Trong khi liệu pháp huyết tương để chữa COVID-19 vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, một bệnh nhân đã hồi phục và có kháng thể chống lại virus sẽ cung cấp huyết tương cho những bệnh nhân có cùng nhóm máu, để giúp tăng tốc độ phục hồi của họ.
Những người khỏe mạnh có thể hiến huyết tương sau 14 ngày phục hồi, nếu họ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và có mức kháng thể cần thiết.
Đối với nhiều gia đình ở Ấn Độ mong muốn cứu người thân, họ sẵn sàng chi tiền để có được huyết tương từ các bệnh nhân đã hồi phục từ COVID-19. Giá có thể dao động từ 20.000 đến khoảng 300.000 rupees (6 triệu - 92 triệu đồng) mỗi ca hiến, các nhóm máu hiếm hơn thì giá càng cao hơn.
Gần 2/3 trong tổng số hơn 1 triệu ca bệnh tại Ấn Độ đã phục hồi, nhưng việc thiếu người hiến và việc thành lập các ngân hàng huyết tương muộn đã dẫn việc "chợ đen" của mặt hàng được coi là "vàng lỏng" này phát triển.
Pháp luật ở Ấn Độ cấm các hoạt động "chợ đen" này. Một sắc lệnh năm 1996 từ Tòa án Tối cao đã quy định những người hiến được trả tiền và ngân hàng máu không có giấy phép là bất hợp pháp.
Ông Akhil Ennamsetty, luật sư từ Warangal ở Telangana, đã hiến huyết tương hai lần. Ông thành lập một nhóm trực tuyến vào tháng trước để giúp kết nối những người hiến và tìm kiếm huyết tương. Ông đã gặp một số người trung gian nói rằng họ đại diện cho các gia đình.
"Họ đề nghị trả tiền cho bất kỳ người hiến tiềm năng nào. Số tiền thay đổi dựa trên các yếu tố khác nhau như nhu cầu và độ hiếm một nhóm máu cụ thể", ông nói. "Nhiều người hiến mà tôi đã liên lạc cũng nói họ đang nhận được cuộc gọi từ những người trung gian này."
Dhoond, một sáng kiến trực tuyến được thành lập hồi tháng 6 để liên kết những người hiến và người nhận ở Ấn Độ, có cơ sở dữ liệu gồm khoảng 300 người hiến. Tuy nhiên hiện nhu cầu là rất lớn, khi có tới 10 người có nhu cầu cho mỗi một người hiến. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân hồi phục quá yếu để hiến máu.
Dhoond đã đưa vào danh sách đen hai người hiến vì đề nghị các gia đình người nhận trả tiền.
Kể từ khi ngân hàng huyết tương đầu tiên của Ấn Độ xuất hiện ở Delhi ngày 2/7, nhiều tiểu bang đã thành lập các ngân hàng tương tự để điều chỉnh việc hiến huyết tương. Delhi đã mở ngân hàng thứ hai tại Bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan.
Bác sĩ Suresh Kumar, giám đốc y tế của bệnh viện cho biết họ đã thu hút được 11 người hiến trong hai ngày đầu hoạt động. "Nếu chúng tôi liên lạc với 10 bệnh nhân, chỉ một hoặc hai người sẵn sàng hiến tặng. Mọi người có quan niệm sai lầm rằng hiến huyết tương có thể gây thương tích hoặc làm yếu sức", ông nói.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người đã hồi phục từ COVID-19 có thể mất khả năng miễn dịch đối với căn bệnh này trong vòng vài tháng, khiến họ dễ bị tái nhiễm.
Bình luận