Chiều 26/6, tại buổi tiếp xúc, 24 ý kiến của cử tri được phản ánh tới tổ ĐBQH và HĐND TP.HCM. Trong đó, chủ yếu các ý kiến liên quan đến đất đai và quy hoạch treo.
Cử tri Trương Thế Cần, phường Phước Long B (TP.HCM) bức xúc trước dự án Khu nhà ở phường Phước Long B của Công ty Hải Nhân treo 21 năm, hiện vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hoá nhưng đã phân lô bán nền đến 4 lần.
"Dự án kéo dài 21 năm thì gia đình tôi cũng chịu cảnh treo 21 năm. Đến nay dự án chưa được đền bù giá đất, chưa có thông tin gì mà chỉ là bãi cỏ. Trong khi đó, dự án phân lô bán nền 4 lần. Tôi không hiểu tại sao chính quyền không thu hồi dự án mà lại để ảnh hưởng đến người dân. Dự án cỏ mọc ngang đầu người, là ổ mầm bệnh sốt xuất huyết...", cử tri Trương Thế Cần nói.
Cử tri Nguyễn Văn Thưởng, phường Hiệp Bình Chánh (TP.HCM) nêu thực trạng về dự án công viên cây xanh đã quy hoạch treo hàng chục năm. Do vướng quy hoạch treo, nhà dân trong khu vực quy hoạch xuống cấp trầm trọng nhưng không được xây mới; đường sá, cống thoát nước hư hỏng không được sửa chữa, người dân phải hứng chịu ô nhiễm mỗi khi mưa xuống mà không được khắc phục.
Góp ý về Luật Đất đai, cử tri Trần Thị Non, phường Phước Long A (TP.HCM) cho biết từ lần đền bù đầu tiên mà cử tri này nhận là 70.000 đồng/m2. Đến lần thứ 4 là lần gần nhất, bà nhận được 3.200.000 đồng/m2.
Cử tri Trần Thị Non cho rằng giá đền bù tăng lên nhưng vẫn chưa xứng với những gì mà người dân bỏ ra. Người dân đồng thuận để Nhà nước lấy đất thực hiện các dự án quan trọng, phục vụ lợi ích chung, nhưng thời gian thực hiện dự án kéo dài quá lâu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
“Dường như tất cả các dự án đa số nằm trên giấy, thời gian thực hiện rất lâu không biết bao giờ mới thực hiện. Điều này gây khó cho người dân vì chúng tôi không thể chuyển đổi công năng, đất thì đã thu hồi, tiền đền bù lại thấp, dự án thì chưa tiến hành; không biết lấy gì để mưu sinh, lấy chỗ ở đâu để ở”, cử tri Non bức xúc nêu.
Từ đó, cử tri kiến nghị đại biểu xem xét, đặt lợi ích người dân lên trên hết, tính toán lại giá đền bù cho người dân, không thể nào đền bù cho người dân giá thấp xong treo dự án ở đó, không thể xoay sở được.
Cử tri Hồ Bá Độ, phường An Phú (TP.HCM) góp ý về việc cải cách tiền lương. Theo cử tri, tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cũng đề cập đến nội dung này và đây là nội dung cần phải làm sớm.
“Một cán bộ, công chức tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, ở thành phố rất khó sống, còn phải nuôi gia đình, con cái học hành. So với một số nước trong khu vực, lương cán bộ, công chức ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều”, cử tri nêu ý kiến.
Cử tri Vũ Văn Thiết, phường Trường Thọ băn khoăn về giá điện. Theo cử tri, quy luật hiện nay là giá điện chỉ có tăng dần, không dừng lại, không giảm xuống. Trong khi đó, xăng dầu cũng là mặt hàng chiến lược nhưng được điều chỉnh, có khi tăng, có khi giảm.
“Giá điện xây dựng trên cơ sở nào, căn cứ nào?”, cử tri nêu. Ông đề xuất cần có cơ quan chuyên trách không thuộc ngành điện để xác định giá điện và công khai đầy đủ giá thành, chi phí…
Lắng nghe ý kiến của cử tri, ĐBQH Vũ Hải Quân cho biết, tổ ĐBQH ghi nhận và phân loại 24 ý kiến thành 4 nhóm gồm: Góp ý các dự án luật; đóng góp sự phát triển chung của TP.HCM; vấn đề đất đai, quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tiếp công dân.
Thời gian qua, khi phát hiện và xử lý các sai phạm ở lĩnh vực đất đai, đấu thầu, các cơ quan chức năng đã sửa đổi các luật liên quan. Ba bộ luật được sửa đổi để có được sự đồng bộ trong quá trình thực hiện, gồm Luật Đất đai, Luật Giao dịch bất động sản và Luật Nhà ở, hạn chế tối đa các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến câu chuyện đất đai.
Ông Vũ Hải Quân cam kết sẽ chuyển các ý kiến này đến đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và HĐND TP.HCM.
Bình luận