Ngày 26/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri tại Đơn vị 3 (quận 5, quận 8 và quận 11) ở Hội trường Trung tâm Chính trị quận 11. Cử tri đã nêu ra nhiều vấn đề cũng như đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho các đại biểu.
Cử tri Nguyễn Đỗ Hồng (ngụ phường 7, quận 5) cho rằng, việc liên tục thay đổi giấy tờ tùy thân trong thời gian ngắn chứng tỏ các đơn vị liên quan đã nghiên cứu chưa thật sự nghiêm túc nên đề xuất vội vàng.
Ông Hồng cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì rất có thể việc thay đổi giấy tờ tùy thân sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống người dân. Trước đó, ngày 22/6, góp ý dự thảo luật Căn cước công dân sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn, không đồng tình với đề xuất đổi tên luật Căn cước công dân thành luật Căn cước cũng như đổi tên thẻ căn cước công dân hiện nay thành thẻ căn cước.
Còn cử tri Đinh Hữu Tài (ngụ phường 4, quận 5) cho hay, hiện nay, các sản phẩm văn hóa đồi trụy đang được phát tán tràn làn trên thị trường làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các hoạt động văn hóa độc hại được phát tán rộng rãi qua không gian mạng, phim ảnh, tạp chí…
Cử tri này kiến nghị, phim ảnh trước khi trình chiếu cần được thẩm định, xét duyệt kỹ lưỡng. Lực lượng chức năng phải kiểm tra thường xuyên các sản phẩm văn hóa kinh doanh trên thị trường. Không chỉ có thế, hiện nay, nhiều trang mạng với nội dung xuyên tạc, chống phá cũng đăng tải các nội dung xấu độc, vu khống nhưng không bị kiểm soát, gây bức xúc cho Đảng viên, nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng - Viện trưởng Viện KSND Tối cao chia sẻ, về vấn đề căn cước công dân thay đổi liên tục, đại biểu Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ báo cáo vấn đề này với các đơn vị liên quan.
Đối với vấn đề văn hóa độc hại được phát tán tràn lan trên không gian mạng cũng như tội phạm trên không gian mạng gia tăng, ông Trí cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước phát triển cũng đang “đau đầu” với loại hình tội phạm này. Nhà nước đang hoàn thiện, bổ sung các hệ thống pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ, kịp thời đối mặt với các diễn biến mới.
“Cơ quan chức năng sẽ tăng cường phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời để răn đe các đối tượng phạm tội. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các chính sách pháp luật để tránh những hành vi sai trái, không đúng quy định”, ông Trí nói.
Bình luận