• Zalo

“Của quý khổng lồ" ở lễ hội táo bạo nhất Việt Nam năm nay sẽ sơn màu gì?

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 11/02/2017 12:06:00 +07:00Google News

Thạc sĩ Bàn Tuấn Năng, người phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, hình dáng của tàng thinh, mặt nguyệt sẽ có chỉnh sửa.

Lễ hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội của người Tày được phục dựng từ năm 2012.

Theo tiếng Tày, Ná Nhèm có nghĩa là “mặt nhọ”, điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn.

Trong lễ hội năm 2016, có hình ảnh của tàng thinh (sinh thực khí nam) màu hồng, có chiều dài khoảng 1m, nặng 80 kg đã gây ra các ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh này rất giống với sinh thực khí ở các lễ hội bên Nhật Bản.

Trao đổi với PV, ông Bàn Tuấn Năng, Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết: “Phần lễ và hội năm nay cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, hình dáng của tàng thinh, mặt nguyệt sẽ có chỉnh sửa, chắc chắn sẽ không có màu hồng”.

leh1486771722_4288

 Hình ảnh tàng thinh từ lễ hội năm 2016

Trong lễ hội năm 2016, có một số ý kiến cho rằng tàng thinh giống với linh vật của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tạo dáng tàng thinh năm ngoái được ông và các cụ bô lão trong làng phục dựng lại mà không tham khảo linh vật của Nhật Bản.

“Năm nay, hình dáng của tàng thinh và mặt nguyệt đã được ban tổ chức chỉnh sửa so với năm ngoái. Hiện tại, tàng thinh mặt nguyệt được giữ kín và phủ một lớp vải đỏ ở đình làng Mỏ. Sau khi làm lễ xong, dân làng mới rước đến miếu Xa Vùn. Năm nay tàng thinh và mặt nguyệt sẽ không có màu hồng”, ông Năng không bật mí về màu của tàng thinh năm nay.

Theo ông Năng, tàng thinh ngày trước có hình que, bé bằng cổ chân còn mặt nguyệt được làm từ cạp thúng, có lúc từ cái mâm. Qua thời gian phục dựng, tàng thinh mặt nguyệt được thay đổi nhiều lần. Hiện nay, các bô lão trong làng cũng đã bàn thảo kỹ lưỡng và thống nhất, ngày xưa lễ hội ít người tham dự, nay có cả vạn người, lễ vật bé không ai nhìn thấy.

Trước đó, tháng 11.2016, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm” có 27 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín. Hội thảo đã chứng minh khoa học về sự tồn tại của lễ hội Ná Nhèm cách đây 50 trước, bao gồm nhiều nghi lễ độc đáo trong đó có màn rước tàng thinh mặt nguyệt. 

Theo Ban tổ chức, lễ hội Ná Nhèm 2016 thu hút 2 vạn du khách. Năm 2017 tới, dự kiến lượng khách sẽ đông khoảng gấp năm lần.

Theo lời kể của các cụ bô lão thì xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ - đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn). Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ.

Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn.

Để giết giặt, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn. Sau khi bọn giặc chết không lâu thì trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên.

Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá. Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân.

Nguồn: Hà Nguyễn (Đời sống Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn