Việt Nam vừa được World Bank tài trợ 120 triệu USD để cải thiện hệ thống cấp thoát nước; giá cước vận chuyển "đội" giá củ đậu từ quê lên Thủ đô gấp 10 lần và công nghệ phù phép rượu ta thành rượu tây nhờ nước tạo màu kho cá.
Cà Mau làm giàu nhờ mô hình "nuôi tôm lót bạt"
Trong khi hàng nghìn hộ nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau phải chịu cảnh thua lỗ, nhiều nông dân khác đã mạnh dạn đầu tư sang mô hình nuôi tôm lót bạt trên ao nhỏ, cho năng suất trên dưới 120 tấn một ha mỗi năm.
Các hộ nuôi theo mô hình này cho biết, mỗi ao chỉ cần diện tích khoảng 200m2, giảm chi phí hơn 50% so với mô hình nuôi tôm công nghiệp, trong khi tỷ lệ tôm sống đạt gần như 100%. Quân bình mỗi vụ tôm, người nuôi thu về vài chục đến cả trăm triệu đồng tiền lãi, sau khi đã trừ chi phí.
Để có 1.000m2 nhà lưới, người nuôi chỉ cần vốn đầu tư vài chục triệu đồng, nhưng tuổi thọ sử dụng được khoảng 6 năm. Tuy nhiên, hầu hết bà con chỉ cần hai năm đã hoàn được vốn.
Ngành nông nghiệp địa phương cho biết, đáy ao được lót bạt, sục ôxy sẽ hút được chất bẩn gây hại cho con tôm. Con giống sau khi thả nuôi gần một tháng đạt trọng lượng 700 con một kg sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm (ao nền đất), giúp tôm lớn nhanh, kháng được dịch bệnh. Trước khi nuôi tôm thương phẩm, tôm giống được ương trong ao, che chắn kỹ bằng lưới lan phủ bên trên và tôn chắn xung quanh để đảm bảo nhiệt độ, giảm sự tác động của thời tiết đến tôm giống.
Theo ông Châu Công Bằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau: “Mô hình dùng bạt lót đáy ao đang được bà con chú ý nhân rộng, bởi nó ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi, giúp năng suất tăng cao”.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng, mô hình nuôi tôm lót bạt có năng suất khoảng 100-120 tấn một ha mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với tôm công nghiệp thông thường.
Củ đậu ở quê giá 5.000 đồng, lên Hà Nội giá 50.000 đồng
Trong Nghị quyết 35 về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa mới ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, rà soát giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có phí BOT.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tất cả các khoản phí, trong đó có phí BOT cần được tính toán và minh bạch. Người dân, doanh nghiệp và xã hội có quyền yêu cầu buộc các chủ đầu tư BOT phải tường minh vì phí giao thông ảnh hưởng đến từng lạng thịt, cân gạo trong cuộc sống hàng ngày.
“Củ đậu quê tôi bán có 5.000 đồng/kg, lên tới Hà Nội thì giá tới 50.000 đồng. Mà đâu có xa, cách Hà Nội có 120km. Tất nhiên giá tăng không chỉ bởi chi phí giao thông nhưng trong đó có nguyên nhân giá cước vận chuyển của chúng ta vẫn còn cao”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, nguyên lý để cấu thành phí giao thông không chỉ dừng lại ở giá thành công trình, nó còn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông, tức là số người sử dụng dịch vụ đó. Con số này cần minh bạch bởi vì nó liên quan đến mức phí và thời gian thu phí.
Về việc thu phí BOT, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chia sẻ thêm: Ngoài việc tính đúng, tính đủ để hài hòa lợi ích các bên, cần phải có công cụ giám sát chặt chẽ, tránh gian lận, phải khẩn trương phát triển công cụ thu phí không dừng. Công cụ này ngoài giúp giảm ùn tắc, giúp biết chính xác phí thu được bao nhiêu, giảm thời gian thu, từ đó đánh giá đúng dự án, giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, cơ quan báo chí cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong vấn đề giám sát sự minh bạch trong thu phí BOT. Chỉ cần một vài vụ gian lận được làm sáng tỏ và đưa ra dư luận, ông Hà tin tình hình sẽ cải thiện rất nhiều.
