Tại hội nghị do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30/3 về di chứng hậu COVID-19, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, COVID-19 để lại 203 di chứng ở nhiều người mắc. Trong đó, 80% người gặp di chứng hậu COVID-19 thấy mệt mỏi, 61% có xơ phổi, 52% gặp vấn đề về trí nhớ, 45% mất ngủ, 33% tổn thương thận cấp.
Triệu chứng hậu COVID-19 bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác như rụng tóc, ho kéo dài, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác, vị giác... có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
PGS Nguyễn Văn Kính cũng cho rằng, hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ. "Một số lượng lớn người lớn và trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng con số chính xác thì khó để xác định" - ông Kính cho biết thêm.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford phát hiện người nhiễm nCoV triệu chứng nhẹ vẫn có biểu hiện suy giảm tập trung và trí nhớ từ 6 đến 9 tháng sau mắc bệnh.
Các vấn đề về nhận thức, chứng hay quên hoặc mệt mỏi là đặc điểm của COVID-19 kéo dài. Triệu chứng này ảnh hưởng đến một số bệnh nhân. Song trước đây, giới chuyên môn vẫn chưa xác định được mức độ phổ biến của tình trạng này trên người từng mắc COVID-19.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford đã nghiên cứu 136 F0 không gặp di chứng kéo dài điển hình, bao gồm mệt mỏi mạn tính, mất vị giác, khứu giác, khó thở,... Họ được yêu cầu hoàn thành các bài tập trí nhớ để kiểm tra khả năng nhận thức.
Trong công bố mới đây nhất, các chuyên gia cho biết trí nhớ theo từng giai đoạn (khả năng ghi nhớ về trải nghiệm cá nhân) của các tình nguyện viên kém hơn đáng kể. Tình trạng này kéo dài khoảng 6 tháng sau nhiễm bệnh. Khả năng duy trì tập trung của họ cũng giảm so với những người không mắc COVID-19, kéo dài tới 9 tháng.
Tiến sĩ Sijia Zhao, khoa Tâm lý Thực nghiệm, Đại học Oxford, cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là họ không có bất cứ di chứng nào khác ở thời điểm thử nghiệm, chỉ bị suy giảm tập trung và trí nhớ".
Bình luận