Ngày 8/6/2017, trong đợt tập trung cùng đội tuyển Tây Ban Nha, Diego Costa đã có tuyên bố gây sốc. Anh tố cáo HLV Antonio Conte đã xua đuổi mình bằng một dòng... tin nhắn điện thoại.
"Ít ngày trước, tôi nhận được tin nhắn từ Conte. Ông ấy nói rằng tôi đã không còn nằm trong kế hoạch của đội bóng. Sau những gì tôi đã cống hiến, điều này thật nhục nhã. Nhưng bây giờ, tôi cần phải tìm một đội bóng mới để tiếp tục được ra sân thi đấu" - Costa cay đắng chia sẻ.
Không cần phải đợi đến khi Conte hay Chelsea lên tiếng xác nhận, ai cũng biết những gì Costa chia sẻ là sự thật. Chân sút người Tây Ban Nha không dại dột đến mức... bịa chuyện để vu cáo Conte. Ai cũng biết chiến lược gia người Italia "ngứa mắt" với Costa.
Conte có lý bởi thái độ vùng vằng và thiếu chuyên nghiệp khi Costa xao nhãng vì tin đồn chuyển nhượng với đội bóng Trung Quốc Tianjin Quinjian là khó chấp nhận. Muốn bình ổn phòng thay đồ, Conte buộc phải hy sinh Costa - chân sút được ông hết mực cưng chiều.
Conte đúng về lý, nhưng lại sai về tình. Với dòng tin nhắn xua đuổi Costa, Conte đã đẩy truyền thông từ phía mình sang... phía bênh vực học trò. Conte gỡ "quả bom" Costa, song lại vô tình châm ngòi cho hàng loạt "quả bom" khác chỉ đợi phát nổ.
Phóng viên của Daily Mail cất công đến Brazil để phỏng vấn Costa - người khi ấy đã tự tiện từ chối lệnh triệu tập của Chelsea. Giới truyền thông thà bỏ công di chuyển hàng nghìn cây số để lắng nghe Costa, còn hơn là hỏi chuyện Conte. Không ai lắng nghe cựu HLV Juventus về chuyện của Costa.
Thực tế, đã có phóng viên hỏi Conte về tin nhắn với Costa, nhưng chiến lược gia này đáp lại bằng nụ cười mỉa mai. Đằng sau nụ cười ấy, ai cũng biết nội tình Chelsea đã có vấn đề.
Conte bảo "ai ở Chelsea cũng biết tại sao Costa phải đi". Ông lại đúng. Chuyện Costa vùng vằng, dỗi hờn và thường xuyên kiếm chuyện trên sân là điều ai cũng thấy, không cớ gì cứ phải ở Chelsea. Thậm chí Costa còn bị cổ động viên Chelsea chỉ điểm là một trong ba "con chuột" đã đá ghế của Jose Mourinho.
Nhưng chọn cách "xử" Costa bằng hành động tuyệt tình và bạc bẽo như vậy, chẳng khác nào chuyện cô giáo Kim Tuyến "răn dạy" học trò bằng những lời lẽ vô văn hóa. Người ta không thể lấy cái sai để răn dạy cái sai.
Sự thiếu khôn ngoan của Conte không chỉ khiến ông đánh mất sự ủng hộ của truyền thông, mà còn khiến học trò mếch lòng. Có ai ở Chelsea dám chắc mình sẽ không bị xua đuổi như Costa - công thần trong cả 2 chức vô địch Ngoại hạng Anh gần nhất của đội chủ sân Stamford Bridge?
Theo báo giới Anh, cách hành xử của Conte khiến không ít cầu thủ mếch lòng. Mà ở Chelsea, mất lòng cầu thủ là mất tất cả. Nếu không tin, hãy hỏi Mourinho.
Ở Juventus, Conte đích thực là một gã tài phiệt. Theo chia sẻ của Andrea Pirlo hay Gianluigi Buffon, Conte là "đại ca" của phòng thay đồ với cái uy của người thủ lĩnh. Cầu thủ nghe lời Conte bởi ông có "máu Juventus" trong người. Còn Chelsea thì sao? Conte chưa từng in hằn dấu chân lịch sử lên đất London, nên không thể mong cầu thủ Chelsea nhất nhất tuân lệnh chiến lược gia này.
