Từng nhiều lần khoác áo ĐTQG, nhưng AFF Cup 2016 là lần đầu tiên Lê Công Vinh giữ băng thủ quân ở giải đấu tầm khu vực. Giới bóng đá nhận xét rằng dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, Công Vinh có uy quyền ở đội tuyển Việt Nam chỉ đứng sau đúng người đàn anh đồng hương.
Kết thúc AFF Cup 2016, đội tuyển Việt Nam bị loại tại bán kết trước Indonesia, còn Công Vinh tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu. Cho tới thời điểm nói lời chia tay, anh đã có 83 lần khoác áo ĐTQG, ghi 51 bàn, là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử đội tuyển.
Công Vinh cũng vượt qua đàn anh Lê Huỳnh Đức trước đây để trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất ở đấu trường AFF Cup với 15 pha làm bàn.
Trong nhiều lần phát biểu gần đây, Công Vinh đều cho biết bóng đá đã đem lại cho anh nhiều thứ, sự nghiệp, danh tiếng, tiền bạc…Và có nhiều cơ sở để tin rằng, chia sẻ trên của anh không chỉ là những lời đãi bôi. Chỉ riêng góc độ tiền bạc, Công Vinh thực sự là một tỉ phú trong giới cầu thủ Việt Nam với những khoản tiền “lót tay” cực lớn sau mỗi lần chuyển đổi CLB.
Hãy lần lại thương vụ chuyển nhượng đầu tiên của Lê Công Vinh, khi anh chia tay CLB SLNA để chuyển tới Hà Nội T&T hồi năm 2008. Mức phí “lót tay” ông bầu Đỗ Quang Hiển phải chi cho anh lên tới hơn 7 tỷ đồng, theo các nguồn tin rò rỉ ra ngoài. Đây là con số kỷ lục ở thời điểm nói trên.
Công Vinh đồng thời được hưởng mức lương thuộc hàng “tốp” ở Hà Nội T&T, được cho là không dưới 50 triệu đồng/tháng. Lương, thưởng của đội bóng thủ đô thời điểm trên cũng đều cao chót vót so với nhiều đội bóng khác ở V.League.
Sau 4 năm khoác áo Hà Nội T&T, mùa giải 2012 Công Vinh thực hiện cú “bẻ kèo” ngoạn mục để đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội của ông bầu Nguyễn Đức Kiên. Khoản phí “lót tay” Công Vinh được nhận qua thương vụ này ban đầu được giữ kín. Nhưng về sau, rất nhiều nguồn tin đã hé lộ, anh đã được bầu Kiên trả gần 14 tỷ đồng, kèm theo khoản lương tháng còn cao hơn cả ở Hà Nội T&T.
Clip: Công Vinh bức xúc tố cầu thủ Malaysia đá xấu
Một năm sau đó, khi CLB bóng đá Hà Nội giải thể, Lê Công Vinh trở về với đội bóng quê hương SLNA trong bối cảnh không được nơi nào đón nhận. Đây có lẽ là bản hợp đồng “bèo” nhất của tiền đạo xứ Nghệ, khi phía SLNA cho biết chỉ phải trả cho CLB bóng đá Hà Nội 500 triệu đồng.
Giữ băng thủ quân, Công Vinh đã có một mùa giải toả sáng trong màu áo SLNA với 23 bàn thắng ở mọi đấu trường và khi V.League 2013 còn chưa kết thúc, anh chuyển tới CLB Sapporo với bản hợp đồng có thời hạn 5 tháng, kèm số tiền không dưới 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Kết thúc V.League 2014, do không thỏa thuận được với SLNA về chi phí “lót tay”, Công Vinh đã đầu quân cho B.Bình Dương. Hợp đồng lần này của anh có thời hạn 3 năm, số tiền “lót tay” được cho là khoảng trên dưới 9 tỷ đồng.
Không kể đến khoản lương hàng chục triệu mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền chuyển nhượng, Lê Công Vinh đã “bỏ túi” trên dưới 30 tỷ đồng cho mỗi lần đổi CLB. Điều quan trọng hơn, không như nhiều cầu thủ khác thường sa đà vào các tệ nạn hoặc thú chơi tốn kém, Lê Công Vinh cho thấy là người rất biết chi tiêu, sử dụng tiền bạc.
Anh đồng thời cũng kiếm thêm nhiều khoản khác từ các hợp đồng quảng cáo, sự kiện truyền hình. Đấy là chưa kể, “bà xã” của Lê Công Vinh, ca sĩ Thủy Tiên cũng có mức thu nhập rất cao trong giới ca hát. Anh và vợ từng được ví như cặp đôi Victoria-Beckham ở Anh.
Ở độ tuổi 31 khi tuyên bố giã từ sự nghiệp sân cỏ, Lê Công Vinh đã có một gia tài đủ đầy với vợ đẹp, con khôn, cùng khối tài sản vững chắc. Anh được nhiều người yêu mến, nhưng số ghét cũng không ít. Giữa lằn ranh yêu và ghét, người ta phải thừa nhận rằng, anh là một phần của lịch sử bóng đá Việt Nam.
Bình luận