12 năm, một mối tình thủy chung cùng màu áo tuyển quốc gia, sẽ không dễ dàng gì khi chấp nhận sự thật: Công Vinh sẽ chia tay đội tuyển sau khi AFF Cup 2016 khép lại.
12 năm, mọi thứ thay đổi liên tục, chỉ trừ vị trí của chàng trai xứ Nghệ năm nào. 1 trận, 2 trận,... rồi 84, 85 trận, Công Vinh từng bước ghi dấu vào lịch sử bóng đá nước nhà khi trở thành "lá cờ đầu" của đội tuyển quốc gia trong mọi giải đấu mà Việt Nam tham dự.
Không dễ để chiếm một suất đá chính ở tuyển quốc gia, song tiền đạo 30 tuổi đã làm được điều đó ở tuổi 19, giữ nó trong nhiều năm và luôn được tin dùng dù thi đấu dưới trường phái bóng đá nào.
Công Vinh vẫn có thể thi đấu thêm vài năm, làm được nhiều hơn con số 51 bàn hiện tại, dẫn dắt đàn em ở tuyển Việt Nam và biết đâu hơn đấy, là phá sâu hơn nữa kỷ lục ghi bàn ở AFF Cup.
Không còn Công Vinh trong đội hình, tuyển Việt Nam sẽ mất đi chân sút xuất sắc nhất, thiếu vắng một đầu tàu kinh nghiệm, chẳng còn một thủ lĩnh tinh thần,... Tuy nhiên, sự chia tay của CV9 hứa hẹn mang lại cho tuyển Việt Nam được nhiều hơn là mất.
Lý do trước hết nằm ở chính Công Vinh. Ở tuổi 30, tiền đạo người Nghệ An không còn sung mãn, dẻo dai và tràn đầy nội lực như chàng trai ngày nào chập chững ra mắt người hâm mộ trên sân Thống Nhất.
Thời gian cho Công Vinh kinh nghiệm, nhưng chính thời gian cũng lấy đi sức trẻ của chân sút số 1 bóng đá Việt Nam, như lấy đi sức trẻ của bất kỳ ai khác.
Bóng đá giống hành trình leo núi của một cầu thủ. Có lúc lên dốc, trụ trên đỉnh cao thì cũng phải có lúc ở sườn dốc bên kia sự nghiệp. Công Vinh chỉ còn gắn liền với tuyển bởi một chữ "duyên", khi không còn giữ được phong độ cao ở đấu trường quốc nội.
Rời Bình Dương, chưa biết bến đỗ tiếp theo của Công Vinh vào năm tới, song khả năng để anh trở lại đỉnh cao là không nhiều.
Clip: Xuân Trường xem Công Vinh là hình mẫu lý tưởng cho các cầu thủ trẻ
Quan trọng hơn, sự ra đi của Công Vinh là lẽ tất yếu của cuộc chuyển giao trên tuyển Việt Nam: Đau đớn, khó khăn nhưng không thể tránh khỏi. Khi bóng đá Việt Nam đang bước vào giai đoạn trẻ hóa mạnh mẽ (với thành công đồng loạt của U16, U19 và U23 Việt Nam), một tuyển Việt Nam cũ kĩ đã được thay thế liên tục bằng dòng máu trẻ trung từ nhiều lò đào tạo trên cả nước.
Ở độ tuổi đôi mươi, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh, Tiến Dũng, Đình Hoàng đã có mặt trên tuyển. Với xu hướng phát triển tất yếu cùng triết lí của HLV Hữu Thắng, công cuộc trẻ hóa toàn diện cho bộ mặt của tuyển sẽ không dừng lại.
Tuyển Việt Nam cần xóa bỏ dần dần cái cũ, mở đường cho cái mới và tìm lấy hy vọng ở những cái tên giàu khát khao hơn. Họ cần được trao cơ hội thường xuyên, thoát khỏi cái bóng quá lớn của đàn anh để mở ra hướng đi cho riêng mình.
Đội tuyển hiện tại cũng có không ít "chàng trai 19 tuổi" sẵn sàng tái lập kỳ tích, miễn là họ được trao cơ hội. Nếu Công Vinh đã xuất hiện khi Edson Tavares mạnh mẽ thay đổi, chẳng có lí do gì để không có ít nhất một cái tên nữa xuất hiện và viết lại lịch sử bóng đá nước nhà như Công Vinh năm nào.
Còn nhiều nhất 3 trận (nếu tuyển Việt Nam vượt qua Indonesia để lọt vào chung kết) để chứng kiến Công Vinh thi đấu, chứng kiến những phút giây cuối cùng của một phần lịch sử trong màu áo tuyển.
Ngày mai, ngày không còn Công Vinh nữa, bóng đá Việt Nam sẽ nói lời chia tay với cái cũ để mở ra chu kì phát triển mới - một chu kì hứa hẹn thành công dù cái giá phải trả chẳng hề dễ chấp nhận.
Bình luận