Ngày đầu đến Anh, Conte mặc chiếc áo xanh chuối, đeo còi, lao ra sân tập và la hét: "Các cậu có muốn vô địch không? Muốn vô địch thì phải theo tôi". Với Conte, các cầu thủ Chelsea đã tìm thấy một vị mãnh tướng. Chỉ cần ông hô, cả đội sẽ liều mình xuất trận trong những tiếng gầm kiêu hãnh ở Stamford Bridge. Nhưng đấy là khi Conte còn được học trò vị nể.
Cơn giông đầu tiên xuất hiện ở Chelsea với chuỗi trận khó hiểu từ các cầu thủ. Không phải thất bại, mà là cách toàn đội thi đấu để dẫn đến thất bại. Thật khó tin khi Chelsea vốn chơi bóng khá "lành" (là một trong những đội nhận ít thẻ phạt nhất mùa trước) lại nhận tới 3 thẻ đỏ chỉ trong 2 trận đầu mùa trước Arsenal (Community Shield) và Burnley (Ngoại hạng Anh).
Đặc biệt, cả 3 lần bị truất quyền thi đấu của các cầu thủ Chelsea đều đến từ tình huống vào bóng chủ ý ở khu giữa sân với những vị trí không gây nguy hiểm cho đội nhà. Chelsea cũng khởi đầu tệ trong các trận đấu kể trên và thường xuyên thất bại vì tinh thần hơn là chiến thuật, vì con người hơn là tập thể. Đó là khi Conte bắt đầu mường tượng tới điều không đúng. Chelsea mùa trước của ông không thô bạo và bất ổn như thế.
Cũng như cơn bão, mọi giông tố đều chỉ xuất hiện sau khoảng lặng. Conte đã có "khoảng lặng" tuyệt vời trước Giáng sinh với vị trí thứ 2 cùng chiến thắng then chốt 1-0 trước Manchester United để lấy lại cái uy của nhà vô địch. Để rồi, khoảng thời gian ấy trôi qua nhanh chóng để nhường chỗ cho màn đêm trong năm 2018.
Có tin được không khi Chelsea chỉ thắng 3 trận ở Ngoại hạng Anh trong 3 tháng đầu năm trước những đối thủ rất yếu?
Còn lại, đội bóng của Conte thua tơi tả. Chelsea bại trận đau đớn trước MU dù dẫn trước, để rồi thua tối thiểu trước Manchester City trong trận đấu mà Gary Neville mô tả là "lố bịch". Hình ảnh Cesc Fabregas cùng các đồng đội... đứng yên để Man City chơi bóng là hiện thân của "tinh thần" Chelsea mùa này: Yếu đuối, bạc nhược. Một đội bóng do Conte dẫn dắt lại chấp nhận buông xuôi để đối thủ hành hạ như thế?
Bất mãn không tự sinh ra hay mất đi. Nó chỉ chuyển từ trận đấu này sang trận đấu khác. David Luiz dính chấn thương "bí ẩn" ngay sau khi bị Conte thải loại và có lẽ chỉ trở lại khi... Conte không còn hiện diện ở Chelsea, nhưng đó không phải tất cả.
Conte từng mong trị được Luiz như cách Massimiliano Allegri trị Leonardo Bonucci, song ở Chelsea, chiến lược gia người Italia không có quyền mơ. Bởi với Chelsea, HLV cũng chỉ là người "làm công ăn lương" như bất cứ nhân viên nào khác. Đơn giản, Conte không được bảo vệ.
Lựa chọn bước khỏi vùng an toàn và gây hấn với cầu thủ khiến Conte tự bước một chân khỏi Stamford Bridge. Eden Hazard công khai chỉ trích Conte để anh đá sai vị trí, Thibaut Courtois cho rằng chiến thuật của Conte là bất hợp lý,... Số người bất mãn với Conte còn lớn hơn nhiều, và nguy hiểm hơn, khi họ còn là... ban lãnh đạo Chelsea - những người bị Conte liên tục phê phán trong các buổi họp báo.
Tôi không biết nhiều về kế hoạch của đội bóng, rằng họ sẽ giao hữu với ai, tập luyện ra sao. Việc của tôi là đảm bảo cam kết với CLB.
"Nếu các anh muốn biết về chuyển nhượng, hãy hỏi ban lãnh đạo. Tôi chỉ biết đến công việc huấn luyện thôi" - Conte hờn dỗi.