Việt Nam vay World Bank gần 120 triệu USD để xử lý cấp thoát nước
Ban Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa duyệt khoản tài chính bổ sung trị giá 119 triệu USD cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Việt Nam.
Khoản này chủ yếu sẽ được sử dụng cho một tiểu dự án xử lý nước thải và thoát nước tại Bình Dương. Nó cũng dùng để bù đắp chi phí do USD mạnh lên, và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ xây dựng khi chuẩn bị một dự án mới về cấp nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Hệ thống cấp nước hứa hẹn sẽ được cải thiện sau khi Việt Nam vay WB 120 triệu USD |
Với khoản tài trợ này, hơn 65.800 hộ gia đình sẽ được tiếp cận nước sạch. Hơn 312.000 cư dân thành thị sẽ hưởng lợi nhờ vệ sinh môi trường được cải thiện.
Ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Chúng tôi rất vui khi khoản tài trợ bổ sung được Ban Giám đốc phê duyệt. Với khoản này, những thành tựu trong dự án ban đầu sẽ được củng cố và duy trì. Thêm nhiều người dân ở Bình Dương, miền Nam Việt Nam sẽ có hệ thống xử lý nước thải và thoát nước tốt hơn".
Khoản tài trợ bổ sung bao gồm một khoản tín dụng trị giá 50 triệu USD từ IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) - chuyên cấp vốn ưu đãi cho các nước có thu nhập thấp, và một khoản vay trị giá 69 triệu USD từ IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) - chuyên cho vay các nước có thu nhập trung bình.
Dự án ban đầu được World Bank phê duyệt vào tháng 5/2011 và đã tài trợ cho 7 tiểu dự án cấp nước, xử lý nước thải ở 10 tỉnh.
Rượu ta pha màu kho cá hóa rượu tây vào quán bar, nhà hàng
Ngày 27/5, Công An TX.Dĩ An (Bình Dương) đã quyết định tạm giữ hình sự Bùi Văn Hoài (26 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi sản xuất hàng giả.
Theo điều tra, từ khoảng tháng 4/2016, các trinh sát phát hiện Hoài thuê nhà ở khu phố Thống Nhất (P.Dĩ An, TX.Dĩ An) để pha chế rượu và mang đi bán.Qua theo dõi, khoảng gần 19 giờ ngày 20/5, Hoài chở 1 thùng giấy bên trong có 15 chai rượu Ballantines mang về căn nhà thuê để pha chế rượu.
Ngay sau đó, công an tiến hành khám xét khẩn cấp nơi Hoài thuê ở, thu giữ được nhiều dụng cụ đóng nắp chai, tem nhãn của các loại rượu: Chivas, Henessey, Martin… và hàng trăm vỏ chai cái loại.
Công nghệ pha chế rượu tây bằng rượu ta và nước kho cá
Hoài khai nhận cùng với một đối tượng khác (chưa xác định lai lịch) mua những chai rượu Ballantines rẻ tiền (200.000 đồng/chai) rồi mang về pha chế với rượu Vodka, nước màu kho cá để cho ra các loại rượu Chivas 12 và 18, Henessey, Martin… rồi mang bán cho các nhà hàng, quán bar. Và gần đây nhất Hoài đã bán 40 chai rượu Chivas 12 cho một quán bar ở P.Đông Hòa (TX.Dĩ An).
|
Công nghệ pha chế rượu tây bằng rượu ta và nước kho cá |
Trước đó, vào tháng 1/2016, Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức, TP.HCM cũng đã phát giác một cơ sở sản xuất rượu Chivas giả với công nghệ dùng rượu rẻ tiền pha tạp với nước tạo màu cá kho ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, sau đó những chai rượu này được đem bán lại cho các quán bar nhà hàng với giá 190.000 đồng/chai.
Tiệp Tiệp(tổng hợp)
Bình luận