Sau khi cô con gái với người chồng thứ 2 mất vì căn bệnh ung thư máu quái ác, bà Nguyễn Thị Hiền (hiện trú tại tổ 17, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) sống với người con nuôi. Tuy nhiên, người con nuôi này bệnh tật đầy mình, không có sức khỏe, nên không làm lụng được gì giúp bà. Hàng ngày, bà vẫn phải gồng gánh bánh trưng, bánh xèo khắp các ngõ ngách, phố xá Hà Giang để kiếm sống, nuôi người con bệnh tật.
Người con trai của bà Hiền với chồng thứ ba là Nguyễn Văn Tr. đã lấy vợ, rồi về Tuyên Quang lập nghiệp. Ông này sinh hai cậu con trai. Con cái tuy không quá thành đạt, nhưng cũng có nghề nghiệp ổn định, nhà cao cửa rộng ở TP. Tuyên Quang. Dù cuộc sống khá giả, song chưa một ngày ông quan tâm đến bà mẹ già và người em bệnh tật, sống lay lắt ở Hà Giang.
Bà Hiền đau lòng khi kể về người con trai và con dâu. |
Để điều trị bệnh tật cho người con nuôi, bà Hiền phải bán căn nhà rách nát ở Hà Giang. Nhưng kết cục, con chết, còn bà trở thành vô gia cư.
Không còn nhà cửa, sức khỏe lại quá yếu, ai cũng động viên bà về Tuyên Quang ở với người con út, là ông Nguyễn Văn Tr., để vợ chồng ông cùng hai đứa cháu nội chăm sóc, nuôi dưỡng. Vậy là bà Hiền bắt xe về Tuyên Quang.
Thế nhưng, ở với con trai được 30 ngày, thì đủ 30 ngày bà ôm mặt khóc. Người con dâu cứ đá thúng đụng nia, luôn miệng xỉ vả mẹ chồng.
Bà Hiền rưng rưng nước mắt: “Hồi con gái tôi chết, Nhà nước cho tôi tiền tuất, được 330 ngàn đồng. Bà con dâu hỏi tiền đâu, để đóng tiền ăn với vợ chồng bà ấy. Tôi bảo tiền đó chữa bệnh cho con nuôi và tiêu pha hết rồi. Thế là bà ấy đay nghiến tôi, bảo tôi ăn cả tiền của người chết. Bà ấy nói thế thì tôi biết nói thế nào nữa, đau như cắt ruột”.
86 tuổi, bà Hiền vẫn phải tự lo cho cuộc sống của mình. |
Rồi bà kể về người con trai, mà bà gọi là “ông” của bà: “Tính tôi ít nói, nên vợ ông ấy đay nghiến, tôi cũng nhịn. Nhưng bà ấy chửi tôi nhiều quá, nuốt miếng cơm mà thấy nghẹn ở họng, nên có lần tôi nói với ông con trai. Tưởng ông ấy thương mẹ mà góp ý với vợ, ai ngờ, ông ấy bảo là tuy tôi đẻ ra ông ấy, nhưng ông ấy phải tự thân kiếm sống, tự thân lấy vợ, nuôi con, tôi không giúp được gì, nên giờ đừng có mà đòi hỏi, kêu ca, cho gì thì ăn thế, tốt nhất là im miệng”.
Không chịu nổi sự sỉ nhục của người con trai và con dâu, bà Hiền lọ mọ bắt xe quay trở về Hà Giang. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà dậy rất sớm đi lấy bánh trái, rồi quẩy gánh hàng rong lang thang khắp các ngõ ngách của thị xã rao bán. Ngày bán hàng, đêm kiếm xó chợ ngủ cùng những người ăn mày. Bữa nào tự kiếm được tiền thì có đồ ăn, không kiếm được thì xin ăn hàng xóm, những người thân quen.
Thấy cảnh bà già gần 80 tuổi lang thang, vạ vật đầu đường xó chợ kiếm sống bao nhiêu năm nay, nên chính quyền phường sở tại cho bà mượn mảnh đất hoang sau đài truyền thanh thị xã, rồi mỗi người góp một ít, dựng tạm cho bà một căn liều nhỏ xíu để bà có chỗ chui ra chui vào.
Người đàn bà này mong được chết sớm! |
Ở căn lều tạm được vài năm, thì Nhà nước thu hồi, xây dựng công trình, thành ra nhà bị phá, bà lại trở thành kẻ vô gia cư, lại vật vờ ăn đường ngủ chợ.
Tuổi đã quá cao, sức khỏe rất yếu, căn bệnh cao huyết áp khiến bà liên tục choáng váng, hoa mắt, sống nay chết mai, nên hàng xóm đã điện báo cho ông Tr. Ông con trai của bà điện lên kêu bà về Tuyên Quang, để có gì còn lo liệu hậu sự.
Cuối năm 2010, bà Hiền lại nuốt nước mắt cam phận tủi nhục bắt xe tìm về nhà con trai. Lần này bà xác định nhịn nhục để được mồ yên mả đẹp.
Thế nhưng, vừa về đến nhà, người con dâu đã đay đả: “Tưởng bà đi rồi không về nữa, hóa ra lại tha cái xác già này về à. Chả nhờ bà được cái gì, giờ bà lại dẫn xác về bắt người khác phục dịch”.
Ông con trai không bảo vệ mẹ, lại đay nghiến thêm câu nữa: “Ngày bà đi, tôi đã xác định mặc xác bà, không quan tâm đến bà nữa. Bà có chết đường chết chợ tôi cũng mặc kệ”.