Ở trong hoàn cảnh gần giống Conte, Mourinho cũng trách cứ đội bón không chi tiêu mạnh tay như Man City, song Mourinho tinh tế hơn nhiều khi khẳng định "có mối quan hệ tuyệt vời với Phó Chủ tịch Ed Woodward". Năm tháng thăng trầm tại Anh tôi luyện cho Mourinho sự lọc lõi trong phát ngôn, dẫu ông là một trong những HLV "bạo miệng" nhất thế giới.
Nhưng Conte thì không. Ông khí khái, không chịu khuất phục và luôn đấu tranh đến cùng. Khi ông quyết đấu với đối thủ, ông thắng. Còn khi ông quyết đấu với ban lãnh đạo, ông chắc chắn sẽ thua.
Sự chán chường là điều có thể thấy rõ ở Chelsea. Đội bóng áo xanh vùng lên trong những vòng cuối, song đó chỉ là những phút giây hiếm hoi ở mùa giải này, Chelsea có chút hãnh tiến của đội bóng lớn. Hoặc đó có thể là màn thể hiện để các cầu thủ hy vọng có vé dự World Cup cùng đội tuyển quốc gia. Chứ Chelsea chiến đấu vì Conte không? Khó lắm.
"Tôi không biết nhiều về kế hoạch của đội bóng, rằng họ sẽ giao hữu với ai, tập luyện ra sao. Việc của tôi là đảm bảo cam kết với CLB".
Conte vẫn muốn ở lại, dù người bạn thân Gianluca Vialli của ông khẳng định "Conte đã chán Chelsea đến tận cổ". Chỉ có điều, Chelsea không cần ông. Đến lúc này, vẫn chưa thấy ai ở Stamford Bridge đứng ra bảo vệ Conte, ngoại trừ... Tiemoue Bakayoko - một trong những người chơi tệ nhất.
"Conte đã giúp tôi phát triển khả năng và tiến bộ hơn". Một phát biểu thật nực cười, và càng nực cười hơn nữa khi nhìn Chelsea buông xuôi hoàn toàn trước Newcastle đã hết mục tiêu. Đó là tinh thần chiến đấu vì Conte sao?
Mất Costa, Chelsea thu lại 60 triệu euro và đó là tất cả những gì họ có. Họ bù đắp như thế nào? Một chân sút đẳng cấp được thay thế bằng tiền đạo yếu đuối như Alvaro Morata - người có tỉ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng cực thấp và vấp ngã nhiều hơn là dứt điểm.
Trên tất cả, tin nhắn của Conte với Costa khiến ông đánh mất uy thế chỉ ít ngày sau khi đưa Chelsea lên đỉnh cao nước Anh. Từ người hùng được trọng vọng, cái tên Conte dần gắn với tin đồn bị sa thải nhiều hơn.
Đến Mourinho còn mất việc vì không được lòng cộng sự, Conte thật khó tìm cho mình một ngoại lệ.
Thế giới bóng đá hiện đại khiến vai trò quản lý của HLV ngày càng bị thu hẹp. Không còn nhiều mẫu HLV kiểu "nhà quản lý" như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger nữa. Thay vào đó, HLV chỉ làm công tác huấn luyện đơn thuần và không được can thiệp vào chính sách chuyển nhượng đội bóng. Việc Conte "phá luật" và đòi hỏi quyền lực như ở Juventus đã khiến ông thất thế trong cuộc chiến vương quyền ở Stamford Bridge.
Tầm quan trọng của HLV quan trọng ra sao, chính sách của Chelsea trong 10 năm qua đã nói lên tất cả. 10 năm, họ có 10 lần thay HLV. "Tuổi thọ" trung bình của HLV tại Chelsea là 1 mùa giải, còn ít hơn cả cầu thủ đá ở hạng bán chuyên.
Khi Conte đã tính sai một bước, sự sụp đổ dây chuyển ở Tây London đã đến như lẽ tất yếu. Nếu Conte không sai, Chelsea có thể vẫn thất bại, song tình hình ít nhất sẽ không tồi tệ thế này, và ông hoàn toàn có cơ hội được tại vị đến hết thời hạn hợp đồng.
Nếu ngày ấy, thay vì ấn nút "gửi", Conte lặng lẽ lưu dòng tin nhắn và mục "thư nháp", Chelsea biết đâu đã không rơi vào thế hỗn mang. Nhưng với chữ "nếu" người ta có thể mang cả Paris đặt vào trong chai. Và với chữ "nếu", Conte có thể mang vé Champions League trở lại Stamford Bridge...
Bình luận