Khu chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội xưa nay nổi tiếng là chợ đầu mối buôn vải, quần áo lớn nhất Việt Nam. Phần lớn hàng hóa ở đây có xuất xứ Trung Quốc với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú. Những ngày gần đây, nhiều chủ sạp đứng ngồi không yên vì hàng hóa đặt từ trước Tết để bán mở hàng đầu năm vẫn chưa thấy đâu do các cửa khẩu hạn chế giao thương, ngừng thông quan.
Chị Ngô Mỹ Hạnh - một chủ sạp buôn quần áo nữ tại chợ cho biết: "Các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Quảng Ninh - những đường chính hàng thời trang Trung Quốc đổ về Việt Nam - hiện hầu hết thông báo ngừng thông quan. Mỗi lần tôi sang đánh hàng đều thuê dịch vụ vận chuyển hàng về với giá 29.000 - 31.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm. Trước Tết, tôi có sang lấy gần 300 triệu đồng các mặt hàng xuân hè về để ra Tết bán mở hàng nhưng đến nay là mùng 8 rồi vẫn chưa thấy hàng đâu. Hỏi bên giao nhận họ thông báo do ngừng thông quan nên hàng chưa về được và cũng chưa biết ngày nào sẽ về được".
Để kịp có hàng cho ngày mở hàng đầu năm, chị Hạnh đã nhập hàng từ các xưởng may nội địa bù vào. Tuy nhiên, hàng gia công nội địa không được ưa chuộng như hàng Trung Quốc vì độ sắc sảo, mức độ hoàn thiện của sản phẩm và mẫu mã không phong phú bằng. "Biết tin không có nhiều hàng để lựa chọn, nhiều khách mua sỉ không sang lấy hàng, khiến rất nhiều sạp vải vắng vẻ, ế ẩm", chị Hạnh nói.
Dù không là đầu mối đổ buôn lớn, nhưng chị Hà Phương (Hà Nội) thường xuyên đánh hàng đi các tỉnh thông tin: "Hai hôm nay tôi đi đánh hàng về giao cho khách mà cả chợ hầu như không có hàng mới, chủ yếu toàn là hàng tồn từ trước Tết hoặc mẫu mã từ năm trước. Hàng ít ỏi khiến dân mua buôn như chúng tôi phải tranh nhau từng cái một. Trước đây, chỉ cần lấy hàng gì thì báo qua zalo cho chủ hàng là sẽ có nhưng hiện nay các chủ hàng cũng ngừng việc đặt hàng như vậy vì hàng hóa ít, khách phải đến lựa chọn và mua trực tiếp. Lượng hàng bán ra cho mỗi người cũng nhỏ giọt chứ không được ôm số lượng lớn như trước".
Tình trạng khan hàng cũng khiến anh Xuân Trường, chủ cửa shop thời trang trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cho nhân viên nghỉ Tết đến qua 15 âm lịch (tức qua ngày 8/2). "Thời điểm này dù mở cửa hàng cũng không có gì để bán cho khách, chủ yếu là hàng tồn trước Tết chưa sales hết. Dù đã làm việc với bên vận chuyển để có thêm thông tin nhưng có trả thêm tiền cũng không thể lấy hàng sớm hơn. Tôi quyết định cho nhân viên nghỉ ngơi thêm môt tuần chờ hàng về, một phần cũng nhằm giảm chi phí", anh Trường chia sẻ.
Không chỉ các chợ, cửa hàng trên thị trường khốn đốn vì thiếu hàng Trung Quốc, những tài khoản chuyên bán đồ Trung Quốc trên Facebook cũng không ngừng thông báo với khách lùi ngày hẹn trả hàng, đồng thời than vãn "thất thu" ngay dịp đầu năm. "Thời trang Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp, rất được khách hàng ưa chuộng. Giờ đây, nếu chuyển sang nhập hàng nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật... có thể chất lượng tốt hơn nhưng giá cả chắc chắn cao hơn, chưa chắc khách hàng đã ưng ý", chị Thu Hà thất vọng nói. Chị Hà cũng dự tính đợi đến ngày 9/2, hy vọng cửa khẩu thông quan, hàng không hoạt động trở lại thì hàng hóa sẽ về dồn dập hơn. "Muốn vậy thì dịch bệnh corona phải được kiểm soát tốt nhất", chị Hà nói.
Theo lịch đã được thông báo từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, phía Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa khẩu để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vào ngày 31/1. Tuy nhiên, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn thị Bằng Tường từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch cúm corona.
Tương tự, Ban Chỉ huy Tổ công tác lãnh đạo ứng phó phòng chống dịch bệnh huyện Hà Khẩu cũng có thông báo đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn Bắc Sơn - Hà Khẩu đến hết ngày 8/2.
Ngày 30/1, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện việc cấm người qua lại và tạm thời đóng cửa tất cả các đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới (kể cả trên bộ và trên biển); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh và Hoành Mô.
Trong khi đó, ngành hàng không cũng quyết định hạn chế và tạm ngừng khai thác nhiều đường bay Việt Nam - Trung Quốc để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách, cũng như hạn chế sự lây lan của virus corona.
Bình luận