Chưa kịp ở ngày nào, bà Hiền đã bị con trai và con dâu ra sức sỉ nhục. Nghĩ mà cám cảnh, bà nói: “Giờ tôi chẳng có nhà cửa đâu. Tôi có chết, thì hàng xóm cũng làm ma cho tôi. Lúc đó, ông bà đừng có mà lên, người ta đuổi đấy”. Ông quý tử độp lại mẹ: “Bà có chết đường chết chợ thì cũng mặc kệ bà. Tôi chẳng thèm quan tâm. Tôi với bà hết tình hết nghĩa rồi”.
Vừa bước vào nhà, con dâu và con trai nói thế, thì làm sao bà ở được nữa. Bà lại túi xách đón xe ngược Hà Giang.
Người dân khu phố thương xót, cám cảnh cho cuộc đời của bà, nên viết đơn kiến nghị gửi chính quyền. Đến tháng 5-2011, bà được hưởng trợ cấp người già cơ nhỡ, 290 ngàn đồng một tháng.
Nhân dân khu phố cũng giúp bà thảo đơn gửi trung tâm bảo trợ, nuôi dưỡng người neo đơn, vô gia cư. Đơn của bà được tiếp nhận, cán bộ tìm đến gặp bà. Tuy nhiên, vì bà có con cái nên không được nuôi dưỡng miễn phí. Bà muốn được trung tâm nuôi thì phải nộp 1,6 triệu đồng một tháng tiền ăn uống, chăm sóc. Nếu bệnh tật, thì trung tâm sẽ đưa đi viện, nhưng người nhà phải trông nom, thanh toán viện phí. Khi bà chết, trung tâm cũng sẽ làm tang ma cho bà, nhưng phải có người thanh toán tiền trước.
Không vào được trung tâm nuôi dưỡng người già, người vô gia cư, bà Hiền dùng số tiền Nhà nước trợ cấp để thuê một căn phòng nhỏ nhất, xập xệ nhất để ở. Tiền trợ cấp vừa đủ tiền thuê nhà, còn để có tiền ăn, bà vẫn phải tấp tểnh đi bán bánh rong.
Mấy tháng trước, bà Hiền lâm trọng bệnh, người sưng phù, hơi thở khó nhọc, nghĩ bà sắp chết, chủ nhà đuổi khéo bà. Cũng chẳng trách họ được, bởi nếu bà chết ở nhà họ, thì đúng là đem đen đủi đến cho họ.
Bà Hiền lang thang khắp nơi tìm nhà thuê, nhưng không chủ nhà nào dám cho một người sắp chết như bà ở.
Đúng lúc đó, bà Phạm Thị Vân, ở tổ 17, phường Nguyễn Trãi, đi thăm con gái, gặp cảnh bà Hiền tay xách nách mang đi hỏi thuê nhà. Bà Vân trò chuyện, xót xa cho cuộc đời bà Hiền quá, nên đã đưa bà về nhà mình ở.
Bà Vân cho bà Hiền ở trọ miễn phí đến hết cuộc đời. |
Mỗi căn phòng bà Vân cho sinh viên thuê với giá 500 ngàn đồng/tháng, nhưng bà Vân cho bà Hiền ở miễn phí. Có nhà rồi, số tiền trợ cấp 290 ngàn đồng mỗi tháng cũng đủ mua rau, cháo để ăn. Tuy nhiên, chẳng mấy khi bà tiêu hết số tiền đó, vì có gì ăn, bà Vân lại chia sẻ với bà.
Bà Hiền bảo: “Tôi đẻ ra con, nuôi nó khôn lớn, mà nó mặc tôi chết đường chết chợ. Còn vô Vân, tôi chẳng giúp cô được gì, chẳng phải máu mủ ruột rà, sao lại tốt thế chứ?”. Nói rồi, bà ôm mặt khóc rưng rức, đôi mắt đỏ hoe.
Mặc dù có nhà cho thuê, song gia đình bà Vân cũng không khá giả lắm. Bà Vân làm cán bộ Nhà nước, lương ba cọc ba đồng. Con cái làm ăn xa. Chồng bà mắc đủ thứ bệnh, nghiêm trọng nhất là bệnh suy phổi, không làm được gì nữa, ăn uống sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào vợ. Biết bà Vân rất vất vả, nên bà Hiền cố gắng không làm gì phiền phức bà Vân.
Trò chuyện với bà Vân, bà bảo: “Tôi không hiểu sao lại có những kẻ làm con mà tàn ác như vậy. Người đời không hiểu sẽ nghĩ bà Hiền phải thế này thế khác thì con cái mới đối xử tàn tệ, nhưng sống với bà nửa năm nay, tôi thấy bà hiền lành, chịu khó, biết điều, không gây bất hòa với ai, được mọi người trong xóm quý mến. Tôi xác định rồi, sẽ để bà ở đây, có gì ăn vậy. Bà chết thì tôi sẽ làm ma cho bà, không cần đến những kẻ làm con bạc tình bạc nghĩa kia”.
Tôi hỏi bà Hiền: “Tết đến rồi, bà mong ước điều gì nhất?”. Bà rưng rưng nói điều ước xót xa của mình: “Tôi mong được chết sớm ngày nào hay ngày ấy. Tôi sợ đổ bệnh, sống dai dẳng, rồi làm khổ cô Vân. Như thế tôi áy náy lắm!”.
Rồi bà sắp hoa quả, lững thững đi về phía nghĩa trang của thành phố, để thắp hương cho chồng và ba người con bị trúng bom.
Phạm Ngọc Dương
Bình luận