Sự tồn tại của EU bị đe dọa
Đại dịch Covid-19 đang đặt ra thách thức khủng khiếp với từng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu- EU. Đồng thời, đe doạ cả sự tồn tại của khối này khi các nước thiếu sự tương trợ và đoàn kết để vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Trong thông điệp quốc gia gửi đến người dân Italy cuối tuần qua, Tổng thống Italy Sergio Mattarella phát đi một lời kêu gọi khẩn thiết và hy vọng các nước châu Âu hiểu được mối đe doạ nghiêm trọng hiện nay trước khi quá muộn.
Tổng thống Italy không phải là người đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là người cuối cùng phát đi thông điệp đó.
Tại Nghị viện châu Âu vắng bóng thành viên đầu tuần trước, với đôi găng tay bảo hộ cầm bài phát biểu, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, bi kịch đang diễn ra hàng ngày ở giữa trái tim châu Âu, ở quy mô chưa từng có trong lịch sử.
Đó là điều mà không ai có thể hình dung nổi trước đó vài tuần. Và thật đáng tiếc, theo bà Ursula von der Leyen, là một số nước châu Âu lại đang hành động đầy ích kỷ.
Đầu tháng 3, khi diễn biến dịch nghiêm trọng tại Italy và có dấu hiệu lan nhanh không thể kiểm soát sang nhiều nước khác, nhiều nước đã vội vã hành động cho riêng mình.
Các nước Đức và Pháp ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế, các nước Áo, Hungary, CH Czech… đơn phương đóng cửa biên giới, khiến Hiệp ước Schengen mang tính biểu tượng của EU coi như bị khai tử tạm thời.
Việc lưu thông hàng hoá, cứu trợ các vùng dịch, đặc biệt là Italy, gặp vô vàn khó khăn. Nhưng sự thiếu đoàn kết trong việc tìm ra những giải pháp toàn diện cho cả khối trong những ngày tới còn nghiêm trọng hơn.
'Trái phiếu corona'
Tuần trước, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đề xuất với các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone phát hành một trái phiếu ghi nợ chung để lấy tiền cứu trợ nền kinh tế các nước bị Covid-19 tàn phá, với tên gọi ban đầu là “trái phiếu corona”.
9 thành viên châu Âu lập tức hưởng ứng, trong đó có Tây Ban Nha. Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng, châu Âu cần phải có một đại kế hoạch chung tầm cỡ như “Kế hoạch Marshall” sau Chiến tranh thế giới 2 để tái thiết châu Âu sau cuộc khủng hoảng thế kỷ do Covid-19 gây ra.
“Đây là cuộc khủng hoảng tác động đến toàn bộ các nước. Nó không phải là một cuộc khủng hoảng phi đối xứng. Nó không có biên giới, và cũng không phân biệt các chính sách kinh tế trước đây của nước này hay nước khác.
Đối sách với cuộc khủng hoảng này không thể chỉ ở tầm quốc gia, nó phải ở tầm châu Âu. Đó phải là một đối sách mà tất cả chúng ta phải liên kết cùng nhau, dù là người Hà Lan, người Tây Ban Nha hay người Đức”, Thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ý tưởng này bị các nước Đức, Hà Lan, Áo hay Phần Lan dội một gáo nước lạnh.
Các nước này từ chối một khoản nợ chung của toàn khu vực eurozone và cho rằng các biện pháp mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra như tung ra đến 750 tỷ euro để mua lại một phần nợ công của các nước hay việc Uỷ ban châu Âu chi 37 tỷ euro cứu trợ khẩn cấp, hiện tại là đủ để ổn định tình hình.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Wopke Hoekstra còn khiến các nước Nam Âu nổi giận khi yêu cầu Uỷ ban châu Âu điều tra xem tại sao các nước Nam Âu lại không có đủ năng lực tài chính để ứng phó với đại dịch Covid-19 và khiến tổn thất sinh mạng lên cao đến thế.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, dù mềm mỏng hơn nhưng cũng tuyên bố, giờ là lúc đặt sinh mạng người dân lên trước các vấn đề kinh tế.
“Thật là không có đạo lý chút nào khi một vài người giờ đây bắt đầu nói rằng các vấn đề y tế chỉ là thứ yếu và kinh tế phải là ưu tiên. Việc cần ưu tiên nhất bây giờ là làm sao làm chậm đại dịch này lại để bảo đảm các hệ thống y tế được chuẩn bị tốt.
Đó chính là mặt trận và là sinh mạng con người. Việc phối hợp giữa các nước với nhau dĩ nhiên vô cùng quan trọng. Nhưng sự đoàn kết đó phải đồng nghĩa là phải đoàn kết về mặt tài chính”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói.
Video: Cập nhật tình hình Covid-19 trên thế giới ngày 30/3
Theo đề xuất được Đức đưa ra, thay vì phát hành “trái phiếu corona” ghi nợ chung, châu Âu có thể kích hoạt Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) vốn được lập ra trong đợt khủng hoảng nợ công để huy động các nguồn tài chính cho châu Âu.
Nhưng đề xuất này bị Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte gạt bỏ vì cho rằng nó không xứng tầm. Cùng với Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, ông Conte gửi đi một thông điệp gần giống như một tối hậu thư, rằng châu Âu phải đạt được một thoả thuận trước ngày 15/4, nếu không thì khi đó khối này còn rất ít lí do để tồn tại.
Đoàn kết là mệnh lệnh sống còn
Từ Pháp, một cảnh báo tương tự cũng đã xuất hiện. Cựu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jacques Delors cho rằng, Covid-19 đang đe doạ khai tử Liên minh châu Âu. Trong khi Quốc Vụ khanh Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Amélie de Montchalin tuyên bố, uy tín và sự tồn tại của EU đang bị thách thức.
“Đây trước hết là thời điểm mà uy tín và sự hữu dụng của châu Âu bị đặt dấu hỏi. Nếu châu Âu chỉ là một khối thị trường nội địa chung khi mọi thứ đều ổn thì nó không còn giá trị gì cả.Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho việc bước ra khỏi khủng hoảng này, cho sự phục hồi kinh tế, cho những gì diễn ra sau đại dịch.
Sẽ không có một sự phục hồi kinh tế, xã hội, dù dưới hình thức nào hết ở Đức hay Hà Lan nếu Pháp, Italia, Tây Ban Nha hay phần còn lại của châu Âu bất ổn”, bà Amélie de Montchalin tuyên bố.
Bà Amélie de Montchalin không phủ nhận việc có những đoàn kết nhất định hiện nay trong việc hợp tác nghiên cứu vaccine hay việc cứu chữa bệnh nhân.
Song bà Amélie vẫn đặt câu hỏi, rằng nếu không có sự đoàn kết, châu Âu có cần thiết phải là một khối 27 thành viên như hiện nay hay không và sau đại dịch này, một số nước có thể phải xem lại chỗ đứng của mình trong Liên minh châu Âu.
Đoàn kết, bây giờ không chỉ là vì lợi ích chung, mà còn là mệnh lệnh mang tính sống còn với Liên minh châu Âu.
Bình luận