Cách đây 2-3 năm, gia đình nào có căn hộ chung cư cho thuê sẽ có nguồn thu nhập ổn định và bền vững. Đơn cử 1 căn hộ tầm 2-2,5 tỷ phân khúc trung cấp có thể cho thuê từ 10-15 triệu đồng/tháng; căn 3 tỷ đồng giá cho thuê từ 18-20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, suốt 2 năm COVID-19 hoành hành, tình hình đã thay đổi. Thị trường từ sôi động trở nên ảm đạm, thậm chí nhiều gia đình đến nay quyết định bán đi để không phải đóng chi phí dịch vụ, điện nước và mất lãi vay mua căn hộ hàng tháng.
Chị Mai Thảo Liên (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, năm 2018, chị mua một căn chung cư 2 tỷ đồng gần khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn, mới cho thuê được 1 năm thì dịch bùng phát. Giá ban đầu 10 triệu đồng/tháng, nhưng đến nay 7 triệu đồng/tháng vẫn không có người hỏi thuê, chị phải bán với giá 1,9 tỷ đồng để không bị “chôn” vốn.
Hay như ông Nguyễn Đức Huy (Chí Linh, Hải Dương), dành dụm được một khoản tiền đầu tư 1 căn chung cư 2,8 tỷ trên đường Hàm Nghi, lúc chưa có dịch cho thuê được 17 triệu đồng/tháng, nhưng nay hạ giá xuống 12 triệu đồng mà mãi mới có người thuê.
Ông Huy chia sẻ, việc dịch ập đến bất ngờ là tình trạng bất khả kháng, không thể tính hết được. Tất cả tiền của dành dụm được đầu tư vào căn hộ này, nay muốn bán để lấy tiền gửi ngân hàng cũng khó vì không ai mua vào thời điểm khó khăn này.
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam nhận định, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn cầu thuê, công suất của thị trường ở mức thấp tại 69%. Số căn trống tăng cao so với thời điểm trước khi có dịch bệnh xảy ra.
Trong khi đó, giá thuê tiếp tục giảm 8% theo năm, xuống 24 USD/m2/tháng. Ở thời điểm trước dịch năm 2019, giá cho thuê đạt đỉnh với mức thuê trung bình toàn thị trường khoảng 27 USD/m2/tháng.
Báo cáo quý II của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận tình trạng giá căn hộ tăng nhưng tỷ suất cho thuê giảm. Cụ thể, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội đã tăng 3-5% ở phân khúc bình dân và trung cấp so với quý I. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận cho thuê chung cư (giá thuê 12 tháng/giá bán) tại Hà Nội giảm từ 5% năm 2019 xuống 4,8% năm 2020 và còn 4,6% trong quý II/2021.
Tại khu vực trung tâm Hà Nội, tỷ suất lợi nhuận căn hộ bình dân đạt xấp xỉ 4,5%, trung cấp và cao cấp đều đạt 4,3%. Tại khu vực ngoài trung tâm, tỷ suất lợi nhuận phân khúc bình dân từ 4-5,1%, phân khúc trung cấp từ 4-4,8%, phân khúc cao cấp đạt 4,2-5,4%.
Tỷ suất lợi nhuận chung cư của TP.HCM cũng giảm dần đều qua các năm: năm 2019 đạt 5,2%, năm 2020 đạt 4,5% và năm 2021 đạt 4%.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, lượt tìm kiếm chung cư tăng hơn tìm nhà đất, mặc dù dịch bệnh xảy ra nhưng giá chung cư nhưng vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, đất nền qua cơn sốt giá còn cao, vật liệu xây dựng tăng giá… Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phân khúc căn hộ do kỳ vọng vào việc chung cư tiếp tục sinh lời nên mua để bán, chứ không phải cho thuê.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động cho thuê căn hộ chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Tại TP.HCM và Hà Nội, lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ mang lại hiệu quả rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
Chẳng hạn, một căn hộ 100m2 có giá từ 4 - 5 tỉ đồng chỉ cho thuê chỉ được 10 - 20 triệu đồng/tháng, đầu tư căn hộ cho thuê thực chất "thua" gửi ngân hàng.
Ông Đính cho rằng, bản thân hiệu quả của việc đầu tư căn hộ cho thuê đã rất kém hấp dẫn, giờ cộng thêm với mức thuế cho thuê căn hộ 10%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận và tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này.
Bình luận