Vì sao Thể Công giải thể?
Ngày 22/9/2009, ngay trước ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn thể thao Thể Công, Bộ Quốc phòng đã quyết định xóa tên Thể Công.
Nguyên do một tượng đài của bóng đá nước nhà như Thể Công giải thể có nhiều, từ cơ chế hoạt động thời bóng đá chuyển sang chuyên nghiệp đến thành tích không còn xứng tầm với quá khứ, lịch sử…
Và một lý do rất tế nhị mà chỉ có những người nhiều năm lăn lộn với bóng đá Thể Công, coi màu áo đỏ Thể Công là máu thịt, là đứa con tinh thần bất diệt mới nhận thấy. Đó là việc “xóa” đi một cái tên không phải để nó biết mất vĩnh viễn, ngược lại để nó mãi đẹp, mãi sống lâu bền trong lòng bao lớp người đã yêu mến nó.
Quả nhiên vậy, không lâu sau khi Bộ Quốc phòng giao đội bóng cho Tổng công ty viễn thông Viettel quản lý, Viettel đã chuyển giao lại đội hình 1 Thể Công về Thanh Hóa, chỉ còn quản lý đội hình 2 thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia năm 2010 dưới tên gọi Trung tâm bóng đá Viettel.
Hãy tưởng tượng, nếu cái tên Thể Công không xóa đi, với mô hình, quy chế và cách làm bóng đá thời điểm ấy, ai có thể đảm bảo cái tên Thể Công không kèm với những thương hiệu giống như nhiều đội bóng ở V-League. Và chắc chắn, những cuộc chuyển giao đội bóng kiểu như vậy sẽ làm cho lịch sử 55 năm lẫy lừng của bóng đá Thể Công bị méo mó, biến dạng…
Thực tế của Công An Hà Nội, Cảng Sài Gòn
Một tượng đài khác của bóng đá Thủ đô không may mắn được “xóa tên” như Thể Công để rồi lịch sử bị xẻ ra làm nhiều mảnh và mất dạng đầy đau đớn. Đó là Công An Hà Nội.
Năm 2002, đội bóng có lịch sử chỉ sau Thể Công được chuyển giao cho Hàng không Việt Nam, sau đó lại sát nhập một phần với LG - ACB thành đội bóng LG - Hà Nội - ACB. Phần còn lại thành lập nên một đội bóng mới mang tên Hòa Phát Hà Nội.
Năm 2006, LG - Hà Nội - ACB tiếp tục sát nhập để biến thành CLB Hà Nội – ACB của bầu Kiên. Trong khi đó, đội bóng Hòa Phát Hà Nội đến hết mùa giải 2011 tuyên bố giải thể, các cầu thủ lại được sát nhập vào CLB Hà Nội – ACB. Và đến đầu mùa giải 2012, đội bóng đổi tên thành CLB Bóng đá Hà Nội.
Nhưng rút cuộc, cuối mùa năm ấy, CLB Bóng đá Hà Nội cũng "biết mất" khỏi bản đồ bóng đá nước nhà khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, để lại “cây gia phả” không ai muốn nhận. Đau đớn thay, cội gốc của nó lại là tượng đài bóng đá Công An Hà Nội.
Nói cách khác những gì mà người thời sau làm đã có tội với lịch sử. Họ không những không trân trọng cái tên truyền thống mà còn phá hỏng nó.
Tương tự ở trời nam, tượng đài bóng đá Cảng Sài Gòn cũng năm lần bảy lượt thay tên đổi họ. Bắt đầu là gắn thêm tên doanh nghiệp Thép miền Nam ở đằng trước vào năm 2004. Sau đó đến năm 2008, phiên hiệu Cảng Sài Gòn chính thức bị xóa, Thép miền Nam mua lại cái tên “CLB bóng đá TP.HCM” của bầu Hưng (CLB Thành Long cũ).
Việc đổi tên này gây nhiều tiếc nuối và phản đối từ các CĐV trung thành, những người luyến tiếc với truyền thống đã gắn liền với cái tên Cảng Sài Gòn. Cũng bởi vậy, không lâu sau, Ban chấp hành Hội CĐV đồng loạt từ chức và giải tán Hội CĐV bóng đá Cảng Sài Gòn. Đội bóng TP.HCM cũng chỉ tồn tại lay lắt thêm một thời gian rồi “biết mất” mà nhiều người không hay biết.
Chính sự “chết mòn” theo những cuộc chuyển giao ấy mà một ngày, khi bóng đá Việt Nam xuất hiện cái tên CLB Bóng đá TP.HCM mới, người ta đã nhầm tưởng về cội rễ để rồi hồn nhiên nối vào lịch sử cũ.
Từ điển bách khoa mở Wikipedia cũng làm điều này và nó khiến cho những người có thói quen tìm kiếm thông tin từ đây nhầm tưởng theo. Công Vinh có thể không là ngoại lệ, để rồi “bê” về phòng truyền thống 5 sao mới mở của mình những thứ vốn không thuộc về lịch sử đội bóng anh đang là quyền chủ tịch.
Suy đến cùng, sự nhầm lần nãy là hệ quả tất yếu của một nền bóng đá bị biến dạng, bóp méo, không trân trọng lịch sử thời chuyển giao chuyên nghiệp.
Bình luận