Giống như ông Cường, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) lại thường được biết đến với các vụ lùm xùm nhiều hơn là hoạt động kinh doanh.
Không thể phủ nhận sự nổi danh của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) có phần đóng góp rất lớn của ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh "Cường đô la"), Phó Tổng Giám đốc kiêm người công bố thông tin, mặc cho những thông tin về ông chỉ xoay quanh các vấn đề như siêu xe, người đẹp chân dài chứ hiếm khi là các thông tin về kinh doanh.
Cần nói thêm, dù đảm nhiệm vị trí người công bố thông tin, nhưng ông Cường lại hiếm khi phát ngôn trước báo giới về hoạt động kinh doanh của Công ty. Người thực sự đứng ra giải quyết các vụ khiếu nại, trả lời báo chí là bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc QCG, cũng là mẹ của ông Cường. Sự nổi danh của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) có phần đóng góp rất lớn của ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh "Cường đô la")
Tuy nhiên, giống như ông Cường, QCG lại thường được biết đến với các vụ lùm xùm nhiều hơn là hoạt động kinh doanh.
>> Xem thêm thú chơi siêu xe bậc nhất Việt Nam của Cường đô la
Ngay sau khi lên sàn vài tháng, cuối năm 2010 QCG đã làm nhà đầu tư ngạc nhiên với việc tăng vốn điều lệ lên hơn 1.200 tỉ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Việc tăng vốn được tiến hành thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông và nhân viên với giá ưu đãi. Tuy vậy, chỉ có cổ phiếu cho nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Sau đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm sau soát xét của kiểm toán đã tăng đột biến lên gần 4 lần. Thế nhưng, nhân viên Công ty lại “chê” không mua gần 40% cổ phiếu phát hành mới cho nhân viên.
Qua thời gian, nhà đầu tư trở nên vô cảm với các thông tin về Công ty, từ những vụ tranh chấp với khách hàng ở Chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (TP.HCM), Khu Dân cư Trung Nghĩa (Đà Nẵng) cho đến việc tặng hàng tỉ đồng cổ phiếu của Chủ tịch Công ty.
Thậm chí, trước những thông tin rất nhạy cảm về việc thanh toán tiền mua nhà của khách hàng (khách hàng thanh toán tiền mua nhà vào 2 tài khoản, một của Công ty và một của Giám đốc) cũng không thu hút bằng việc ông Cường khoe siêu xe triệu đô.
Sau khi huy động được hơn 1.000 tỉ đồng từ cổ đông vào năm 2010, QCG còn huy động được thêm cả trăm tỉ đồng trái phiếu. Có vốn, QCG đã đầu tư chủ yếu vào bất động sản. Mặc dù năm 2010, thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện khó khăn, nhưng Công ty vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường này.
Cần nói thêm, QCG là một công ty đa ngành với các mảng như kinh doanh gỗ, thủy điện, cao su, bất động sản. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là mảng chính, chiếm tới 90% tổng doanh thu của Công ty (năm 2010).
Theo kế hoạch, 13/15 dự án tạo nguồn tiền cho QCG trong giai đoạn 2011-2013 là dự án bất động sản trung và cao cấp. Đây lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. Nghĩa là QCG đã bỏ toàn bộ trứng vào giỏ bất động sản.
Dự án bất động sản lớn nhất và tiêu biểu nhất của QCG là dự án Phước Kiểng, hiện chiếm hơn 50% lượng hàng tồn kho của Công ty. Có tổng diện tích 93,44 ha nằm gần Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng, theo kế hoạch Công ty sẽ xây dựng tại đây một khu phức hợp cao cấp gồm biệt thự, nhà phố và chung cư. Công ty dự kiến dự án này sẽ bắt đầu thu được tiền từ năm 2011, tạo ra hơn 7.000 tỉ đồng lợi nhuận.Thế nhưng, cho đến cuối năm ngoái, Dự án vẫn mới chỉ dừng ở khâu san lấp mặt bằng.
Hơn 3.000 tỉ đồng đã được đầu tư cho các dự án bất động sản nhưng QCG vẫn cần thêm rất nhiều tiền. Vừa qua, Công ty đã lên kế hoạch huy động thêm 1.000 tỉ đồng chỉ để đầu tư vào dự án Phước Kiểng. Ngoài ra, còn cần cả trăm tỉ đồng để thanh toán nợ vay đáo hạn trong năm nay.
Vậy tiền sẽ từ đâu ra trong khi QCG đang thiếu tiền mặt trầm trọng? Có thể thấy, doanh thu của Công ty đã giảm trong 3 tháng liên tiếp. Dòng tiền hoạt động chỉ được cải thiện nhờ việc tăng cường thu hồi nợ phải thu và giãn các khoản phải trả. Nhìn lại quá khứ, QCG cũng không có thói quen tạo tiền từ hoạt động kinh doanh mà chỉ quen với việc huy động vốn.
Trong 3 năm qua, Công ty chưa bao giờ có dòng tiền dương từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, dòng tiền từ đầu tư của doanh nghiệp này cũng hiếm khi được cải thiện. Phần lớn nguồn tiền đều đến từ việc phát hành cổ phiếu (năm 2010) và đi vay.
Theo kế hoạch, ngoài bất động sản, QCG còn có nguồn tiền từ thủy điện và cao su. Tuy nhiên, dự án thủy điện đầu tiên, Lagari 1, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011 thì phải đến nửa cuối năm nay mới bắt đầu vận hành. Còn cao su phải tới năm 2013 mới bắt đầu cạo lấy mủ.
Vay vốn nhiều, hàng hóa khó tiêu thụ do thị trường bất động sản đóng băng. Điều này đã đẩy QCG vào thế khó. Trước mắt, bà Loan, QCG, cho biết sẽ chuyển nhượng một số dự án bất động sản và chỉ vay vốn để hoàn thiện những dự án còn dở dang.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Bình luận