của IPTV là các dịch vụ trực tuyến đi kèm, có lẽ "cửa sáng" vẫn còn để ngỏ cho MyTV.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn